Sự hào hoa là nét nổi bật trong lối chơi của bóng đá Tây Ban Nha, cả ở cấp CLB cũng như đội tuyển. Còn với người Đức, chiến thắng là thước đo tối cao.
So về kỹ thuật, Tây Ban Nha cùng với Italia, Pháp và gần đây là Bồ Đào Nha ở đẳng cấp trên của bóng đá châu Âu. Nhưng Tây Ban Nha luôn có một tuyến nổi trội hơn cả: hàng tiền vệ. Họ có thể không có những cá nhân xuất chúng, nhưng luôn có những cầu thủ xuất sắc ở tuyến này với kỹ thuật chuyền bóng và phối hợp bóng ngắn hoàn hảo.
Sức mạnh vượt trội ở giữa sân của đội tuyển xứ bò tót đã được khẳng định trong mọi trận đấu của họ ở giải này, kể cả trước Italia. Dù các cá nhân của họ có kỹ thuật cá nhân rất hoàn hảo, nhưng đội tuyển này không lạm dụng mà luôn dựa trên nền tảng lối chơi đồng đội, với những pha phối hợp một chạm tinh tế, chính xác.
Nếu người Nga đã dạy cho Hà Lan một bài học về lối chơi một chạm ở tứ kết, thì ở trận bán kết, đến lượt Tây Ban Nha dạy lại người Nga. Trước đó, cả 2 đội bóng nói trên đều được coi là những đội bóng xuất sắc nhất của lối chơi một chạm ở giải đấu này.
Kỹ thuật cá nhân, lối chơi một chạm, và những đường chuyền trung bình đẹp như vẽ của Iniesta, Fabregas tạo nên vẻ hào hoa trong lối chơi của đội tuyển xứ bò tót. Và khi chuyển sang sơ đồ 4-1-4-1, vai trò của tuyến giữa càng được đẩy mạnh nhờ bổ sung nhân sự và tính linh hoạt, lối chơi của Tây Ban Nha càng trở nên uyển chuyển, tinh tế, và dường như hiệu quả hơn. Nếu như bàn mở tỷ số có bước ngoặt từ pha xử lý cá nhân của Iniesta với những cú đảo người liên tiếp, thì 2 bàn sau đó đến từ những pha phối hợp và những đường chuyền rất hào hoa.
Với những phẩm chất và kỹ năng như trên, chắc chắn Tây Ban Nha sẽ lại vượt trội ở tuyến giữa trước người Đức. Và khi mà tuyến giữa của Đức không mạnh về tranh cướp bóng, lại thêm hàng thủ không mạnh trong đối kháng cá nhân – điển hình là trước Thổ Nhĩ Kỳ - thì đội tuyển xứ bò tót lại có dịp phô bày sự hào hoa của mình, sự hào hoa giúp họ kiểm soát lối chơi. Mà người Tây Ban Nha quan niệm rằng, khi anh đã áp đặt được lối chơi, chiến thắng rồi sẽ đến.
Người Đức đối lập với Tây Ban Nha ở phương diện này: chiến thắng chỉ đến khi anh đặt nó lên tối thượng. Áp đặt lối chơi chỉ là một trong những cách thức để tìm kiếm chiến thắng, bên cạnh những cách thức khác. Từ đầu giải, họ chỉ áp đặt được lối chơi lên Ba Lan, và phần nào trước Áo, bị động trước Croatia, Bồ Đào Nha, và bị động toàn diện về lối chơi trước Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng họ chỉ thua 1 trận trong số đó, trước Croatia ở vòng bảng.
Họ thích khái niệm “kiểm soát trận đấu” hơn. Trong trận thắng Bồ Đào Nha, đối phương áp đặt lối chơi nhờ ưu thế vượt trội về kỹ thuật và khả năng chiếm lĩnh tuyến giữa, nhưng Đức luôn giành thế chủ động chiến thuật và dẫn điểm: họ phòng ngự chủ động, và khai thác những tình huống ăn bàn một cách chủ động. Nhưng trước Thổ Nhĩ Kỳ, Đức cũng không kiểm soát được trận đấu: họ phòng ngự rất bị động trong hiệp 1, phải rượt đuổi, rồi bị đối phương rượt đuổi. Vậy mà người Đức vẫn chiến thắng.
Bởi vì người Đức luôn biết khai thác triệt để những tình huống, những pha bóng cụ thể, phát huy từng vũ khí sở trường cụ thể, cũng như đánh vào những điểm yếu của đối phương mỗi khi có cơ hội. Vũ khí cụ thể của họ ở giải này là những cú căng ngang cho đồng đội cắt mặt dứt điểm, hay những cũ treo bóng từ biên cho tiền đạo đánh đầu. 2 trong số 3 bàn thắng ở trận gặp Thổ, cả 3 bàn thắng trước Bồ Đào Nha đến theo cách đó. Vũ khí ấy chắc chắn sẽ lại được sử dụng tối đa trước Tây Ban Nha, khi mà đối thủ không mạnh trong phòng ngự bóng bổng.
Đó là lý do người Đức có thể không cần chơi hay hơn đối phương mà vẫn thắng. Thậm chí chơi tồi mà vẫn thắng. Như “triết lý” của Lineker “... và người chiến thắng luôn là người Đức”.
Chắc chắn, Tây Ban Nha sẽ chơi hay hơn, thậm chí tôi tin rằng họ sẽ áp đảo Đức ở trận chung kết. Nhưng những “phẩm chất Đức” sẽ bù lại những hạn chế về kỹ năng và thế trận. Sức ép tâm lý cũng dồn về Tây Ban Nha, khi họ được đặt ở cửa trên, nhưng lại rất bỡ ngỡ vì không quen với việc lọt vào một trận chung kết EURO. Còn người Đức, vốn đã quen với điều đó, sẽ lại có thêm động lực và sự tập trung trước một đối thủ được đánh giá cao hơn.
Tôi tin vào chiến thắng của người Đức, dù trên phương diện bóng đá, họ chẳng xứng đáng với danh hiệu vô địch.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)