Cứ như một qui luật, ngoại trừ “át chủ bài Kiatisak”, phần lớn những tiền đạo ngôi sao khi về đầu quân cho HAGL đều ít nhiều phải đối diện với một phong độ trồi sụt không như mong muốn. Nhưng kỳ lạ thay, chỉ cần bước chân “xuống núi” là tất cả lại đồng loạt chứng minh lại giá trị của mình. Vì sao vậy?
Chuyện của Huỳnh Kesley Alves
Năm 2006, khi còn chưa nhập tịch và chưa có cái tên Việt Nam là “Huỳnh Kesley Alves” thì Kesley đã cũng đã có một mùa giải chung lưng đấu cật với các đồng đội ở HAGL. Khi ấy, Kesley được mua về với một mức giá “khủng” và được trả lương tới 5000 USD/tháng (mức lương cao nhất cho một ngoại binh thời điểm đó) thì người phố Núi tin rằng, hàng công của mình rồi sẽ có một diện mạo mới, một sức sống mới.
Thế nhưng, điều không ai ngờ đã xảy ra: Kesley về “phố Núi” để rồi cô đơn trên “phố Núi”. Sự cô đơn từ trong cuộc sống lẫn trên sân cỏ khiến cầu thủ người Brazil không còn là mình nữa. Kết quả: suốt cả mùa giải, “người hùng” Kesley chỉ ghi được vỏn vẹn 5 bàn thắng. Hồi ấy, một thành viên của HAGL “rỉ tai” người viết: “Tớ nghĩ, Kesley mất phong độ là vì mới cưới vợ, chứ không phải vì không hợp “khí hậu” Pleiku”.
Thực hư chẳng biết thế nào, nhưng ngay sau mùa giải thất vọng đó thì Kesley “hạ sơn” để trở về với CLB cũ Bình Dương. Ngay lập tức, bản năng “sát thủ” trong anh bùng phát trở lại. Và thế là ở Bình Dương, người ta lại thấy một Kesley nhanh nhẹn, tinh khôn và “quái chiêu” như ngày nào. Đến bây giờ thì Kesley là ai và có những tố chất nguy hiểm ra sao là điều chẳng cần nói, cả làng bóng đá đều biết.
Câu chuyện của Kesley đã nằm trong “tầm chiêm nghiệm” của một chuyên gia (đề nghị giấu tên vì những lý do tế nhị). Và kết quả của sự chiêm nghiệm ấy nằm trọn trong một câu hỏi: Phải chăng, đất trên núi không phải là đất dụng võ cho những kẻ đóng vai “sát thủ”?
Chuyện của Phan Thanh Bình
Đầu mùa giải năm ngoái, HAGL lại gây một cú sốc trên thị trường chuyển nhượng nội binh với việc chèo kéo tiền đạo Phan Thanh Bình của “người anh em” Đồng Tháp. Còn nhớ, ngày có được chữ ký của Bình, ông bầu Đoàn Nguyên Đức tự tin lắm. Ông nói với báo chí, đại thể: Yên tâm đi, về HAGL, Bình sẽ lại là Bình.
Nhưng sự thật là về HAGL, Bình không những không là chính mình, mà còn là một trong những thất vọng lớn nhất của NHM Pleiku. Thật ra, khi đặt chân lên phố Núi, bản thân Phan Thanh Bình cũng cố gắng và hy vọng rất nhiều. Bởi kể từ ngày lập nghiệp, Bình mới chỉ đầu quân duy nhất cho “đội tí hon” Đồng Tháp. Vậy nên, khi được thi đấu ở một đội bóng lớn - đội bóng mà thời điểm đó còn hiên ngang tuyên bố là “99,9% khả năng chúng tôi vô địch” thì Phan Thanh Bình đã đặt quyết tâm bằng mọi giá phải thể hiện được mình. Vậy nên, khi rơi vào “vết xe đổ” của Kesley Alves, và khi cả mùa giải chỉ ghi được có vỏn vẹn 2 bàn thắng thì Phan Thanh Bình buồn khôn xiết.
Bây giờ, Bình cũng đã đi theo đúng con đường mà Kesley ngày trước đã đi: Sau một mùa giải thất vọng, anh đã “hạ sơn” xuống đồng bằng Long An. Và hiện nay, những ngày tháng ở ĐT.LA đang là những ngày tháng đầy hứa hẹn của Phan Thanh Bình.
Tới đây, người ta buộc phải nhớ lại “lời chiêm nghiệm” của một vị chuyên gia: Đất trên núi, phải chăng không phải là đất dụng võ cho những kẻ đóng vai “sát thủ”?
Chuyện của Lee Nguyễn
Cũng ở đầu mùa giải năm ngoái, song song với việc kéo về tiền đạo Phan Thanh Bình, ông bầu Đoàn Nguyên Đức cũng đã cất công mời bằng được cầu thủ người Mỹ gốc Việt Lee Nguyễn. Ngày có được Lee Nguyễn, ông Đức tổ chức hẳn một buổi họp báo hoành tráng ở TPHCM. Buổi họp báo mà ở đó, Lee Nguyễn đứng trên bục cao để lần lượt bắt tay từng đồng đội.
Rõ ràng là trong mắt ông Đức, Lee Nguyễn là một ngôi sao tầm cỡ. Và trong mắt NHM phố Núi thì Lee Nguyễn quả đúng là một thứ “ánh sáng khác biệt” chưa bao giờ có ở vùng trời Cao Nguyên. Sự thật, Lee Nguyễn đã thể hiện mình ra sao? Hôm qua, đặt câu hỏi này cho cựu GĐKT HAGL Nguyễn Văn Vinh thì nhận được câu trả lời: “Khách quan, Lee Nguyễn cũng đã chứng tỏ được những phẩm chất nhất định của một cầu thủ đẳng cấp. Nhưng nếu bảo Lee Nguyễn đã đáp lại được sự kì vọng lớn của NHM hay chưa thì tôi nghĩ là chưa”. Dĩ nhiên, “một cánh én chẳng làm nổi mùa Xuân”. Ở một tập thể mà năm vừa rồi đã có hàng loạt những chệch choạc lớn - từ vấn đề tư tưởng đến những chệch choạc về chuyên môn thì người ta không thể đòi hỏi Lee Nguyễn phải bùng sáng những phẩm chất của mình. Nhưng nói gì thì nói, mặc dù không gây thất vọng như Kesley hay Phan Thanh Bình, song Lee Nguyễn cũng đã có một mùa giải… không như mong đợi.
Có lẽ cũng vì thế mà khi cái tin Lee Nguyễn sẽ từ bỏ HAGL để “hạ sơn” thì nhiều người đã nhìn lại câu chuyện của Kesley, của Phan Thanh Bình để tự hỏi: Biết đâu, đấy chính là một quyết định sáng suốt? Nhưng sự thật, cách đây 2 hôm, Lee Nguyễn đã trở lại HAGL, và đã chính thức tiếp tục khoác lên mình một áp lực nặng nề.
Đầu tiên là áp lực thể hiện bản thân sau một mùa giải không thể hiện được nhiều. Tiếp nữa là áp lực xóa tan đi những câu chuyện bắt đầu mang tính qui luật về những “sát thủ ở trên núi” mà trước đó, cả Kesley Alves lẫn Phan Thanh Bình đều đã là nạn nhân.
Liệu Lee Nguyễn có làm được không? Liệu phố Núi có phải là một mảnh đất “chéo ngoe” với những “sát thủ” hay không?
Hãy cứ chờ thêm một mùa giải nữa!...
(Theo báo Bóng Đá)