"Cơn lốc màu da cam" chỉ còn lại trong hoài niệm, sách vở. Ước vọng của người Hà Lan tan nát.
1. Từ vòng bảng tới tứ kết, diện mạo của đội bóng bách chiến, bách thắng đã thay đổi quá nhiều. Ở St Jakop Park chỉ còn lại một màu cam nhạt nhòa, không chút cá tính. Đó là một Hà Lan không có sức mạnh và sự sắc sảo. Một Hà Lan thô ráp, xấu xí và cục cằn (3 thẻ vàng, phạm 23 lỗi). Một Hà Lan người ta chưa từng thấy từ trước đến nay…
Không có nét lãng mạn nào được vẽ lên từ đôi chân của các cầu thủ quê hương Van Gogh. Bàn thắng duy nhất của Hà Lan cũng tới từ tình huống chết! Thực tế, sau cái “lắc đầu” may mắn của Van Nistelrooy, đội da Cam có tới hơn 30 phút đồng hồ để làm lại trước Gấu Misa đang choáng. Nhưng quãng thời gian ấy lại được dành để tôn vinh sự đoàn kết, tính chiến đấu và kỹ thuật của người Nga.
2. Bẽ bàng rời cuộc chơi sau khi đã hạ cả ĐKVĐ và Á quân thế giới, rõ ràng người ta có quyền lên án Van Basten
20 năm trước, Hà Lan lên ngôi vương ở châu Âu bằng lối chơi tấn công kinh hồn, với mũi nhọn tiên phong chính là van Basten. Khoảnh khắc thăng hoa nhất trong sự nghiệp cầu thủ của anh là bàn thắng kinh điển vào lưới Liên Xô ở trận CK năm ấy. Vậy mà khi tái ngộ người Nga, van Basten lại đi ngược con đường dẫn anh và các đồng đội tới thành công khi xưa.
Lựa chọn lối chơi rình rập không hẳn là ý tưởng hoàn toàn sai lầm của Van Basten. Cái sai của nhà cầm quân 44 tuổi nằm ở chỗ, ông không có bệ phóng, nguyên liệu để có thể thành công với cách chơi ấy.
Nền tảng của lối chơi phòng thủ, phản công phải là một hàng thủ vững vàng, trong khi người Hà Lan chưa bao giờ được đánh giá về mặt này. Trên hàng tiền vệ, Egerlaar to khỏe nhưng không có sự máu lửa và hiệu quả như Gattuso hay đàn anh Davids. Van der Vart hay Sneijder khéo léo thật, nhưng chưa thể so với Seedorf về khả năng tổ chức và độ quái…
Đem cân từng con người, vị trí trên sân, Hà Lan chắc chắn vượt trội so với Nga. Lối chơi mà Guus Hiddink áp dụng cho Gấu Misa cũng là bản sao của người Hà Lan. Bởi thế, nếu đôi công sòng phẳng, chẳng có lý do gì để các học trò của van Basten thất thế.
Bỏ sở trường, dùng sở đoản, cựu cầu thủ 3 lần giành “Quả bóng Vàng châu Âu” đã tước đi cơ hội của ĐT Hà Lan.
3. Xưa nay đội bóng của vùng đất thấp luôn chiếm được nhiều cảm tình của người hâm mộ bóng đá trên toàn thế giới, dù họ không có nhiều danh hiệu như Italia, Đức, Pháp... Kẻ sẵn sàng chết không có gì đặc biệt mà người “dám sống” mới xứng đáng được tôn vinh. Hà Lan được yêu bởi họ “dám” cống hiến, chơi thứ bóng đá đầy lửa đam mê.
Trước người Nga là một Hà Lan mong manh, yếu đuối quá. Họ không có một thủ lĩnh, không đoàn kết và không bản sắc. Robben chấn thương ư? Tôi không tin điều đó!
Marco vĩ đại trên sân bóng, nhưng trên ghế ghế huấn luyện ông chưa có những phẩm chất lớn để thành công. Nửa vời, yếu đuối và không có cái uy quyền của vị tướng, van Basten trở thành nô lệ của chiến thắng.
Lúc này, “thuyền trưởng” của tàu “Hà Lan bay” đã rút lui để lại đằng sau là sự ngổn ngang, dang dở. Cuộc hành trình “về nguồn” sẽ còn tiếp tục. Còn bây giờ, những người yêu bóng đá Hà Lan phải tiếp tục sống trong hoài niệm!
(Theo Báo Bóng đá)