Trả lời trên báo chí sau trận thua đau trước CS.Đồng Tháp, bầu Đức lý giải: "Hôm đó, giả sử Dusit thay người và lật ngược thế cờ thì người ta lại nói anh ta giỏi thôi. Quan điểm sử dụng người của tôi trong bóng đá rất khác người. Tôi không cần HLV giỏi”. Có thể hiểu trong ngữ cảnh này là giỏi về chuyên môn.
“Ai nói trình độ của ông Calisto hơn ông P. Reid của Thái Lan? Sao tuyển VN lại vô địch AFF Suzuki Cup 2008? Chuyên môn ông Riedl có thua Huỳnh Đức đâu mà đội bóng của ông vẫn thua? HLV cũng chỉ có mấy bài như nhau thôi. Cái quan trọng là HLV phải hiểu, nói cầu thủ nghe và hiểu là làm được".
Lời ông Đức nghe thì có vẻ nghịch lý, nhưng quả thực đáng suy ngẫm với môi trường bóng đá VN.
Không phải HLV nào cầm quân ở V-League cũng có được cái may và cái uy như ông Lê Thuỵ Hải khi còn làm cho Bình Dương. |
Ở đó, có rất nhiều HLV giỏi nhưng thất bại cay đắng. Có những ông thầy bóng đá đúng nghĩa (như HLV Đoàn Minh Xương) chẳng hạn, khi ngồi vào băng ghế chỉ đạo các đội bóng vẫn không cách nào tìm được vinh quang. Lý thuyết và thực tiễn là hai phạm trù khác nhau. Biết bao thầy ngoại bằng cấp bóng đá rất cao nhưng không trụ được lâu. Ngược lại, một số HLV trẻ vừa lấy bằng A, B tò te dấn thân HLV đã gặt hái được thành công mà nhiều đồng nghiệp đàn anh cả đời mơ cũng không được. Huỳnh Đức và Triệu Quang Hà là 2 nhân vật tiêu biểu. Lý do để bầu Đức “không cần HLV giỏi” vì đội bóng của ông có 8 nội binh từng là tuyển thủ QG. Dàn sao đắt giá đó đủ sức tạo nên những bữa yến tiệc hoành tráng. Có lẽ lúc này, bầu Đức chỉ cần một vị thuyền trưởng giỏi tập hợp lực lượng và nắm rõ “khẩu vị” của V-League, trước khi đòi hỏi ông ta phải giỏi chuyên môn.
Nhìn lại các HLV từng thành công, có thể thấy phần lớn số họ là những “thợ bóng đá” đúng nghĩa. Khi hành nghề trong một môi trường bóng đá còn đậm chất nghiệp dư thì về chủ quan, ông thợ đó phải có những phẩm chất đặc biệt mới mong thành công.
Điều tiên quyết là phải hiểu rõ được các ngõ ngách của đời sống bóng đá nước nhà. Đây là bất lợi với các HLV ngoại. Nhiều người gãy ghế trước khi về nước vẫn còn day dứt không hiểu vì sao mình thất bại.
Phải nắm được quân. Nếu không, sẽ không tập hợp được sức mạnh tập thể, dù trong tay có nhiều cầu thủ chất lượng. HLV Đặng Trần Chỉnh từng có câu nói nổi tiếng: “Ghế HLV 4 chân thì cầu thủ nắm 3 chân”.
“Khó nhất của HLV Việt Nam là làm sao để anh em hiểu và thương mình. Hàng loạt HLV tài ba ra đi, theo tôi lý do quan trọng là do cầu thủ không thương. Nếu cầu thủ thương thì họ sẵn sàng xả thân thi đấu đến cùng”, đấy là những lời gan ruột của Đặng Trần Chỉnh.
Nhìn chung, không ít HLV ở VN đã phải chấp nhận thoả hiệp để đổi lấy sự quý mến nơi cầu thủ. Những người vận dụng kỷ luật sắt thì phần lớn đều bị quân ghét.
HLV Lê Thuỵ Hải là biểu tượng cho một “ông thợ bóng đá” khi nắm rõ tất cả các chiêu thức của cầu thủ, trọng tài và sự chuyển động của BĐVN để đề ra những phương pháp tiếp cận thành công.
Còn nhớ Bình Dương mùa giải 2007, sau khi để Đà Nẵng hạ gục với tỷ số 3-1 và bị đánh mất ngôi đầu, vòng 6 ra Vinh, ông Hải “lơ” cất hàng loạt ngôi sao để tung vào sân đội hình 2. Bình Dương thắng 3-1, mở đầu cho một hành trình sáng sủa. Nhưng ít HLV ở VN có được nhiều quái chiêu như nhà cầm quân họ Lê.
Tất nhiên ngoài biệt tài, ông Hải còn thành công nhờ một số yếu tố khách quan. Dễ thấy nhất là được lãnh đạo B.BD tạo mọi điều kiện, cho phép ông toàn quyền về chuyên môn, điều mà trước đây ở Đà Nẵng hay LG.HN.ACB không có được. Huỳnh Đức lẫn Triệu Quang Hà, trong khi chờ thời gian để nâng cao chuyên môn, cũng đã có những tư chất trở thành “thợ bóng đá” giỏi khi được bầu Hiển trao cả “cây gậy” lẫn “củ cà rốt”. Có được những thứ đó, chẳng khó gì hai ông thầy 7X tập hợp được lực lượng khiến quân “thương” lẫn sợ.
Dusit hiện nay cũng thế. Dù được bốc ngang lên làm HLV, vừa nếm thất bại khó nuốt trôi nhưng chỉ cần ông tập hợp được quân, phát huy “chất thợ” thì với tiềm lực tài chính lẫn quân số chất lượng như hiện nay, HA.GL không quá khó để đạt thành tích cao.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)