(Bongda24h) - Đã từng một lần đến Việt Nam trong màu áo Juventus, Vialli chính là tâm điểm của đội bóng nước Ý khi đó, và cũng là một trong những ngôi sao được người hâm mộ bóng đá Việt Nam biết đến nhiều nhất trong thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Sinh ra ở vùng Cremona nước Ý, Vialli đã khẳng định tên tuổi của mình như 1 trong những tiền đạo tầm cỡ nhất thế giới.
Sinh năm 1964, Vialli khởi đầu sự nghiệp "quần đùi, áo số" của mình khi ông mới 16 tuổi. Khi đó, ông đá cho đội bóng địa phương, Cremonese. Sau 4 năm ở đây, Vialli ghi cho đội nhà 32 bàn thắng với 129 lần ra sân. Hết mùa giải 1983/84, Vialli chuyển đến đầu quân cho Sampdoria. Đội bóng mà Mancini - người bạn thân từ thuở thiếu thời của ông đang thi đấu. Hai cầu thủ này đã tạo nên một hàng công khá mạnh khi đó, và được mọi người mệnh danh là "Cặp song sát".
Mancini - Vialli: “Cặp song sát” của Sampdoria |
Tỏa sáng ở cấp CLB
Với sự tỏa sáng chói lọi trong sự nghiệp của mình, Vialli đã mang Sampdoria đến với thời kỳ hoàng kim của CLB. Lần đầu tiên trong lịch sử, Sampdoria vô địch Serie A, đó là mùa bóng năm 1990/91. Đó cũng là năm mà Vialli đoạt danh hiệu "Vua phá lưới" với 19 bàn thắng. Nhưng đó chưa phải là danh hiệu duy nhất mà Vialli mang về cho CLB. Cựu tiền đạo của Cremonese đã góp công cực lớn mang về sân Luigi Ferraris chức vô địch cúp C2 năm 1990. Trong trận chung kết với Anderlecht, Sampdoria đã có chiến thắng với 2 bàn không gỡ. Và không ai khác, chính Vialli là người sở hữu cả hai pha lập công đó. Bên cạnh đó, 3 chức vô địch cúp quốc gia Italia (năm 1985, 1988 và 1989) cũng có những đóng góp không thể phủ nhận của Vialli. Năm 1992, Sampdoria còn lọt vào đến trận chung kết C1, nhưng lại thất bại trước Barcelona ở những phút đá bù giờ.
Trong thời gian ở Sampdoria, với màn trình diễn ấn tượng của mình, Vialli được triệu tập vào ĐTQG Italia, và lần đầu tiên xuất hiện trong màu áo Thiên thanh ở trận giao hữu với Ba Lan vào năm 1985. Tuy nhiên, phải đến 1 năm sau, khi ĐT Ý có trận đấu với Malta trong khuôn khổ vòng loại Euro 1988. Ở kỳ World Cup 1986 diễn ra ở Mexico, Vialli cũng được góp mặt cùng ĐTQG, nhưng ông không có nhiều cơ hội để chứng tỏ tài năng của mình. Mãi 4 năm sau, khi ĐT Ý là chủ nhà của World Cup 1990, Vialli mới để lại dấu ấn trong màu áo đội bóng quê hương. Ông ghi 1 bàn thắng trong trận đầu tiên của đội chủ nhà, khi họ đá với đội bóng đến từ Áo. Đến trận đấu với Mỹ, Vialli lại thêm một lần lập công, lần này là trên chấm phạt đền. Tuy nhiên, màn trình diễn nghèo nàn trong trận đấu tiếp theo, cộng thêm việc bị chấn thương khiến cho Vialli không được trọng dụng bằng Roberto Baggio và Toto Schillaci. Mặc dù vậy, Vialli đã mang đến một sự ngạc nhiên cho người hâm mộ, khi được đá thay vị trí của Baggio trong trận bán kết, nhưng sau đó lại phải nhường lại vị trí cho chính... Baggio trong trận đấu đó. Trong một cuộc phỏng vấn với đài tiếng nói CH Ailen - Newstalk, Vialli cho biết, ông đã phải tiêm thuốc trước khi giải đấu năm đó diễn ra.
Lận đận trong màu áo ĐTQG
Vialli trong màu áo ĐTQG |
Trở lại với màu áo CLB Sampdoria, sau thất bại trước Barcelona trong trận chung kết cúp C1 năm 1992, Vialli chia tay đội bóng chủ sân Luigi Ferraris để đầu quân cho Juventus. Bản hợp đồng của "Bà đầm già" với tiền đạo của Sampdoria lúc đó đã lập nên ký lục chuyển nhượng của thế giới với cái giá 12,5 triệu bảng. Ngay mùa giải đầu tiên khoác áo Juve, Vialli đã cùng đội bóng này đăng quang ở cúp Uefa. Mặc dù có sự khởi đầu rất suôn sẻ trong màu áo mới, nhưng Vialli lại gặp rắc rối ở ĐTQG. Không ai nghĩ rằng trận đấu với Malta trong khuôn khổ vòng loại World Cup 1994 lại là lần cuối cùng Vialli khoác áo ĐT Ý. Mặc dù vẫn ghi bàn thắng trong trận đấu đó, nhưng Vialli không có tên trong danh sách những cầu thủ Italia đến Mỹ để tham dự vòng chung kết. Mọi chuyện bắt nguồn từ mâu thuẫn của tiền đạo này với HLV ĐTQG khi đó là Arrigo Sacchi. Chính vì thế, Vialli đã bị loại khỏi danh sách ĐT Ý. Ngay sau đó, ông đã tuyên bố sẽ cổ vũ cho ĐT Brazil chứ không phải là đội bóng quê nhà.
Vialli còn cùng với Juventus đoạt Scudetto và cúp quốc gia Italia năm 1995, cộng thêm chiếc cúp Champions League danh giá khi đánh bại Ajax trong trận chung kết năm 1996. Sau đó, cầu thủ đầy cá tính này chuyển sang chơi bóng cho Chelsea với mức lương 1 triệu đô 1 năm. Lại một lần nữa Vialli có duyên với các danh hiệu lớn ở cấp CLB, khi ông cùng với Chelsea vô địch cúp FA ngay ở mùa giải đầu tiên đá cho đội chủ sân Stamford Bridge. Mặc dù hai lần lập công trong chiến thắng 4-2 trước Liverpool ở vòng 4, nhưng ông không nhận được cảm tình của Ruud Gullit (người cũng từng thi đấu cho Sampdoria) và thường xuyên phải ngồi trên băng ghế dự bị. Đến mùa giải 1997/98, mỗi khi vào sân Vialli đều chứng tỏ tài năng của mình, đặc biệt khi ông ghi tới 4 bàn thắng vào lưới Barsley, và cú hat-trick trong trận gặp Tromsø, đội bóng của Nauy. Nhưng không vì thế mà Vialli có được một suất chính thức trong đội hình của The Blue dưới thời Gullit.
Thành công trong sự nghiệp HLV ở Chelsea
Danh hiệu liên tiếp ở Chelsea khiến Vialli trở thành huyền thoại của đội bóng thủ đô nước Anh |
Chỉ sau khi, Gullit bị ban lãnh đạo Chelsea sa thải ở cuối mùa giải năm đó, Vialli mới được tự do thể hiện tài năng của mình. Ông chính thức trở thành HLV kiêm cầu thủ của đội bóng thành London. Và ngay trong lần đầu tiên lãnh nhiệm vụ đó, Vialli đã để lại dấu ấn khá đậm. Ông dẫn dắt Chelsea vô địch cúp Liên đoàn Anh (khi đó gọi là Coca Cola Cup), và lên ngôi ở cúp C2 châu Âu, sau khi đánh bại Stuttgart với tỷ số 1-0 trong trận chung kết. Không dừng lại ở đó, Chelsea còn đánh bại Real Madrid với cũng với tỷ số 1-0 trong trận tranh Siêu cúp châu Âu diễn ra cùng năm đó. Ở giải ngoại hạng, The Blues về đích ở vị trí thứ 4 chung cuộc. Mùa giải sau, Vialli dẫn Chelsea về đích ở vị trí thứ 3 ở Premiership, vị trí cao nhất mà đội bóng thủ đô London có được kể từ năm 1970. Trận đấu cuối cùng của ông trong màu áo Chelsea là cuộc đối đầu với Derby County. Đó cũng là trận đấu cuối cùng của mùa giải năm đó. Chia tay sự nghiệp ở sân Stamford Bridge, Vialli có 83 lần ra sân và ghi được 40 bàn thắng. Mặc dù vậy, ông vẫn tiếp tục công việc trên băng ghế huấn luyện của mình.
Mùa giải năm sau, dưới sự lãnh đạo của Vialli, Chelsea thi đấu rất ấn tượng ở Champions League, nhưng cuối cùng đã phải dừng bước ở tứ kết trước sự mạnh mẽ của Barcelona. Cùng năm đó, mặc dù gây thất vọng ở Premiership khi chỉ về đích ở vị trí thứ 5 chung cuộc, nhưng Chelsea của Vialli vẫn kịp mang về phòng truyền thống của CLB chiếc cúp FA, sau khi đánh bại Aston Villa trong trận chung kết. Sau đó là chiến thắng ấn tượng trước Manchester United ở Charity Shield. Danh hiệu thứ 5 trong vòng chưa đầy 3 năm của Vialli khiến ông trở thành HLV thành công nhất ở cấp CLB khi đó. Mặc dù vậy, với sự khởi đầu không như ý, ban lãnh đạo đội bóng thành London vẫn sa thải vị HLV này ngay khi mùa giải sau đó mới chỉ đi được một đoạn đường dài... 5 trận.
Chia tay mà... không chia tay bóng đá
Bình luận viên Gianluca Vialli |
Sau khi bị Chelsea sa thải, Vialli nhận lời dẫn dắt CLB Watford, khi đó đang thi đấu ở giải hạng nhất. Mặc dù có trong tay một đội ngũ huấn luyện cũng như cầu thủ đắt tiền, nhưng Vialli không thể giúp cho đội bóng này thăng hạng và chỉ về đích ở vị trí thứ... 14 chung cuộc. Kết quả là ông đã bị sa thải sau đó một năm. Năm 2006, Vialli hợp tác với một người bạn là phóng viên bóng đá cho xuất bản cuốn sách "The Italian Job". Cuốn sách chủ yếu phân tích về sự khác nhau giữa bóng đá Anh và bóng đá Ý. Mặc dù không còn là HLV bóng đá, nhưng không vì thế mà Vialli chia tay môn thể thao vua. Hiên nay, ông đang là bình luận viên của kênh Sky Italia. Để theo đuổi công việc này, ông đã từ chối những lời mời về dẫn dắt của một số đội bóng, trong đó có Queens Park Rangers.
Mặc dù không còn thường xuyên xuất hiện trước các CĐV, nhưng hình ảnh một tiền đạo xuất sắc với cái đầu trọc lốc của Vialli đã ăn sâu vào tâm trí những người hâm mộ bóng đá Ý. Đặc biệt là những ai yêu mến Sampdoria và Juventus. Còn ở Chelsea, Vialli luôn được nhắc đến với sự kính trọng vì những gì ông đã mang lại cho đội bóng này.
Sơn Lâm (Tổng hợp)