Brazil đã 5 lần bước lên đỉnh thế giới, vô địch hàng chục giải lớn nhỏ, nhưng riêng đấu trường Olympic, họ chưa một lần ghi danh. Điều này khiến NHM xứ sở Samba cảm thấy bị tổn thương. Ở thế vận hội Bắc Kinh lần này, dường như sự chịu đựng của họ đã đến “ngưỡng”.
Khát khao của Vàng-Xanh
Bóng đá ở Brazil có sức lan tỏa mạnh hơn tôn giáo. Và cũng chính bởi trời phú khả năng “sinh ra để chơi bóng”, nên tất lẽ dĩ ngẫu, người Brazil muốn họ là “Vua” trên tất cả các mặt trận. World Cup, họ là Vua. Copa America, họ cũng nhiều lần vượt qua giới hạn cao nhất. Ngay cả trong các giải đấu mang tính giải trí nhiều hơn đua tranh như bóng đá trong nhà, bóng đá bãi biển và một vài loại hình “chơi bằng chân” khác, Brazil cũng dễ dàng thực hiện điều mình muốn. Cái thiếu trong bộ sưu tập của họ hiện nay chỉ là tấm HCV Olympic mà thôi.
Kể từ Olympic Seoul 1988 đến nay, Brazil đã quan tâm nhiều hơn đến môn bóng đá và thể hiện khao khát bước lên đỉnh vinh quang. Tuy nhiên, thành công luôn chạy trốn các vũ công Samba, dù họ luôn mang đến giải đấu này đội hình rất mạnh. Nhiều người đùa vui, sứ mệnh chinh phục Olympic của Brazil đã kéo dài nửa đời người, thì kéo thêm chút nữa cũng… không sao.
Ý thức được sự kỳ vọng và “cơn khát” của giới mộ điệu quê nhà, HLV Carlos Dunga và các cộng sự đã làm tất cả những gì có thể. Một đội hình toàn ngôi sao được chuẩn bị khá kỹ, một lịch trình tiếp cận châu Á hợp lý nhất… tất cả chỉ để 1 lần vinh danh điệu nhảy Samba trên đấu trường Olympic. Lần lượt Ronaldinho, Pato, Anderson, Diego được triệu hồi. Danh thủ duy nhất mà HLV Carlos Dunga và CBF (LĐBĐ Brazil) không thể có trong hành trình này là Robinho - tiền đạo đang đầu quân cho Real Madrid. Với lực lượng như thế, sẽ là thất vọng lớn nếu O.Brazil không hoàn thành được tâm nguyện của NHM.
Sau O.Brazil là đội chủ nhà?
Lá thăm may mắn đưa O.Brazil vào một bảng đấu tương đối nhẹ. Chủ nhà O.Trung Quốc và đại biểu đến từ châu Đại dương O.New Zealand chưa bao giờ là đối thủ xứng tầm với họ. Còn O.Bỉ, tuy là đội bóng xuất phát từ lục địa già nhưng kể từ World Cup 1986, quốc gia này đã “chìm trong bóng tối” quá lâu. Trước 3 đối thủ kể trên, việc lọt vào vòng 2 là điều không quá khó với thầy trò HLV Dunga. Tuy nhiên, cái chính là từ vòng knock-out trở đi, họ sẽ thể hiện bộ mặt thế nào mà thôi.
Sau O.Brazil, tấm vé thứ hai sẽ là cuộc cạnh tranh của O.Trung Quốc, O.Bỉ và O.New Zealand. Theo đánh giá của giới chuyên môn, cái tên sáng giá nhất cho vị trí nhì bảng là O.Trung Quốc. Bởi ngoài vị thế của chủ nhà, đội quân của HLV Yin Tiesheng gặp thuận lợi lớn về lịch thi đấu. Họ gặp O.New Zealand (đội yếu nhất) trong trận ra quân, tiếp đó là O.Bỉ và sau cùng mới là O.Brazil. Với thuốc thử dạng “tăng dần” như thế, sẽ là vô cùng phí phạm nếu đội chủ nhà của Thế vận hội lần này không tận dụng được thời cơ.
(Theo Báo Bóng Đá)