(Bongda24h) - Thế là rốt cuộc cả Châu Âu cũng đã phải hướng về Đông Âu sau 38 năm dài kể từ EURO 1976 ở Nam Tư. Chiến thắng của Ba Lan và Ukraine đã trở thành chiến thắng chung cho cả khu vực...
Vào khoảnh khắc khi lá thăm được chủ tịch UEFA Platini bóc phong bì chứa kết quả ra ở Cardiff thì không chỉ có người dân Ba Lan và Ukranie nhảy lên sung sướng mà tất cả Đông Âu đã cùng tổ chức ăn mừng. Cuối cùng thì sau 38 năm dài chờ đợi, khu vực vốn được coi là vùng trũng của bóng đá Châu Âu này mới lại được cái vinh dự tổ chức giải bóng đá lớn nhất Châu lục, hay nói đúng hơn là giải bóng đá cấp Châu lục lớn nhất thế giới.
Bóng đá Đông và Tây
Tuy là khu vực có dân số và đất đai đông hơn, nhưng Đông Âu lại được coi là khu vực kém phát triển hơn Tây Âu. Nền bóng đá của khu vực này thì cũng khó có thể so sánh với những người hàng xóm được mặc dù họ cũng đã từng có một quá khứ lừng lẫy.
Trước khi Liên Xô tan rã kéo theo sự đổ sập hàng loạt của những nước Xã hội Chủ nghĩa, hay nói đúng hơn vào giai đoạn "hoàng kim" của chế độ Xã hội Chủ Nghĩa ở Đông Âu giai đoạn từ 1950 - 1989, bóng đá Đông Âu cũng đã từng có một thời "hoàng kim" với sự phát triển lừng lẫy. Khi ấy, không chỉ Châu Âu mà cả thế giới cũng đã đều phải e ngại trước sức mạnh bóng đá của khu vực có diện tích lớn nhất Châu Âu khi đó.
Còn nhớ rằng khi Giải vô địch bóng đá Châu Âu lần đầu tiên được tổ chức ở Pháp với cái tên European Nations Cup năm 1960 ( sau được đổi tên thành European Football Championship từ năm 1968 và giữ nguyên cho đến nay) thì đội vô địch Châu Âu khi đó chính là Liên Xô, và đội hạng nhì là Nam Tư; đáng ngạc nhiên hơn là đội đứng thứ 3 cũng lại là một đội bóng Đông Âu khác - Tiệp Khắc; đội bóng duy nhất của Tây Âu lọt vào vòng bán kết là ... chủ nhà Pháp ?!!!
Suốt những thời gian sau đó những Liên Xô, Tiệp Khắc, Nam Tư, Hungary ... luôn luôn là những ứng cử viên vô địch trên các chiến trường Châu Âu thậm chí là cả thế giới. Những trận đấu ở bán kết và chung kết hiếm khi vắng mặt những đội bóng Đông Âu này.
Ở cấp độ CLB, những CLB đến từ những nước Đông Âu cũng đâu có chịu kém cạnh những Real Madrid, AC Milan, Inter Milan hay Benfica - những CLB vô cùng hùng mạnh vào thời điểm đó, những cái tên như Dinamo Kiev, Spartak Moscow, Partizan, Sao Đỏ Belgrade, Dinamo Zagreb ... luôn là biểu tượng cho lối đá đẹp, kỹ thuật và hiệu quả của nền bóng đá Đông Âu và đã không ít lần làm điêu đứng các đội bóng mạnh đến từ Tây Âu trong các chiến trường Châu Âu lúc đó. Những cái tên kiệt xuất mà bóng đá Đông Âu từng sản sinh ra như L.Yashin (thủ môn duy nhất từng giành danh hiệu quả bóng vàng châu Âu), O.Blokhin,R.Dassaev, I.Belanov, Lato (vua phá lưới WC 1974 với 7 bàn), Boniek, Lubanski, Szarmach ... đến tận ngày nay vẫn còn vang danh. Những gì mà Đông Âu đã đóng góp cho nền bóng đá thế giới nói chung và Châu Âu nói riêng chắc chắn không thể phủ nhận được.
Thế nhưng bắt đầu từ những năm cuối thập kỷ 80, nền bóng đá hùng mạnh này bỗng nhiên biến mất khỏi bản đồ bóng đá thế giới cùng với sự sụp đổ của các nền kinh tế XHCN ở Đông Âu tời kỳ đó. Nỗi lo về kinh tế đã lấn át nhu cầu thể thao, sự chia rẽ về sắc tộc đã cản trở sự phát triển của bóng đá. Suốt một thời kỳ dài tưởng như bóng đá Đông Âu không thể hồi phục nổi để tìm lại những vinh quang ngày xưa. Thế nhưng trong những năm gần đây, ở cả cấp CLB và đội tuyển quốc gia, bóng đá của Đông Âu đã bắt đầu có những bước tiến đáng kể mà đi đầu phải nói đến giải nhì EURO 1996 của CH Czech, sự xuất hiện của 5 nước Đông Âu ở vòng CK World Cup 2006 và đặc biệt là chức vô địch UEFA Cup của CSKA Moscow năm 2005.
Dù thế nhưng khi so sánh với những nền bóng đá mạnh của khu vực Tây Âu như Anh, Italia, Tây Ban Nha ... thì bóng đá Đông Âu vẫn còn kém quá xa. Hiện thời, khu vực này vẫn được coi là khu vực có nền bóng đá kém phát triển nhất Châu Âu đặc biệt là do những vấn đề còn nổi cộm trong cách thức tổ chức và triển khai kém chuyên nghiệp, cũng như tình trạng bạo lực và tham nhũng còn tồn tại trong thể thao ở những nước này.
Nỗ lực hòa nhập Châu Âu
Có lẽ không thể tiếp tục chấp nhận những đánh giá của UEFA và thế giới cho khu vực của mình như điển hình của những nền bóng đá kém phát triển, của những vấn đề nổi cộm và của sự yếu kém trong việc tổ chức các sự kiện có quy mô lớn. Các quốc gia Đông Âu đã đồng tâm hiệp lực để vươn mình ra khỏi những định kiến ấy để cho cả Châu Âu phải có cái nhìn khác về mình. Và không có cách nào tốt hơn là dành quyền đăng cai vòng chung kết của một kỳ EURO, giải bóng đá lớn nhất ở lục địa già và là giải bóng đá cấp châu lục lớn nhất thế giới.
Không phải ngẫu nhiên mà cuộc chạy đua cho quyền đăng cai EURO 2012 lại xuất hiện những 2 liên minh đến từ Đông Âu là Crotia - Hungary và Ba Lan - Ukraine để đối đầu với những 3 đối thủ độc lập khác đến từ phía kia là Italia, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ. Điều bất ngờ khi kết quả vòng 1 được công bố vào thời điểm tháng 11 năm 2005 là cả 2 liên minh Đông Âu này đã cùng với Italia nhận được nhiều phiếu nhất và loại Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi cuộc chơi.
Trong quá trình hơn 1 năm sau đó, có những lúc tưởng như các ứng cử viên Đông Âu đã phải bỏ cuộc vì sự thua kém đối thủ Tây Âu Italia là quá xa, khi những khó khăn cứ liên tiếp đến với họ (nạn bất ổn chính trị ở Ukraine, tham nhũng và phân biệt chủng tộc trong thể thao ở Ba Lan ...) . Thế nhưng lòng quyết tâm để khẳng định lại vị thế của mình đã khiến họ không thể đầu hàng, và các chiến dịch lobby và cổ động lại tiếp tục được đưa ra như một phần những nỗ lực chứng tỏ khát khao của họ. Các đội tuyển quốc gia, và các CLB của các nước Đông Âu cũng đã không ngừng cải thiện mình, chuyên nghiệp hóa công tác tổ chức để nâng cao thành tích thi đấu của mình.
Và rồi, ở Cardiff, khi một trong số 2 liên minh Đông Âu được tuyên bố thắng cuộc, một chiến thắng vô cùng bất ngờ vì ngay cả trước khi kết quả được công bố thì hầu như mọi đánh giá, dự đoán đều tập trung vào Italia, một nước xét về nhiều mặt có lẽ là hơn nhiều những đối thủ còn lại. Lúc này kết quả đã là chiến thắng chung cho cả Đông Âu.
Người dân Ba Lan ăn mừng chiến thắng
Cũng có thể kết quả này là sự ưu ái của UEFA với những nước nhỏ như sự trả lễ của ông Platini cho chiến dịch tranh cử của mình như nghi ngờ của người Ý. Nhưng dù điều đó có thật hay không thì đây cũng là cơ hội "có một không hai" cho Ba Lan và Ukraine để chứng tỏ cho cả thế giới thấy rằng họ có thể làm tốt những gì mà những người anh em Tây Âu đã làm được như theo lời nói của ông Michal Listkiewicz - chủ tịch LĐBĐ Ba Lan : "Một sự kiện lớn đã đến với những quốc gia không có cơ hội cải thiện hình ảnh bóng đá."
Cả 2 chính phủ đã cam kết rất mạnh mẽ về những sự "lột xác" mà họ sẽ làm được trong vòng 5 năm tới bao gồm cơ sở hạ tầng, công tác an ninh và cơ cấu tổ chức. Những sân vận động mới hiện đại và có sức chứa lớn cũng sẽ được xây dựng để sẵn sàng đón tiếp 16 đội tuyển hàng đầu Châu Âu đến tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất châu lục.
Ba Lan có thể làm được, Ukraine có thể làm được, Đông Âu có thể làm được. Hãy tin là thế, hãy tin là EURO 2012 là mốc để bóng đá Đông Âu đánh dấu sự hồi sinh của mình bằng những vinh quang như bóng đá khu vực này đã từng dành được chỉ cách đây hơn 20 năm về trước.
+ Các đia điểm tổ chức EURO 2012 :
Ba Lan
Thành phố | Sân vận động | Sức chứa |
---|---|---|
Poznań | Municipal Stadium | 46,500 |
Warsaw | National Stadium | 70,000 |
Wrocław | Olympic Stadium | 40,000 |
Gdańsk | Baltic Arena | 40,000 |
Ukraine
Thành phố | Sân vận động | Sức chứa |
---|---|---|
Kiev | Olimpiysky | 83,450 |
Donetsk | Shakhtar Stadium | 50,000 |
Lviv | Ukraina Stadium | 36,000 |
Dnipropetrovsk | Dnipro Stadium | 31,003 |
Vương Hiển