(Bongda24h) - Cách đây tròn hai mươi năm. Năm 1988, những người Hà Lan nhảy múa trên đôi chân nghệ sỹ với lối đá tổng lực đã lên ngôi cao nhất tại lục địa già. Quá khứ oai hùng ấy đã ngủ quên sau hai mươi năm tưởng như choàng tỉnh giấc nhưng hoá ra vẫn chỉ là giấc mơ!
Bài viết dự thi: “Nếu bạn là chuyên gia“
Nguyễn Tiến Xuân: Thanh Xuân, Hà Nội.
Những người lẫy lừng hai mươi năm trước nay vẫn còn đây. Có những người đã tha phương tìm cho riêng mình những thành công khác trên miền đất khác như Ronald Koeman, Frank Rijkaard hay Ruud Gullit. Duy chỉ có một người, một người đã từng là kép chính tạo ra chiến công vang dội hai mươi năm trước ở lại. Đó là Van Basten. Van Basten đã nhận trách nhiệm thống lĩnh binh đoàn “cơn lốc màu da cam" tham chiến ở kỳ Euro này. Không còn xỏ giày và quần đùi áo số ra sân quần thảo với đối thủ như xưa. Vị trí của ông ở tuyển Hà Lan là trên băng ghế chỉ đạo. Thật ngẫu nhiên và tình cờ vì đúng hai mươi năm người Hà Lan chưa thêm một lần vô địch Châu Âu từ chính thời vàng son của Van Basten. Và giờ đây, Van Basten nhận nhiệm vụ thực hiện lại điều mà ông cùng các đồng đội đã làm được hai mươi năm trước đó.
Van Basten và thời vàng son |
“Van Basten và thời vàng son”
Hiện thực và quá khứ với những con số tròn trịa kia có thể nào sẽ là động lực cho Van Basten cùng các học trò lỗ lực hết mình để đạt được nó? Là một trong những người của hai mươi năm trước, chứng kiến cảnh đàn em chưa thể thêm một lần mang vinh quang về cho nước nhà hẳn Van Basten khao khát thêm một lần nâng cao danh hiệu cao quý đó trên cương vị huấn luyện viên! Có lẽ chính vì những lý do đó mà Van Basten đã truyền cảm hứng, lòng tự hào và sự tự trọng vào trong tận sâu thẳm tâm trí của những học trò. Ông đã xây dựng một Hà Lan không ồ ạt, không tấn công tổng lực như thời ông còn là cầu thủ. Từng ấy năm đã trải qua đủ để cho Van Basten thấy bóng đá hiện tại khác xa quá khứ. Ở bóng đá hiện tại tôn thờ sự thực dụng, chắc chắn và chỉ có chiến thắng mới là quan trọng nhất. Chính vì lẽ đó, ông đã tạo ra một Hà Lan chơi khoa học, thực dụng và hướng ưu tiên số một là chiến thắng. Tuy nhiên, ông là người Hà Lan, học trò của ông cũng là người Hà Lan. Mà người Hà Lan không chơi thứ bóng đá tấn công thì không phải Hà Lan. Đó là bản sắc, là sở hữu đặc trưng của người Hà Lan.
Vì vậy, dù chơi khoa học, thực dụng thì Van Basten và các học trò vẫn cống hiến thứ bóng đá tấn công huyền ảo mê hoặc người xem. Thực dụng mà vẫn quyến rũ, khoa học mà vẫn mềm mại, uyển chuyển, linh hoạt. Đó là phong cách Van Basten, phong cách “cơn lốc màu cam” hiện tại. Ông đã thổi hồn mình vào các học trò, thổi những khát khao mạnh mẽ và giấc mơ cháy bỏng lên những đôi chân của Wesley Sneijder, Rafael Van der Vaart, Ruud van Nistelrooy…Chẳng thế mà “cơn lốc màu cam” đã thổi bay người Ý đang trên đỉnh vinh quang của thế giới, vùi dập đương kim á quân Pháp bằng những thắng lợi mà những người kỹ tính cũng khó tưởng tượng nhất. Họ chiến thắng bằng chính lối chơi khoa học kiểu “catenaccio” của người Ý, hoa mỹ của người Pháp và tổng lực của người Hà Lan. Những Wesley Sneijder, Arjen Robben, Robin Van Persie hay Nistelrooy đã làm cả thế giới trở nên điên đảo mỗi khi nhắc đến tên các anh. Dường như Van Basten đang đến rất gần với giấc mơ hai mươi năm trước, dường như người ta thấy ở người Hà Lan hiện tại bóng dáng của chính họ hai mươi năm về trước. Đó là bóng dáng của một vị vua mới ở lục địa già. Nhưng không, thế hệ “người Hà Lan bay” này chỉ dừng lại đến như thế ở Euro này.
Hai chiến thắng trước Ý và Pháp khiến Hà Lan được đánh giá là ƯCV hàng đầu cho chức vô địch |
Khởi đầu thời hiện tại sau 20 năm
Sau hai chiến thắng vô cùng thuyết phục trước Italia và Pháp ở vòng bảng của bảng đấu tử thần, Hà Lan hiên ngang bước vào bán kết chờ đối thủ tiếp theo trong khi còn một trận chưa đấu. Trận đấu cuối vòng bảng, chỉ bằng đội hình hai trước Romania phải chiến bằng mọi giá để giành chiếc vé thứ hai vào tứ kết. Vậy mà cũng chỉ bằng đội hình hai ấy và đối thủ như thế mà người Hà Lan cũng thổi bay nốt những chú “ma cà rồng”. Chỉ cần như vậy người ta cũng đủ biết sức mạnh của “đoàn quân cơn lốc” mạnh đến như thế nào. Người ta đã phải ví Hà Lan không phải bằng hình ảnh “cơn lốc” nữa mà là “bão cam”. Cuối cùng vòng đấu bảng cũng khép lại và mang đến cho Hà Lan một đối thủ như vô tình mà lại đầy hữu ý. Đó là Nga. Cũng đối thủ này hai mươi năm về trước khi đó còn gọi là Liên Xô chính là bại tướng cuối cùng của người Hà Lan trước khi giành chức vô địch. Hà Lan vẫn còn Van Basten của hai mươi năm trước, còn Nga đã hoàn toàn mới. Họ chẳng còn Igor Belanov hay Vassili Rats trên sân, chẳng còn Valery Lobanovsky đại tài trên băng ghế huấn luyện. Cơ hội cho Van Basten và các học trò tái lập lại chiến thắng trước người Nga là rất lớn.
Nhưng không, không có Igor Belanov thì người Nga đã có Andrey Arshavin, người là nguyên nhân chính làm tiêu tan giấc mơ của Thuỵ Điển. Không có Valery Lobanovsky đại tài thì họ đã có “thày phù thuỷ” Guus Hiddink. Hai con người này, một là đạo diễn một là nhân vật chính cho vở kịch “Gấu Missa và cơn bão cam”. Cuối cùng thì ai cũng biết cái kết của vở kịch. Gấu Missa của “thày phù thuỷ” Guus Hiddink hoá thân biến thành “cơn bão trắng” và “cơn bão cam” tan tành thành cơn gió yếu ớt nhợt nhạt. Van Basten không thể đưa các học trò vươn tới đỉnh vinh quang Euro này sau những chiến thắng đầy thuyết phục ở vòng bảng. Có nhiều người nêu ra nhiều nguyên nhân cho thất bại này của thày trò Van Basten. Họ đã quá thận trọng trong trận đấu loại trực tiếp, Van Basten đã sai lầm trong khâu sắp xếp đội hình và sử dụng người...vân vân và vân vân. Nhưng xét một cách toàn diện thì người Nga thắng một cách đầy thuyết phục. Không ngạc nhiên khi người đánh bại họ lại chính là một “đạo diễn” mang quốc tịch Hà Lan. Guus Hiddink đã quá rõ Hà Lan khi đã dẫn dắt họ trong rất nhiều năm. Van Basten trẻ tuổi đã thua “thày phù thuỷ” Guus Hiddink bởi chính vũ khí của người Hà Lan. Đó là tấn công tổng lực. Người Nga chơi thứ bóng đá của người Hà Lan, còn người Hà Lan cứ như chơi thứ bóng đá của người Ý, người Pháp khi chơi với chính họ vậy. Một cái kết Van Basten không hề mong muốn, người Hà Lan không hề mong muốn nhưng vẫn phải chấp nhận. Đó là thất bại.
“Và cái kết mang tên thất bại với giấc mơ không trọn vẹn”
Một lần nữa “cơn lốc màu cam” lại phải dừng lại giữa con đường lên đỉnh vinh quang của mình. Lại một lần nữa trong hai mươi năm qua người Hà Lan không danh hiệu. Hai mươi năm một giấc mơ của Van Basten không thể thành sự thực dù ông cảm thấy nó rất gần, nó như đâu đây nhưng lại tuột mất. Đó là bóng đá và ông phải chấp nhận dù muốn hay không muốn. Hai mươi năm, một con số thật đẹp để thực hiện lại cái gì đó nhưng đã xa mãi rồi. Những anh lính của “cơn lốc màu cam” xin đừng khóc cho thất bại, xin đừng buồn vì nuối tiếc bởi nó đã xa, đã xảy ra rồi và nó chỉ làm cho hình ảnh các anh yếu ớt đi thôi. Việc hiện tại cần phải làm là hướng tới tương lai.
Giấc mơ không trọn vẹn... |
Có thể phải nhiều năm nữa người Hà Lan mới trở lại dù hiện tại họ không thiếu những nhân tài. Sau nhiều năm ấy có thể Van Basten vẫn còn đó trên băng ghế chỉ đạo, hoặc là một ai khác thì khát khao chiến thắng của người Hà Lan không bao giờ thôi cháy bỏng, niềm tin chiến thắng của họ sẽ không bao giờ tắt. Người Hà Lan vẫn luôn mang trong mình nhịp đập của bóng đá, những bước chạy thần tốc và thứ bóng đá tấn công đẹp mắt đến mê hoặc lòng người. Chẳng ai có thể phủ nhận tài năng của Van Basten trên sân cỏ và cũng chẳng ai phủ nhận được tài năng của ông trên băng ghế chỉ đạo sau những gì ông đã làm được. Vậy chúng ta hãy cứ hi vọng, cứ chờ một ngày nào đó, Van Basten lại dẫn dắt đoàn quân “da cam” chinh phục thế giới, chinh phục Châu Âu bằng thứ bóng đá quyến rũ hơn, hiệu quả hơn và thành công hơn!