Đức – Nga: Nỗi ám ảnh quá khứ
Thứ Sáu 10/10/2008 14:36(GMT+7)
Theo dõi Bongda24h trên Trên chiến trường, Hồng quân Liên Xô có thể đánh tan phát xít Đức để khép lại một chương đen tối trong lịch sử nhân loại, nhưng trên sân cỏ, đội tuyển Đức vẫn là nỗi ám ảnh của bóng đá Liên Xô trước đây cũng như Nga bây giờ.
Lịch sử ghi nhận mối lương duyên giữa bóng đá Đức và Nga bắt đầu bằng trận giao hữu tại Stockholm năm 1912. Trên đất Thụy Điển, Đức đã đè bẹp Nga với tỷ số... 16-0, mỗi hiệp có 8 bàn thắng. Thời điểm đó, đội tuyển Đức vừa ra đời được hơn 4 năm, đã có một chiến thắng “thế kỷ” mà cho đến giờ vẫn là kỷ lục về trận thắng đậm nhất của “Mannschaft”. Cố tiền đạo Gottfried Fuchs (1889-1972) đã ghi đến... 10 bàn thắng trong trận đấu ấy. Trong suốt sự nghiệp của mình, Fuchs chỉ 6 lần khoác áo đội tuyển quốc gia, ghi tổng cộng 14 bàn thắng nhưng quá 2/3 trong số đó được ghi vào lưới đội tuyển Nga. Ở trận thắng kể trên, tiền đạo Fritz Foerderer (1888-1952) cũng để lại dấu ấn đặc biệt với 4 lần lập công.
|
Bastian Schweinsteiger: Cầu thủ từng ghi 2 bàn vào lưới ĐT Nga vào năm 2005 |
Nhưng đó chỉ là câu chuyện của những ngày đầu còn “mông muội”. Gặp lại nhau sau hơn 40 năm, người Nga – lúc này đã khoác trên mình chiếc áo Liên Xô, giành 2 chiến thắng trong 2 năm liên tiếp trước người Đức, 3-2 trên sân nhà vào năm 1955 và 2-1 ngay trên sân khách vào năm 1956. Đó là 2 trong số 3 chiến thắng mà bóng đá Nga (hay Liên Xô) có được trước đối thủ Đức, cùng với trận thắng 1-0 trên sân nhà ở Moskva vào năm 1985, tất cả đều giao hữu.
Về phần mình, sau 2 trận thua liên tiếp trước Liên Xô, người Đức phải đợi đến 10 năm sau mới có dịp phục thù. Tại bán kết World Cup 1966 trên đất Anh, Đức đã thắng Liên Xô của “Nhện đen” Lev Yashin 2-1 tại sân Goodison Park ở Liverpool. “Hoàng đế” Franz Beckenbauer ghi một bàn, nâng tỷ số lên 2-0, trong trận đấu này. Đến EURO 1972, Đức lại vượt qua Liên Xô trong trận chung kết ở sân Heysel tại Bruxelles với tỷ số 3-0, trong đó “Kẻ dội bom” Gerd Mueller lập cú đúp. Trước trận đấu đó chưa đầy một tháng, Mueller đã ghi cả 4 bàn trong chiến thắng 4-1 của Đức trước Liên Xô trong loạt giao hữu khởi động.
Quãng thời gian sau đó, Đức tiếp tục lấn lướt Liên Xô dù những chiến thắng với cách biệt lớn không còn diễn ra. Khi Liên Xô sụp đổ, để lại toàn bộ di sản bóng đá cho Nga, Đức tiếp tục các màn đánh “phủ đầu”. Năm 1994, Đức thắng Nga 1-0 trong lần gặp gỡ đầu tiên kể từ khi Liên bang Xô Viết tan rã. Đó là chiến thắng trên sân khách với sự góp mặt của Juergen Klinsmann, người sau đó đã lập cú đúp giúp Đức đánh bại Nga 3-0 ở vòng bảng EURO 1996 tại Manchester, giải đấu mà “Mannschaft” đã đăng quang trên đất Anh.
Trong quá trình chuẩn bị cho World Cup 2006, Đức từng đá giao hữu với Nga và đó là trận hòa 2-2 tại Gladbach mà Bastian Schweinsteiger đã lập cú đúp cho đội chủ nhà. 3 năm sau, Đức gặp lại Nga nhưng không phải trong một trận giao hữu mà ở một cuộc chiến thực sự. Được xem là hai ứng viên sáng giá có thể giành ngôi đầu bảng 4, trận Đức – Nga có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của mỗi đội. Dưới bàn tay của “Phù thủy” Guus Hiddink, bóng đá Nga dường như đã tỉnh giấc sau cơn ngủ đông dài. Quá khứ đứng về người Đức, nhưng hiện tại thì không hề xem thường sức mạnh của người Nga. Ở Dortmund, Hiddink đang nuôi tham vọng làm nên lịch sử, mang về chiến thắng đầu tiên trước “Mannschaft” cho bóng đá Nga thời hậu Xô Viết, để quên đi những ám ảnh đã thuộc về dĩ vãng.
Robert Enke bị gãy tay Thủ môn của đội tuyển Đức đã bị gãy xương thuyền, một ca chấn thương xương vùng cổ tay thường rất hay xảy ra. Enke dính tai nạn này trong buổi tập chiều thứ Tư và đến sáng thứ 5 thì các bác sĩ đã xác nhận thông tin nói trên. Theo dự kiến, Enker phải mất ít nhất 3 tuần để bình phục, đồng nghĩa với cơ hội chơi trận đấu với đội tuyển Nga ở Gladbach vào cuối tuần này cũng như xứ Wales ở Moenchengladbach vào giữa tuần sau đã trôi qua trong tầm tay. Sau sự ra đi của Jens Lehmann, khung thành đội tuyển Đức rộng mở với cả Robert Enke lẫn Rene Adler, những người đã có mặt ở EURO 2008. Enke tận dụng thời cơ tốt hơn, phần vì kinh nghiệm dày dặn hơn, phần vì vào thời điểm cuối tháng 8 và đầu tháng 9, khi đội tuyển Đức tập trung trở lại, thì Adler lại dính chấn thương vai. Cũng vì thế mà Tim Wiese có được suất “lên tuyển”, dự bị cho Enke. Bây giờ, tình thế đang diễn ra theo chiều ngược lại. Enke dính chấn thương, mở ra cơ hội cho Adler đứng trong khung thành “Mannschaft” lần đầu tiên. Tuy nhiên, vấn đề trở nên nhạy cảm vì tính chất đặc biệt của trận đấu với đội tuyển Nga. Cả Adler lẫn Tim Wiese đều chưa một lần đứng trung khung thành đội tuyển Đức nhưng ở màu áo CLB, thủ môn của Bremen có phần già dặn hơn đồng nghiệp bên phía Leverkusen cả về tuổi đời (26 so với 23) lẫn kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao. Và có thể, vì một sự lựa chọn an toàn, Loew sẽ trao vị trí số một tạm thời cho Wiese trong khi chờ đợi Adler tích lũy thêm. Về trường hợp của thủ môn Timo Hildebrand, Loew khẳng định cơ hội vẫn mở ra song trước hết, tự bản thân anh phải có sự thay đổi. Cụ thể hơn, anh cần phải rời khỏi Valencia để thoát “kiếp dự bị”. Chỉ một khi được thi đấu, anh mới có hy vọng trở lại trong màu áo đội tuyển quốc gia. |
(Theo Thể Thao Văn Hóa)