Ngày 26-12, chiều ở Mỹ Đình, ông Calisto thực hiện một sự điều chỉnh trong buổi tập đầu tiên của đội tuyển kể từ khi trở về từ Bangkok: ông đặt Minh Đức chơi cạnh Như Thành, còn Phước Tứ được đẩy lên đá ngay phía trên. Một tam giác phòng ngự ở trước mặt thủ môn Hồng Sơn hiện ra: đỉnh là Tứ còn đáy là Đức và Thành.
Giữa 2 thời điểm, giữa 2 quyết định là một dấu gạch nối: tăng cường nhân sự và sức mạnh cho hệ thống phòng ngự.
Ông Calisto đã tính Phước Tứ (phải) cho vị trí đứng trước mặt cặp trung vệ Thành |
Tỉ số giữa Việt Nam và Thái Lan trong trận chung kết 2 lượt của AFF Suzuki Cup 2008 cho đến giờ vẫn là 2-1. Chúng ta có lợi thế 1 bàn thắng và đội tuyển VN chỉ cần không thủng lưới thêm là vô địch.
Như vậy, nếu phương án này không chỉ là một trò thử nghiệm để tung hỏa mù trong thời buổi thông tin tràn lan trên các mặt báo, và sự khác biệt về ngôn ngữ tiếng Việt với tiếng Thái hay tiếng Việt với tiếng Anh (HLV Peter Reid của Thái Lan là người Anh) có thể được giải quyết vô cùng đơn giản, thì có thể coi việc điều chỉnh hôm qua là một dấu gạch nối. Sự khác biệt duy nhất, Tứ đá cao hơn chứ không phải Đức, vì Tứ là chuyên gia đá dập.
Ông Calisto bảo đá với Thái Lan mà phòng ngự là tự sát, nhưng trên thực tế, chúng ta đã bảo toàn được tỉ số 2-1 ở Rajamangala cả khi Thái Lan biến 20 phút cuối trận lượt đi thành cuộc tra tấn về mọi mặt. Và một thực tế khác là đội tuyển dưới thời ông Calisto chỉ đảm bảo được 2 yếu tố: chơi hay và hiệu quả khi đá phản công.
Trong phán đoán của người viết và có thể là nhiều người trong số chúng ta, người Thái sẽ tấn công từ những phút đầu để tìm kiếm bàn thắng san bằng tỉ số. Điều khác biệt duy nhất mà họ cần làm là không được phép tấn công tổng lực tới mức để hở sườn và liên tục phải lâm cảnh 1 chống 2, 2 chống 3.
Phòng ngự chỉ là tự sát nếu như quên mất nhiệm vụ phản công. Còn nếu chúng ta tiếp tục duy trì được đòn phản công với những cú bật chạm liên tục và khả năng di chuyển tốc độ của các vị trí, thì phòng ngự cũng có thể lôi tít ai đó lên thiên đường.
(Theo TT&VH)