Những điều cần rút kinh nghiệm
ĐT Việt Nam đã chơi tốt trước ĐT Trung Quốc. Cái tốt ở đây là nói về cách chơi, chứ không phải về tỷ số! Vì một đội bóng thủng lưới đến 6 lần, thua chung cuộc 5 bàn cách biệt sau 90 phút thì không thể (và cũng chẳng ai dám) tự nhận là đã hoàn thành nhiệm vụ.
Trong trận đấu ở Hàng Châu, lý do thuyết phục nhất để giải thích thất bại của ĐT Việt Nam là trình độ. Điều đó, ai cũng rõ. Nhưng trong chừng mực nào đó, phải chăng chúng ta vẫn có thể giảm thiểu được “tai nạn” nếu chơi hợp lý hơn?
Không ít nhà chuyên môn cho rằng, sau khi bị thua 1-3, HLV Calisto đã hơi vội khi quyết định thay thế tiền vệ Minh Châu bằng tiền đạo Quang Hải. Bởi, trước đối thủ nhỉnh hơn về mọi mặt (đặc biệt là sức lực), sự có mặt của Minh Châu sẽ giúp ĐT Việt Nam tạo ra bức tường tuyến hai giàu tính chiến đấu hơn. Khả năng tranh chấp của cầu thủ này sẽ giúp hàng tứ vệ của ĐT Việt Nam giảm thiểu áp lực và ít phải đối mặt với những tình huống đua tốc độ 1 chọi 1 kiểu 5 ăn 5 thua.
Ông “Tô” có cái lý của riêng mình. Ông đồ rằng, nếu Quang Hải vào sân, khả năng cầm bóng tốt của cầu thủ này sẽ giúp các đồng đội có nhiều khoảng trống hơn. Và khi đó, tự khắc vòng vây của các cầu thủ Trung Quốc vì thế cũng phần nào được giải tỏa. Nhưng dường như, tính toán của ông đã không được như ý. Chính bàn thua sớm mà ĐT Việt Nam phải nhận và cái thế “chân tường” mà thầy trò HLV Yin Tiesheng đang bị báo giới bản địa “áp đặt” là nguyên nhân cốt lõi khiến đội chủ nhà không ngừng khát khao đè bẹp đối thủ. Chúng ta “vỡ” từ đó.
Tiếp theo quyết định thay người, ĐT Việt Nam cũng chưa thực sự hợp lý khi cương quyết ăn thua đủ với ĐT Trung Quốc. Lối đá cởi mở và sẵn sàng lao lên tìm kiếm bàn thắng đã khiến khung thành của thủ môn Đức Cường càng thêm chênh vênh. Nếu chúng ta chơi nhún nhường, tiếp tục đặt mình ở thế “cửa dưới” và phòng thủ nhiều hơn, số bàn thua có thể đã được giảm xuống tối đa.
Những “cái Được”
Nhưng “cái Được”” lớn nhất của ĐT Việt Nam mà ai cũng thấy là sự tự tin. Thầy trò HLV Calisto nhập cuộc sòng phẳng, không e ngại trước ĐT Trung Quốc. Các tuyển thủ Việt Nam dám cầm bóng, dám đột phá, dám chơi theo ý mình và không “loạn” khi bị quây. Nhìn cách ĐT Việt Nam chơi có vẻ đơn giản, nhưng nếu không phải là một đội bóng có trình độ nhất định, từng được tôi luyện trong “lò nung” bản lĩnh, họ không thể thực hiện được như vậy. Và khi đó, sự lóng ngóng của “kẻ cửa dưới” đúng nghĩa sẽ khiến NHM lo lắng gấp bội.
Cái Được thứ hai của ĐT Việt Nam chính là bàn thắng của Vũ Phong. Cầu thủ của B.BD kết thúc hoàn hảo pha châm ngòi của Việt Thắng, băng xuống “hạ gục” thủ môn Du Zhenyu trong sự bám đuổi của 3 hậu vệ to cao. Đây rõ ràng là một bàn thắng đẹp, thể hiện đầy đủ vẻ đẹp và tinh thần Việt Nam, xứng đáng là “điểm nhấn danh dự” của cả một tập thể.
Cái Được tiếp theo của ĐT Việt Nam là những nhân tố nổi bật. Trong trận đấu tại Hàng Châu, ngoài Vũ Phong, chúng ta cần dành lời động viên cho tiền đạo Việt Thắng, tiền vệ Tài Em, hậu vệ trẻ Chu Ngọc Anh lần đầu được khoác áo Tuyển và phần nào, đó là tiền đạo vào sân từ ghế dự bị Nguyễn Quang Hải. Chính họ là những điểm sáng, đem lại thế trận không hoàn toàn lép vế cho ĐT Việt Nam. Điển hình trong số này là chân sút đang khoác áo ĐT.LA. Việt Thắng đã nhập cuộc với tinh thần như một chiến binh và chơi máu lửa từ đầu đến cuối. Còn xét về hiệu quả thi đấu, chính anh là người tung ra đường chuyền quyết định cho Vũ Phong lập công. Ở hiệp 2, Việt Thắng còn hơn 1 lần tạo cơ hội cho Quang Hải đối mặt với khung thành ĐT Trung Quốc, nhưng cầu thủ khoác áo K.KH đã không tận dụng được.
(Theo Báo Bóng Đá)