Qua khe cửa cực hẹp
Trận Mỹ - Ai Cập diễn ra cũng là lúc đa phần CĐV Mỹ đang trên chuyến bay về nước. Bởi ở thế 99% bị loại, ai còn tin ĐT Mỹ có thể giành vé đi tiếp. Thế nhưng, 3 bàn thắng vào lưới Ai Cập bỗng làm đổi thay vận mệnh ĐT Mỹ. Họ tiến vào bán kết sau khi trải qua một “giấc mộng đêm Hè”!
Cũng có chuyện rằng, trước trận Mỹ - Tây Ban Nha (TBN), một CĐV TBN đã ghé vào tai nhà báo Mỹ, Greg Lalas và nói: “Tây Ban Nha đá bóng, còn người Mỹ chơi bóng bầu dục”. Lalas cười mỉm, chẳng biết nói gì hơn. Và rồi, khi tiếng còi kết thúc trận đấu, với chiến thắng 2-0 nghiêng về ĐT Mỹ, Lalas tìm fan kia như muốn nói một điều gì đó, nhưng chẳng thấy anh ta đâu. Có lẽ điều Lalas muốn thổ lộ là: “Hình như bóng bầu dục cũng tròn như bóng đá!”
ĐT Mỹ đi vào lịch sử
Thế đấy, lần đầu tiên trong lịch sử gần 100 năm, ĐT bóng đá nam của nước Mỹ đã tiến vào trận chung kết một giải đấu quốc tế lớn, với kịch bản như một bộ phim hành động của Hollywood, với chất xúc tác mang âm hưởng chuyện cổ tích hơn là hiện thực. Nhưng có hề chi, vinh quang chỉ dành cho những người chiến thắng. Bây giờ, Bob Bradley có quyền vỗ ngực tự hào, rằng ĐT Mỹ của ông có thể sẽ là nhà vô địch.
Người ta nói Mỹ chơi quá chiến thuật. Người ta khẳng định Mỹ gặp may... Nhưng tất cả chỉ là ngộ nhận. Soi xét kỹ càng hơn, việc ĐT Mỹ vượt qua vòng bảng, rồi tiến vào chung kết là một kết quả đầy lô-gích. Bởi trận mở màn Confed Cup 2009, Mỹ thua Italia trong thế chơi kém người. Đáng lẽ Tây Ban Nha cần học kinh nghiệm từ Ai Cập, kẻ đã bị hủy diệt 3-0 dọn đường cho Mỹ vào bán kết. Nhưng họ nghĩ họ mạnh hơn đối thủ nhiều, nên cái giá phải trả mới đắt đến vậy.
Hiệu ứng nào cho Nam Phi 2010?
Bây giờ, niềm tin và kỳ vọng đang tràn ngập nước Mỹ. Có tin, BTC Confed Cup 2009 đã mời tổng thống Mỹ, Barrack Obama tới dự khán trận chung kết. Với sự hiện diện của ĐT Mỹ ở trận đấu cuối cùng đó, ông Obama hẳn sẽ tới xem. Và đó sẽ là một lời động viên, cũng là chất xúc tác lớn cho con đường tương lai của bóng đá Mỹ.
Tương lai ấy là gì? Chẳng đâu xa, cũng ngay tại Nam Phi thôi, sau đây chừng 1 năm nữa. World Cup 2010 chính là nơi mà mọi ĐTQG muốn gặt hái thành công nhất. Mỹ cũng vậy. Vượt qua vòng loại World Cup khu vực CONCACAF có lẽ không quá khó, nhưng có gặt hái được thành công tại giải VĐTG hay không, với Mỹ, lại là chuyện khác.
Sau World Cup 1994 với tư cách là chủ nhà, bóng đá Mỹ cũng đã có những bước phát triển nhất định. Song nền bóng đá của họ vẫn chưa có những bước nhảy vọt thần kì, và trong các cuộc chơi khắc nghiệt, họ chưa khẳng định được đẳng cấp. Hơn lúc nào hết, giống như các nền bóng đá tầm trung khác, bóng đá Mỹ cần một cú hích để hiện thực hóa giấc mơ. Chiến thắng trước Tây Ban Nha có thể coi là một bước đà không thể lý tưởng hơn.
Có điều, “môn thể thao vua” lại không thuộc diện ưu tiên của thể thao Mỹ. Bởi thế, vẫn biết trong một trận đấu cụ thể, ĐT Mỹ đã vượt qua ĐT Tây Ban Nha. Song, để giấc mơ một lần đoạt Cúp thành hiện thực, có lẽ những người làm bóng đá Mỹ cũng cần phải giải được bài toán: “Ở Mỹ, người ta chơi bóng bầu dục...”.
Con số
1. Vượt qua vòng bán kết, ĐTQG Mỹ trở thành đội bóng đầu tiên (kể từ sau Romania tháng 11 năm 2006) thắng được Tây Ban Nha. Họ đồng thời lập kỳ tích là lần đầu tiên (trong lịch sử 93 năm của bóng đá nước này) lọt vào chung kết một giải đấu cấp thế giới.
3. Với chiếc thẻ đỏ của Michael Bradley, sau 4 trận ở Confed Cup 2009 ĐT Mỹ đã phải nhận 3 thẻ đỏ. Hai thẻ trước, ĐT Mỹ bị dính trong các trận thua Italia và Brazil.
(Theo báo Bóng Đá)