Phải chăng, Đức đang cố giấu đi những “bài tủ” cho chặng đường tiếp theo, hay thực tế, “Mannschaft” chẳng có “bài” nào ra hồn?
Giấu “bài”...
Ở một trận đấu mang tính chất quyết định nhưng không bắt buộc phải thắng bằng mọi giá, đối thủ lại là một đội bóng quá yếu, người Đức có quyền chơi một cách thong dong, đủ để đặt chân vào tứ kết với tổn hao lực lượng, cả về sức lực, thẻ phạt lẫn chấn thương, ở mức độ tối thiểu. Người Đức có 2 kịch bản để lựa chọn cho trận gặp Áo ở loạt cuối cùng vòng bảng: Hoặc bung hết sức để thắng một trận hoành tráng nhằm lấy lại tinh thần sau thất bại trước Croatia, hoặc tìm kiếm một trận thắng nhẹ nhàng, vừa đủ lên dây có tinh thần, vừa bảo toàn quân số cho chặng đường tiếp theo mà trước mắt là đối thủ Bồ Đào Nha ở tứ kết. Lý trí đã chỉ cho người Đức lựa chọn con đường thứ hai, vì mục tiêu hướng đến Vienna, chơi trận chung kết trên sân Ernst Happel.
Thế nên, cũng thật dễ hiểu khi người ta được chứng kiến một màn trình diễn “thất vọng” nữa của “Mannschaft”. Sự thiếu thuyết phục của đội tuyển Đức, nếu có ở trận đấu này, cũng phần nào đó có sự chủ động của họ. Về lý thuyết, chẳng ai dại gì đi phô diễn tất cả những gì mình có cho một chiến thắng hoành tráng (gần như) vô nghĩa, trước mặt mắt soi mói đến từng chi tiết của thầy trò Felipe Scolari, chưa tính đến những hậu quả khôn lường khác về mặt nhân sự. Cũng chờ có vậy, Áo đã có một trận đấu ngang ngửa, thậm chí có lúc lấn lướt trước người láng giềng Đức hơn họ cả một cái đầu. Áo đã chia tay EURO 2008, chia tay khán giả bằng mộ trận đấu “coi được” nhất ở vòng bảng, dù thầy trò Josef Hickersberger cũng thua với tỷ số từng thua Croatia, không kiếm được một điểm như trong trận đấu với Ba Lan.
... hay không có “bài tủ”?
Rút ra bài học nhớ đời về thất bại của những chiếc xe tăng “Con hổ” (Tiger) hay “Hổ vương” (King Tiger) trong chiến tranh thế giới thứ hai vì sự nặng nề và chậm chạp, người Đức đã cho ra đời phiên bản mới Leopard có tính cơ động cao, vận tốc di chuyển lớn, được gọi là “xe tăng bay”. Đội tuyển Đức cũng vậy, thay cho phiên bản trước đây nổi tiếng về “độ lì” và khả năng chịu đựng, Juergen Klinsmann rồi Joachim Loew đã xây dựng nên một “Mannschaft” kiểu mới, vận hành đa dạng với tốc độ cao. Tất nhiên, cái gì cũng vận vào quy luật bù trừ. Để làm nổi bật những yếu tố này, người Đức buộc phải hy sinh khả năng phòng thủ, thế nên mới có chuyện khung thành của họ luôn chao đảo, kể cả trước hàng tấn công của một đội “không biết đá bóng” như Áo. HLV Joachim Loew còn giấu bài hay đã hết vở
(Theo Thể Thao Văn Hóa)