Việc Mỹ lọt vào bán kết là một sự kiện hy hữu. Italia bị loại là một cú sốc. Những kỷ lục của Tây Ban Nha tạo nên sự ngưỡng mộ. Còn Brazil là một hiện tượng của Confed Cup. Bất ngờ đến từ Brazil không phải là những chiến thắng mà đến từ lối chơi lạ lẫm, một sự phá cách đầy ngẫu hứng, sáng tạo mang đậm phong cách Nam Mỹ. Đấu pháp 4-5-1, hay chính xác hơn là 4-2-3-1 với thường xuyên có… 2 tiền đạo trong đội hình đang làm Brazil trở thành trung tâm của những sự mổ xẻ chiến thuật. Cả châu Âu đang nhìn họ với sự lạ lẫm, khi Brazil vừa giống một đội bóng châu Âu thực dụng mang mô hình của Chelsea, lại vừa mang sức mạnh truyền thống.
Felipe Melo: Một trong những phát hiện mới của Dunga ở ĐT Brazil
Thực ra, Brazil vẫn là Brazil, vẫn dựa trên lối chơi nghệ thuật, mang tính ngẫu hứng, nhưng Dunga đã tạo nên tính kỷ luật trong sự ngẫu hứng của Brazil. Điểm nhấn lớn nhất của tính kỷ luật của Dunga là 2 hậu vệ biên. Chính 2 hậu vệ cánh là những người tạo nên sự khác biệt cho Brazil hiện tại, họ thay thế hoàn hảo các tiền vệ biên, những “đôi cánh” ở tuyến giữa do chính Brazil tạo ra hồi thập kỷ 60. Thống kê cho thấy Maicon và Santos đã chạy tổng cộng 21,876 km trong trận đấu với Italia. Tần suất hoạt động của Maicon phủ khắp nửa chiều dài sân và nơi hậu vệ của Inter có mặt nhiều nhất là ở khoảng… giữa sân.
Andre Santos, hậu vệ cánh trái của Brazil trận gặp Italia còn dâng cao hơn Maicon với tần suất cao nhất. Santos có mặt ở vòng cung trung tâm là nhiều nhất. Thậm chí, Santos có khoảng thời gian tổng cộng 21 phút có mặt bên phần sân của Italia, còn Maicon là 19 phút (trận gặp Mỹ là 26 phút). Số đường chuyền của Santos là 141 (nhiều thứ 2, chỉ kém Melo. Kaka chỉ có 123 đường chuyền) tỷ lệ thành công 83%. Maicon chuyền ít hơn (128) và tỷ lệ thành công là 75,78%. Đáng chú ý là 30% số đường chuyền của Maicon và Santos được thực hiện bên phần sân đối phương.
Ở hàng tiền vệ, Melo đã gánh thêm trách nhiệm bọc lót cho G.Silva, vừa hỗ trợ tấn công hiệu quả. Là người chuyền nhiều nhất (trung bình mỗi trận 173 đường chuyền), phát động tấn công chỉ kém Kaka, Melo mới là nhân tố quan trọng nhất ở hàng tiền vệ của Dunga (có mặt đủ 270 phút), giống như vai trò của Makelele, nhưng cộng thêm sự ngẫu hứng khi tham gia tấn công. Dunga thường xuyên dùng 2 tiền vệ tấn công (Kaka, Robinho) cộng với Elano (hoặc Baptista). Nhưng điều ngạc nhiên là chính Kaka, Elano và cả Robinho cũng đều tham gia phòng ngự. Kaka có 3 pha cản phá, khoảng 20% thời gian có mặt trên sân nhà. Và cách xử lý đội hình ấy dựa nhiều vào ngẫu hứng của từng cầu thủ và có hơi hướng của lối chơi tổng lực Hà Lan. Chính điều đó mang lại cho Brazil tính bất ngờ, và lý giải cho sức mạnh và tính hiệu quả của cả hàng phòng ngự tại Confed Cup lần này.
(Theo báo Bóng Đá)