Người Anh chỉ cần vượt qua chiều dài 80 km của eo biển Manche là có thể đặt chân đến nước Pháp. Nhưng để đuổi kịp người Pháp trên sân cỏ, người Anh còn phải chạy theo dài dài. Suốt 1 thập kỷ qua, họ đã cố chạy. Buồn thay, khoảng cách không những không rút ngắn mà cứ rộng hơn, xa hơn ....
Luật Bosman
Có một người đã làm nên sự thay đổi ấy. Tên anh là Jean-Marc Bosman. Trước khi luật Bosman ra đời vào năm 1995, quá hiếm người Pháp thi đấu ở nước ngoài trong khi ĐTQG không thể vượt qua 2 kỳ VL World Cup liên tiếp, 1990 và 1994. Nhưng thời "hậu Bosman", cầu thủ Pháp xuất hiện lan tràn ở các CLB đại gia của châu Âu. Ba năm sau Bosman, Pháp lần đầu tiên VĐ World Cup. Hai năm sau nữa, họ thống trị châu Âu. Hai năm về trước, họ suýt giương cao Cúp Vàng lần thứ hai.
Hầu hết các cầu thủ Pháp đều thi đấu ở nước ngoài
Khi hành quân đến Stade de France đêm nay, "Sư tử Anh“ hiểu rằng họ đã quá tụt hậu so với "Gà trống Gaulois". Trong 12 năm qua, kể từ khi lọt vào bán kết EURO 1996 tổ chức trên quê nhà, người Anh không thể đi xa hơn.
Tại EURO 1996 ấy, Pháp cũng có mặt ở vòng bán kết. Trong đội hình của họ lúc bấy giờ chỉ có 4 cầu thủ chơi bóng bên ngoài biên giới nước Pháp, đúng hơn là toàn ở Serie A: Marcel Desailly (Milan), Jocenlyn Angloma (lnter), Christian Karembeu (Sampdoria) và Didier Deschamps (Juve). 2 năm sau, khi VĐ World Cup 1998, ĐT Pháp có tổng cộng 13 cầu thủ đầu quân ở Anh, Tây Ban Nha, Italia và Đức. Đêm nay, đội hình xuất phát của Pháp khi tiếp Anh có lẽ chỉ gồm 3 người đang chơi ở Ligue 1 và đều của Lyon: Gregory Coupet, Francos Clerc và Jeremy Toulalan. Cựu GĐKT của FA, Howard Wlkinson, từng nhận định rằng: "Pháp như là trường tiểu học, trung học của cầu thủ Pháp. Phần còn lại của châu Âu là trường đại học của họ".
Theo Gilles Grimandi, cựu hậu vệ Pháp từng khoác áo Arsenal: "Việc thi đấu ở nước ngoài giúp cầu thủ mở mang đầu óc, có nhiều kinh nghiệm hơn. Thách thức giúp con người trở nên mạnh mẽ hơn". Đó là người Pháp. Người Anh thì khác. Trong 1 thập kỷ qua, chỉ có 3 cầu thủ Anh thực sự tận hưởng niềm vui ở nước ngoài. Steve Mcmanaman và David Beckham giành một số danh hiệu với Real Madrid. Owen Hargreaves gây dựng tên tuổi trong màu áo Bayen Munich.
Ngôi sao ra đi, Ligue 1 là giải yếu nhất trong 5 giải hàng đầu của châu Âu. Premier League thì ngược lại, trở nên hùng mạnh từ luật Bosman. Vòng tứ kết Champions League mùa này, khi Ligue 1 không có đại diện nào thì Premier League chiếm đến 50%. Đó là lý do cầu thủ Anh không muốn rời khỏi đảo quốc sương mù. Premier League là giải đấu được quan tâm nhất thế giới, các đội bóng ngày càng thành công tại đấu trường châu Âu, lương cầu thủ cao nhất. Văn hóa, đời sống theo phong cách pop là một lý do khác giữ chân người Anh.
Người Anh ở đâu?
Một câu hỏi: Tại sao Italia vẫn VĐ World Cup 2006 khi mà ĐT của họ gồm toàn cầu thủ lúc bấy giờ đang thi đấu ở Serie A? Cần hiểu rằng, dù không ra nước ngoài cầu thủ Anh không hề thống trị Premier League.
Gần 60% cầu thủ ở Premier League là lính lê dương. Ngay cả con số thống kê ấy vẫn chưa lột tả được sự yếu thế của người Anh ngay trên mảnh đất quê nhà. Trong 10 chân sút hàng đầu của Premier League mùa này (C.Ronaldo, Torres, Adebayor, Keane, Santa Cruz, Berbatov, Beniani, Yakubu, Anelka và Tevez), không có ai là người Anh. Mùa thứ 2 liên tiếp, M.U bay cao trên đôi chân của Ronaldo. Chân sút số 1 của Chelsea mùa trước là Drogba. Torres chứ không phải Gerrard là cầu thủ có ảnh hưởng nhất ở Liverpool. Khi Arsenal đánh bại Milan ở San Siro, Theo Wacott là cầu thủ Anh duy nhất có mặt. Đó là tính ở nhóm Tứ đại gia. Mở rộng hơn, Tottenham chấm dứt cơn khát danh hiệu với chức VĐ Carling Cup nhờ sự tỏa sáng của linh hồn Berbatov. Portsmouth, ƯCV số 1 cho chức VĐ cúp FA, trở nên yếu ớt hẳn khi các cầu thủ châu Phi đi dự CAN. Những trụ cột của Everton, đội bóng đang cạnh tranh suất dự Champions League với Liverpool, là tiền đạo Yakubu và cặp tiền vệ Arteta - Cahill.
Hầu hết các tuyển thủ Anh đều có phần yếu thế ở CLB
Sau khi người Anh chìm trong thảm họa không thể vượt qua VL EURO 2008, giới truyền thông và giới chuyên gia đều cho rằng nguyên nhân sâu xa xuất phát từ tình trạng cạn kiệt tài năng. Các tờ báo uy tín như Times, Telegraph. . . từng chạy loạt bài về tình trạng chất lượng xuống cấp của những lò đào tạo tài năng trẻ. Điển hình nhất là West Ham, từng được mệnh danh là "Học viện bóng đá Anh" và cung cấp những Lampard, Joe Cole, Defoe, Rio Ferdinand, Carrick..., nhờ đến sự tỏa sáng của Tevez, Benayoun mới trụ hạng mùa trước. Lò đào tạo tài năng trẻ nổi tiếng nhất ở Anh bây giờ hiện thuộc quyền sở hữu của Arsenal. Chỉ có điều, những cậu bé đang luyện tập ở. Arsenal đều được đưa về từ nước ngoài.
Trước tình trạng ấy, FA buộc phải lên kế hoạch xây dựng 1 trung tâm đào tạo của riêng họ, với chi phí cho 5 năm lên đến 200 triệu 1 bảng. Thực ra, FFF (Liên đoàn bóng đá Pháp) đã xây dựng trung 1 tâm ấy từ lâu lắm rồi, tại Clairetontaine. Nhưng đó chỉ là trung tâm. Khắp nước pháp có đến 9 "tiểu Clairefontaine". Mới nhất là ở Reunion, một hòn đảo có dân số vỏn vẹn 793 nghìn người. Những trung tâm ấy được phân ra nhiều lứa tuổi khác nhau, mà nhỏ nhất là 5 tuổi. Theo thống kê, từ 75 đến 80% cậu bé đã khoác áo các đội bóng chuyên nghiệp sau khi rời các trung tâm.
Cuộc sống không cho ai tất cả. Người Anh có Premier League, có tiền, có danh tiếng nhưng ĐTQG vẫn là nỗi đau. Dù Ligue 1 quá nhỏ bé, người Pháp có quyền ngẩng cao đầu trước những người láng giềng bên kia eo biển Manche khi bước vào Stade de France đêm nay.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)