“Dấu vết bộ tứ” là tên một truyện trinh thám của nhà văn Conan Doyle nhưng ở đây không nói đến câu chuyện ấy mà nói đến “bộ tứ” HLV của U-23 VN gồm các ông Riedl, Mai Đức Chung, Phạm Văn Hùng và Trần Công Minh.
Họ đã để lại những “dấu vết” gì trong trận U23 VN-U23 Singapore? Câu trả lời là: chẳng để lại gì cả.
Một trận đấu nhạt nhẽo, vô hồn, chẳng thể hiện được bao nhiêu khả năng vốn có của cầu thủ lẫn tập thể, cũng chẳng nói được “quá khứ” lẫn “tương lai” của U-23 VN. Người hâm mộ không thấy bàn tay của “bộ tứ” thò vào lối chơi của đội tuyển để nó là… nó. Lối chơi Singapore vẫn thế: ưa thể lực, phòng ngự chặt, tấn công thiên về bóng dài rồi tạt vào trong cho tiền đạo đánh đầu. Nó như một thứ “quốc bảo” của người Sing và họ luôn trung thành với nó. Quá đơn giản, đơn giản đến mức trần trụi, nó vẫn giống như lối chơi cách đây 9 năm, khi ĐTQG Singapore lấy “vàng” ngay tại Hà Nội, ở Tiger Cup 1998. Ông Riedl, ông Mai Đức Chung thường xuyên ra rìa sân la hét các học trò nhưng mọi chuyện đâu vẫn hoàn đấy. Phải chăng đấu pháp của họ chỉ có 1 phương án mà nội dung là… ta thắng địch thua, khi gặp khó thì không thể thay đổi vì phương án 2 không được chuẩn bị và vì thế dù có được… mách nước, cầu thủ cũng không thể thích ứng. Đấu pháp của ông không cần phải điều chỉnh, kể cả khi đội bóng của ông chỉ đá với 10 người. Đúng là một đấu pháp toàn năng (!?)U-23 VN đã chơi kém cỏi trong trận thua U-23 Singapore. Ảnh: VTC
Trợ lý HLV Trần Công Minh đã rời đại bản doanh của U-23 VN đến bảng A để theo dõi trận Singapore – Lào. Những ghi chép của người trợ lý trẻ này là nguyên liệu để ông Riedl làm đấu pháp.
Không biết những ghi chép này chính xác đến đâu, có nắm được cốt lõi của lối chơi cũng như lực lượng của đội bóng đảo quốc sư tử không nhưng qua những gì U-23 VN đã phô diễn thì rõ ràng là những “nguyên liệu” ấy đã không phục vụ cho một đấu pháp hợp lý, sát thực tế hoặc người sử dụng nó đã hiểu sai.
Ấy vậy nhưng “nạn nhân Riedl” vẫn không… thuộc bài học ấy, cách chơi của U-23 VN dường như không có “điểm chốt”, các tuyển thủ vẫn không sao khống chế được các đường chuyền dài ấy, dẫu có đến 4 hậu vệ nhưng vẫn khốn đốn với 2 tiền đạo đối phương. Nó chứng tỏ cách chuẩn bị cho trận đấu của “bộ tứ” là không đạt yêu cầu.Dấu ấn đấu pháp, chiến thuật, sự thích ứng... của BHL, đứng đầu là ông Riedl, trong trận thua U-23 Singapore đã không hiện hữu?
“Đội bóng của các bạn vẫn thế”, câu nói của HLV đội Iraq ở Asian Cup 2007 bây giờ lại được ông HLV trưởng Avramovic của U-23 Singapore nhắc lại tại cuộc họp báo sau trận đấu. Không hiểu ông chê khéo Riedl hay chê những người đã chọn ông để gửi vàng.
Người Singapore tỏ ra thức thời hơn ông Riedl nhiều. Họ không chỉ biết mình mà còn biết người vì vậy mà ông Avramovic mới nói rằng ông không ngạc nhiên khi đội bóng của ông chiến thắng. Có khác chăng chỉ là ông không ngờ nó lại dễ dàng như vậy.
Dường như ông Avramovic đã hình dung ra trận đấu sẽ diễn tiến thế nào vì thế ông khá ung dung, kể cả khi đội U-23 Singapore bị đuổi 1 cầu thủ. Trái lại ông Riedl vẫn cứ… bình chân như vại trong tình cảnh nước sôi lửa bỏng. Thần kinh ông như trơ ra trước các kích thích cực mạnh chứ không phải ở mức độ nhạy cảm. Ông Riedl luôn từ hòa đến thua trong các cuộc đấu trí với ông Avramovic
Có thể nói về phương diện người ngồi ghế HLV, ông Avramovic tỏ ra cao tay hơn ông Riedl. Nếu ông Avramovic ngồi chiếc ghế của Riedl thì sao nhỉ? Chắc là U-23 VN đã có vé vào bán kết rồi.
“Dấu vết bộ tứ” nói thế là khá chung chung, cần phải chỉ thẳng ra là “dấu vết” của HLV trưởng ở trận đấu quá mờ nhạt bởi ông mới là người có quyền ra các mệnh lệnh, các chỉ dẫn về cách đá cho các cầu thủ, Trợ lý - HLV phó Mai Đức Chung chỉ là người… ăn theo. Thế nhưng ông Riedl vẫn không nhận là mình sai mà chỉ một mực đổ cho sai lầm của học trò.
Chẳng bao giờ ông thầy dám nhận lỗi về mình, U-23VN sẽ còn… lãnh đủ. Đây là “bệnh” của Riedl, nó đã trở thành mãn tính. Chính vì thế không ít người sau trận đấu “lịch sử” này đã đặt dấu hỏi về khả năng “tại vị” của ông trên chiếc ghế HLV trưởng của ĐTQG và U-23 QG.
(Theo VTC)