Cựu chủ tịch lừng danh của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã từ trần ở tuổi 89 tại bệnh viện Quiron, Barcelona (Tây Ban Nha) sau khi ông phải nhập viện cuối tuần trước.
Ông Samaranch đã phải nằm viện từ ngày chủ nhật (18/4) tại quê nhà Barcelona để điều trị bệnh tim. Theo kết luận của bác sĩ, ông qua đời chiều thứ tư vì bị suy tim hô hấp.
Ông Samaranch từng được coi là người có nhiều quyền lực nhất trong làng thể thao thế giới khi còn đương chức chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế từ năm 1980 đến 2001. Khoảng thời gian đó ông đã góp phần thúc đẩy quá trình thương mại hóa các kỳ Thế vận hội và giúp phong trào Olympic được phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới.
Đương kim Chủ tịch IOC, Jacques Rogge nghẹn ngào khi biết tin: “Tôi không tìm được từ nào để diễn tả sự đau khổ của đại gia đình Olympic thế giới. Trong sâu thẳm tim mình, tôi hết sức đau buồn trước cái chết của người đưa Thế vận hội lên tầm cao mới trong thời kỳ hiện đại, ông đã dìu dắt tôi và truyền cho tôi sự yêu mến thể thao chân chính”.Ông Samaranch (trái) chúc mừng Jacques Rogge trong ngày được bầu làm tân chủ tịch IOC hồi 7/2001
Ông Rogge cũng nhấn mạnh công lao to lớn của người tiền nhiệm: “Với tài năng phi thường và tầm nhìn của mình, ông đã xây dựng và thống nhất phong trào Olympic. Tôi xin tỏ lòng tôn kính trước những thành tựu và di sản mà ông để lại cho hậu thế, tôi ngưỡng mộ sự tận tâm của ông đối với gia đình Olympic thế giới. Chúng ta vừa mất một người đàn ông vĩ đại, một người cố vấn và một người bạn đã dành toàn bộ cuộc đời mình cho phong trào Olympic”.
Sinh ra tại Barcelona vào ngày 17/7/1920, Samaranch đã rất thành công khi còn là một vận động viên hockey trên băng và từng cùng đội tuyển Tây Ban Nha tranh ngôi vô địch thế giới.
Ông cũng là người có khả năng nhạy bén về chính trị và đã giữ chức vụ trong chính quyền ở Tây Ban Nha vào thập kỷ 50, 60. Trong thời gian hoạt động chính trị, Juan Antonio Samaranch cũng chiếm được lòng tin của Ủy ban Olympic Tây Ban Nha và điều đó đã mở đường để ông trở thành một thành viên của IOC vào năm 1966. Sau khi chế độ độc tài Franco ở Tây Ban Nha được thay bằng chế độ dân chủ, năm 1977 ông được bổ nhiệm làm đại sứ đầu tiên của Tây Ban Nha tại Liên Xô. Đây là một sự thay đổi có tính chất quyết định và mở ra cơ hội để ông Samaranch thực hiện ước mơ trở thành chủ tịch IOC.
Những cuộc tranh cãi và chia rẽ chính trị tại Olympic Moscow 1980 đã dẫn tới việc ông Kilannin phải rút lui khỏi vị trí chủ tịch IOC. Samaranch đã ra tranh cử và thành công ngay từ vòng bỏ phiếu đầu tiên với 47 phiếu thuận, chiếm đa số. Lúc này, IOC phải đối mặt với những vấn đề hết sức khó khăn. Ngân quỹ của IOC khi đó chỉ còn không đầy 500.000 USD và phải đối mặt với vụ chia rẽ nghiêm trọng tại Thế vận hội Los Angeles 1984. Samaranch không thể làm gì trước vụ việc đó, nhưng có hai sự kiện đã làm thay đổi số phận của IOC. Olympic Los Angeles đã mang về một khoản thu lớn, mở đầu cho chu kỳ thành công của các kỳ Olympic trong tương lai. Cuộc gặp mặt với Horst Dassler, người thừa kế hãng sản xuất dụng cụ thể thao Adidas, đã mở ra một chiến lược phân phối bản quyền truyền hình và tiếp thị mang lại lợi nhuận lớn cho các kỳ Olympic.
Ông Samaranch thôi đảm nhiệm cương vị chủ tịch IOC vào năm 2001, sau 21 năm giữ chức vụ này. Chỉ Pierre de Coubertin, "cha đẻ" của Thế vận hội hiện đại và là chủ tịch IOC từ năm 1896 đến 1925, là người được giữ cương vị chủ tịch IOC lâu hơn Samaranch. Sau khi về hưu, ông đã tích cực tham gia hỗ trợ chiến dịch vận động tổ chức Olympic 2012 tại Madrid nhưng thất bại. Sức khỏe đã bị suy giảm nhiều trong những năm gần đây, nhưng ngài Samaranch vẫn tiếp tục tham dự các cuộc họp của IOC trên toàn thế giới. Mới đây trong tháng 2 năm nay ông đã đến theo dõi Thế vận hội mùa đông tại Vancouver (Canada) cho dù phải di chuyển với sự giúp đỡ của một nữ trợ lý.
(Theo Vnexpress)