Tiếp tục những quả phạt đền rơi xuống đầu Milan trong khi Juve không thể có chúng. Số phận trái ngược sau Calciopoli của 2 đội bóng từng một thời là đồng minh thân thiết trong một mùa bóng mà cả 2 tiêu diệt lẫn nhau để giúp Inter đoạt Scudetto.
Có 1 chi tiết đáng chú ý ở vòng 33: tại San Siro, Cassani chỉ cần chạm nhẹ vào chân Ambrosini trong vòng cấm là trọng tài Rizzoli đã cho Milan được hưởng 1 quả penalty, trong khi đó, ở Reggio Calabria, Cirillo đã đốn không thương tiếc Del Piero trong cấm địa nhưng Saccani vẫn lờ đi và từ chối cho Juve hưởng phạt đền trước Reggina, khiến Juve không thể thắng được đội cuối bảng và đành nhường vị trí thứ 2 cho Milan. Trong một mùa bóng mà Juve phải kêu than về việc các trọng tài đang quá khắt khe với họ mà Milan được hưởng đến 12 quả phạt đền, kỉ lục chưa từng có trong lịch sử Milan nửa thế kỉ nay (trung bình chưa đến 3 vòng đấu lại được hưởng 1 quả, 10/12 quả thực hiện thành công và chưa lần nào Milan bị thổi penalty ở sân nhà) thì dường như người ta đang làm tất cả để đội bóng của ngài thủ tướng Italia không mất mặt như mùa bóng đã qua.
AC Milan ăn mừng thắng lợi 3-1 trước Palermo |
Số penalty mà Milan được hưởng mùa này gấp đôi của Genoa, Juve và Roma, gấp 3 lần Inter và Fiorentina, gấp 4 lần Palermo, Cagliari và Napoli. Chủ tịch Palermo Zamparini, nạn nhân khốn khổ của các trọng tài khi chịu đến 4 quả phạt đền trong 2 trận đấu với Milan mùa này tuyên bố: “Khi họ không được thổi phạt đền, họ kêu la ầm ỹ. Khi họ được cả serie phạt đền, báo chí im lặng. Tại sao?”. Câu trả lời quá đơn giản: 1) Zamparini là kẻ thù của Galliani, 2) Hầu hết báo chí Italia nằm trong tay Berlusconi.
Nhưng những quả penalty đã từng đến một cách cấp tập vào tháng 10 và 11/2008 để đưa Milan lên ngôi đầu bảng khác với những quả penalty bây giờ: không có chúng, Milan vẫn có thể chiến thắng với một nhịp độ đầy ấn tượng. Họ đã thắng 6/7 trận gần nhất, trong đó có 4 chiến thắng liên tiếp, ghi tổng cộng 19 bàn trong thời gian đó (10 của Inzaghi), đang là đội ghi nhiều bàn thắng nhất Serie A với 62 bàn và chỉ trong 3 tuần, đã vượt Juve và rút ngắn cách biệt với Inter từ 14 xuống còn 7 điểm. Những quả phạt đền cũng không phải là lí do duy nhất ngăn cản Juve tiến về phía trước.
Mùa bóng này chứng kiến một Juve bất ổn với 3 chu kì khủng hoảng: tháng 10/2008, cuối tháng 1/2009 và hiện tại, với cuộc khủng hoảng bây giờ là kinh khủng nhất, vì nó xảy ra vào cuối mùa, khi mọi sai lầm không thể sửa chữa được nữa. Ranieri không còn kiểm soát được tình hình, Amauri quên cách ghi bàn thắng, Trezeguet gầm rít trên ghế dự bị, đội ngũ tiếp tục tan nát bởi những chấn thương liên tiếp mà Ranieri giải thích là do Juve phải đá sơ loại Champions League (chấn thương của Marchisio trước Reggina là lượt chấn thương thứ 66 của Juve mùa này, một kỉ lục). Sự tan chảy của hàng phòng ngự thép, với một Buffon không còn khả năng làm nên những điều thần kì và sự căng thẳng tột độ đã khiến Juve thủng lưới đến 11 bàn/6 trận gần nhất (với 4 trận liên tiếp không thắng, trong đó có 2 trận hòa các đội cuối bảng) và mất vị trí thứ 2 vào tay Milan.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)