Thắng dễ, thua cũng dễ
4 bàn thắng ghi được trong 1 trận đấu ở VCK EURO quả là ấn tượng. Nhưng hãy điểm lại đôi chút thì sẽ thấy nó được ghi dễ như thế nào.
Bàn thứ nhất: Torres dễ dàng chiến thắng trong cuộc đấu tay đôi với hậu vệ Nga (không có người bọc lót) rồi chuyền ra cho Villa lướt tới đệm lòng vào lưới trống.
Bàn thứ 2: Phòng ngự tuyến hai của Nga bịt không kín, để Iniesta dễ dàng thực hiện đường chọc khe, còn Villa lướt xuống trong khi các hậu vệ Nga còn đang mải… ngắm trăng để sút bóng qua chân thủ môn.
ĐT Tây Ban Nha: Vô địch ư! Còn lâu
Bàn thứ 3: Lần này là Villa đón nhận đường chọc khe của Fabregas, dễ dàng chiến thắng trong cuộc chiến tay đôi với hậu vệ Nga sau 2 cú đảo người (vẫn không có người bọc lót) rồi hạ thủ môn đối phương.
Nhưng họ cũng đã để thủng lưới 1 bàn, và 2 lần khác nhờ đến xà ngang, cột dọc cứu thua. Cũng với 3 kịch bản khác nhau.
Lần 1 để đối phương xuống biên một cách dễ dàng, và hàng thủ bị vặn sườn, rối loạn cũng dễ dàng, để cầu thủ Nga đặt lòng dội cột dọc
Lần 2 sau khi chống đỡ quả sút phạt rất mạnh của Pavlyuchenko, hệ thống phòng thủ Tây Ban Nha đờ đẫn đón nhận cú sút bồi của chính cầu thủ này, bóng dội xà ngang.
Lần 3 các cầu thủ Tây Ban Nha không làm gì cả, khi một cầu thủ Nga đánh đầu chiến thuật cho Pavlyuchenko đánh đầu nối ghi bàn.
Có thể kết luận: Tây Ban Nha yếu khi bị khoét vào nách trái, và gần như liệt kháng trước các tình huống cố định được tổ chức tốt của đối phương.
Chịu sức ép kém, thiếu thủ lĩnh
Nga không phải là đội bóng giỏi áp đặt lối chơi, nhưng trong rất nhiều khoảng thời gian ở hiệp 1, họ đã tạo được thế trận lấn lướt trước Tây Ban Nha, khiến hàng thủ của đội bò tót đã có nhiều dấu hiệu rối loạn. Chính HLV Aragones sau trận đấu đã phải thừa nhận hiệp 1 là khoảng thời gian khó khăn cho Tây Ban Nha, và họ đã gặp may khi có bàn thắng thứ 2 đúng lúc, khiến tinh thần của Nga sa sút hẳn.
Có thể, Tây Ban Nha sẽ không gặp những khó khăn lớn hơn thế ở vòng bảng: Thuỵ Điển và Hy Lạp không phải là những đội có khả năng gây sức ép để đo lường khả năng chịu sức ép của đội bóng này. Nhưng họ đều là những đội bóng có tổ chức tốt, sẽ là phép thử cho khả năng tấn công của Tây Ban Nha. Ph ải đến vòng tứ kết trở đi, khi họ phải chống lại những đội bóng có khả năng gây sức ép tốt hơn hẳn như Hà Lan, Pháp, hay kể cả Italia thì nhược điểm trên mới bộc lộ căn bản.
Trận đấu với Nga cũng bộc lộ một điều vốn đã được dự đoán: Tây Ban Nha thiếu thủ lĩnh, dù có nhiều cầu thủ giỏi. Về tư chất, lẽ ra Fabregas hoặc Puyol xứng đáng để trao vai trò đó, nhưng họ đã không làm, càng làm dấy lên lo ngại tính bè phái giữa những câu lạc bộ thù địch hay với những địa phương có truyền thống ly khai.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)