Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Copa America: Đôi chân không "nghe" cái đầu

Thứ Năm 28/06/2007 16:52(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Copa America 2007 mới qua 2 ngày thi đấu và có lẽ còn hơi sớm để kết luận rằng các cầu thủ ngôi sao Nam Mỹ đã bị đốt hết năng lượng tại các giải vô địch quốc gia khắc nghiệt ở châu Âu. Nhưng hai thất bại bạc nhược của Uruguay và Brazil là những lời cảnh báo không thể xem thường.

Brazil và Uruguay là 2 đội bóng được đánh giá là mạnh thứ hai và thứ ba tại Copa America năm nay, chỉ sau Argentina, và hiển nhiên là được coi là mạnh hơn nhiều so với Mexico và Peru.

Nhưng ở ngày thi đấu đầu tiên của Copa America, Celeste - Uruguay bị Peru cho đo ván đến 3 bàn không gỡ trong một trận đấu mà họ chỉ tung được tổng cộng 6 cú sút về khung thành của đối phương và chỉ có 1/2 trong số đó đi trúng đích (nhưng không thành công).

Nỗi thất vọng mang tên Selecao

Ngày thi đấu thứ hai, Brazil bị Mexico đánh bại chỉ sau 30 phút thi đấu bằng hai pha ghi bàn cực kỳ kỹ thuật mà nếu cầu thủ ghi bàn không khoác trên mình chiếc áo Tricolores của Mexico thì nhiều người đã nghĩ họ là cầu thủ Brazil.

Lý giải sao đây về hai màn trình diễn quá đáng thất vọng của hai đội bóng từng tổng cộng 21 lần vô địch Copa America và 7 lần vô địch thế giới này? Họ thua vì thiếu cầu thủ giỏi? thiếu động lực thi đấu? Hay là vì một điều gì khác?

Không thiếu ngôi sao, không thiếu động lực

Nhìn vào danh sách 22 cầu thủ mà Brazil và Uruguay mang đến Copa America, có thể khẳng định cả hai đội bóng lớn của Nam Mỹ này đều tham dự giải với một thái độ nghiêm túc và một mục tiêu rất rõ ràng là giành chức vô địch.

Uruguay có nhiều động lực để chơi tốt tại Copa America bởi đang trong quá trình tái thiết đội bóng từ sau thất bại trước Australia tại trận play-off vòng loại World Cup 2006.

Celeste (biệt danh của Uruguay) có 1 HLV mới từ sau thất bại đó - Washington Tabarez, một trong số ít ỏi những HLV Nam Mỹ từng dẫn dắt những đội bóng hàng đầu châu Âu (AC Milan), và có một lộ trình được thiết kế và tài trợ chu đáo với mục tiêu đưa Uruguay tham dự vòng chung kết World Cup 2010 tại Nam Phi.

Sự quyết tâm của Uruguay thể hiện trong hơn 1 năm Tabarez nắm quyền vừa qua khi số cầu thủ ông gọi vào đội tuyển để chơi 7 trận giao hữu chưa vượt quá con số 25 người vì mục đích của Tabarez là xây dựng một đội ngũ cầu thủ đoàn kết và ổn định trong nhiều năm tới.

ĐT Uruguay gọi đầy đủ các hảo thủ tốt nhất như Forlan

Đến với Copa America năm nay, Uruguay triệu tập 22 cầu thủ được báo chí nước này đánh giá là thế hệ tài năng không kém so với thời còn những Paolo Montero, Oliveira cách đây chừng 5 năm. Trong số này, có đến 14 cầu thủ đang chơi bóng tại các giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu như La Liga, Serie A hay Bundesliga. Tất cả những cái tên nổi bật nhất như Alvaro Recoba, Diego Forlan hay Carlos Diogo... đều góp mặt.

Về phần mình, Brazil dù đến Venezuela mà thiếu vắng hai ngôi sao sáng nhất là Ronaldinho và Kaka nhưng những cái tên còn lại cũng đủ là mơ ước của bất cứ một đội bóng nào: Robinho, Gilberto Silva, Daniel Alves, Alex, Diego... Bên cạnh Ronaldinho và Kaka, đây được xem là những cầu thủ giỏi nhất của bóng đá Brazil hiện nay.

Động lực thi đấu của Brazil cũng là điều không cần bàn cãi bởi tân HLV Carlos Dunga nổi tiếng là một người ''máu lửa'' với phương châm tuyển chọn cầu thủ trước hết phải  là ''hết lòng cống hiến vì màu cờ sắc áo bất cứ thời điểm nào'' rồi mới đến chuyên môn. Không có chuyện một cầu thủ được Dunga chọn vào Selecao lại thi đấu một cách hời hợt bởi điều đó đồng nghĩa với việc anh ta sẽ không có cơ hội khoác chiếc áo Vàng - Xanh lần thứ hai.

Nhiều ngôi sao như thế, có động lực lớn thế, nhưng sao Brazil và Uruguay vẫn thảm bại?

Hội chứng ''Burn-out''

''Burn-out'' là một thuật ngữ y khoa để chỉ trạng thái một người nào đó rơi vào tình trạng quá tải trong một thời gian dài và dẫn đến kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần. Sẽ chẳng có gì liên quan đến bóng đá nếu các cầu thủ ngày nay không ngày một mệt mỏi vì lịch thi đấu triền miên và rơi vào tình trạng năng lượng bị đốt cháy.

Không ai biết chính xác ''burn-out'' lần đầu được nhắc đến trong bóng đá là khi nào nhưng đỉnh điểm của nó là tại World Cup 2002. Đó là một giải đấu ác mộng với những đội bóng lớn như Pháp, Argentina, Italia khi các ngôi sao lớn của họ-  Zidane, Veron, Maldini... sớm gục ngã và kiệt sức vì những chấn thương sau một mùa giải quá vất vả ở châu Âu.

Uruguay không đủ thể lực để cạnh tranh được với Peru

''Burn-out'' là ám ảnh của các ĐTQG mỗi khi có những giải đấu trong mùa hè bởi đó là quãng thời gian mà cầu thủ vừa kết thúc một mùa bóng trong màu áo CLB, bao nhiêu năng lượng đã bị đốt hết trong các trận đấu liên miên ở giải VĐQG, Cúp QG và cúp châu Âu.

Đó cũng là khoảng thời gian duy nhất trong năm để các cầu thủ ''sạc lại pin'' nên về mặt tinh thần, rất khó yêu cầu một cầu thủ phải chơi hết sức lực của anh ta, trừ khi có những động lực thật đặc biệt.

Ngày hôm qua và ngày hôm nay, các cầu thủ Uruguay và Brazil dường như chưa có cái ''đặc biệt'' đó. Trước Peru, Uruguay tung ra sân đội hình có đến 9/11 cầu thủ đang chơi bóng ở châu Âu (5 ở La Liga) và hệ quả là Uruguay chơi thứ bóng đá chậm đến mức có cảm giác là họ đi bộ trên sân, trừ 15 phút đầu hiệp 2.

Diego Forlan, ứng cử viên hàng đầu cho danh hiệu Vua phá lưới Copa America, người ghi 10 bàn trong 10 trận đấu cuối của Villlarreal tại La Liga, thậm chí còn không sút nổi một cú sút trúng khung thành Peru. Đơn giản là La Liga mới kết thúc cách đó có 10 ngày và ngay sau đó Forlan còn phải vượt Đại Tây Dương để về nước chơi 1 trận giao hữu của Uruguay trước khi bay sang Venezuela.

Trước Mexico, các cầu thủ danh tiếng của Brazil không đến nỗi bạc nhược như Uruguay nhưng những bước chạy của Gilberto Silva, Diego... cũng không giấu được sự mệt mỏi. Sự suy yếu về thể lực dẫn đến kém sắc sảo của Brazil không đến một cách đồng bộ như Uruguay nhưng lại xảy ra ở những vị trí chủ chốt nhất như Gilberto Silva, Juan (trung vệ) và phần nào là cả thủ môn Doni.

Trước một Mexico chơi kỹ thuật và có tổ chức, Brazil rơi vào thế bế tắc bởi sự nhiệt tình xông xáo của các cầu thủ trẻ như Robinho, Anderson hay Alves không thể bù đắp được phần đuối hụt của cầu thủ kinh nghiệm như Silva, Alex hay Juan, những người mà thể lực không cho phép họ chơi đúng với đẳng cấp của mình. Kết quả là những ngôi sao trẻ của Brazil chỉ biết cách đi bóng lắt nhắt và thiếu tỉnh táo trong vòng vây chặt chẽ của Mexico.

Một thống kê tại các giải VĐQG hàng đầu châu Âu cho thấy, một cầu thủ nếu là thành viên của ĐTQG thì thường phải chơi trung bình gần 70 trận trong 1 năm, tức là mỗi tháng phải chơi gần 6 trận, tức là trung bình cứ 2 tuần/ 3 trận.

Gilberto đã chứng tỏ dấu hiệu của sự quá tải

Đơn cử một ví dụ như Gilberto Silva. Mùa bóng vừa qua, tiền vệ trụ người Brazil chơi khoảng 55 trận cho Arsenal tại giải Ngoại hạng, Cúp FA, Cúp Liên đoàn và Champions League. Cộng thêm 5 trận giao hữu cùng ĐT Brazil nữa là 60 trận. Nếu Brazil lọt vào chung kết Copa America năm nay, Silva sẽ chơi thêm 7 trận nữa là 67 trận.

Chỉ 1 tuần sau khi Copa America kết thúc, Silva đã lại phải về tập trung cùng Arsenal chuẩn bị cho mùa bóng mới sẽ khai mạc rất sớm vào ngày 11/8/2007. Tóm lại, đội trưởng ĐT Brazil sẽ chỉ có 1 tuần để phục hồi thể lực sau khi chơi bóng gần như liên tục trong 2 năm qua. Thử hỏi, liệu có liều thần dược nào có thể giúp Silva chơi với phong độ tốt nhất của mình?

Đáng buồn và đáng lo ngại là những người như Silva không phải ngoại lệ, nếu không muốn nói là rất phổ biển và sự thật hiển nhiên là đội bóng nào càng nhiều sao thì nỗi sợ hãi ''burn-out'' càng lớn.

Đã rất lâu rồi Copa America mới lại quy tụ được một dàn cầu thủ chất lượng như giải đấu năm nay nhưng nghịch lý cho đến lúc này là càng ''chất lượng'' thì càng dễ thua, như Uruguay trước Peru, như Brazil trước Mexico hay cả như Ecuador trước Chile.

Sẽ thật khó để đánh giá rằng đó là điều tốt cho bóng đá (bởi tính bất ngờ) hay đó là điều đáng buồn. Chỉ có một thực tế rằng không ai trông đợi những ngôi sao như Silva, Robinho, Forlan... lại chơi bóng một cách mờ nhạt để rồi sớm xách vali về nước.

Ngày mai, mọi con mắt sẽ đổ dồn vào Argentina, đội bóng nhiều sao nhất và đương nhiên cũng là nơi tiềm ẩn nguy cơ ''burn-out'' lớn nhất. Liệu những Messi, Tevez, Crespo... có tỏa sáng được như mong đợi hay Copa America ngày thứ 3 lại phải chứng kiến những bất ngờ buồn.

''Burn-out'' hay không, giờ đây đã là yếu tố quyết định thành bại của Copa America!

(Theo VTC)

Có thể bạn quan tâm

Hành trình khẳng định mình trên thị trường sim số đẹp của Trần Thu Hiền

Hành trình khẳng định mình trên thị trường sim số đẹp của Trần Thu Hiền

Hành trình khẳng định mình trên thị trường sim số đẹp của Trần Thu Hiền

Trong một thị trường sim số đẹp cạnh tranh khốc liệt, làm thế nào để một cá nhân có thể tạo dựng được thương hiệu riêng và khẳng định vị thế của mình? Đó là câu hỏi mà nhiều người kinh doanh sim số đẹp, đặc biệt là những người mới bắt đầu, luôn trăn trở. Và câu trả lời có thể đến từ chính hành trình khởi nghiệp đầy thú vị của chị Trần Thu Hiền.

Tiger - Bia chính thức của Câu lạc bộ Bóng đá Manchester United

Tiger - Bia chính thức của Câu lạc bộ Bóng đá Manchester United

Tiger - Bia chính thức của Câu lạc bộ Bóng đá Manchester United

Tiger® Beer - thương hiệu bia cao cấp hàng đầu thế giới vừa trở thành bia chính thức của Câu lạc bộ Bóng đá Manchester United. Đây là sự kết hợp giữa thương hiệu bia bản lĩnh rạng danh trên toàn thế giới và một trong những câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng và thành công nhất trên toàn cầu, nhằm nâng tầm trải nghiệm và tăng cường gắn kết cho người hâm mộ khắp thế giới.

Gary O'Neil trước áp lực mùa giải: Những bước đi cần thiết để giành sự sống còn

Gary O'Neil trước áp lực mùa giải: Những bước đi cần thiết để giành sự sống còn

Gary O'Neil trước áp lực mùa giải: Những bước đi cần thiết để giành sự sống còn

Trong tháng 9/2024, Wolverhampton Wanderers (Wolves) đã phải đối mặt với nhiều thử thách lớn tại Premier League. Mặc dù không đạt được những kết quả tốt nhất, đội vẫn có những màn trình diễn đáng chú ý từ các cầu thủ chủ chốt.

Xem thêm
top-arrow
X