Quyết định kỳ lạ của chủ tịch CLB Lecce chỉ là một dẫn chứng tiêu biểu cho “làng chủ tịch” rất đa dạng và kỳ lạ ở Calcio.
Họ là những người đưa ra quyết định cuối cùng về đội bóng của mình, từ chuyện ký hợp đồng mua cầu thủ mới đến chuyện chỉnh trang, nâng cấp sân bãi. Có người gắn bó với CLB hàng chục năm, thậm chí từ đời bố đến đời con. Có người chỉ muốn đánh nhanh rút gọn, làm một cú kinh doanh chớp nhoáng rồi chuyển hướng đầu tư sang ngành khác. Có người được giới hâm mộ yêu quý, có người bị nguyền rủa. Nói chung, họ rất đa dạng.
Nhờ Berlusconi, Milan có được thành công và cũng nhờ Milan, Berlusconi bước lên đỉnh cao của vũ đài chính trị
Họ chính là các ông chủ CLB ở Calcio. Ở đâu và trong lĩnh vực nào cũng vậy. Nhưng ở Calcio, có lẽ các ông chủ CLB mang nhiều sắc thái nhất, được nói đến nhiều nhất. Tại Đức, Pháp, TBN, ít khi chủ tịch CLB là đề tài chính trên các trang báo thể thao. Ở Anh cũng vậy, đến trước khi làn sóng các ông chủ nước ngoài như gia đình Glazer hoặc Abramovich tràn đến. Nhưng dù dân Anh ngày nay đều biết Malcolm Glazer hoặc Roman Abramovich là ai, đề tài về họ cũng không trực tiếp liên quan đến chuyện bóng đá như các ông chủ ở Calcio. Cùng lắm, báo chí Anh chỉ bình luận chuyện xung đột giữa các ông chủ Liverpool Tom Hicks và George Gillett với HLV Rafael Benitez, hoặc chuyện Mike Ashley có muốn bán Newcastle hay không, chứ không có chuyện các nhân vật ấy quyết định chiến thuật, chiến lược của CLB. Họ không thể chỉ đạo “một tiền vệ công đứng sau cặp tiền đạo”, như Silvio Berlusconi từng làm ở AC Milan.
Sẽ là thiếu sót khi nói về các ông chủ ở Calcio mà lại không nhắc đến Silvio Berlusconi, ông chủ AC Milan từ năm 1986. Cứ mỗi khi chuẩn bị tranh cử thủ tướng Italia thì y như rằng, Berlusconi trở thành trung tâm chú ý ở Serie A. Nào là những phát biểu đầy tính chuyên môn, cứ như nếu không có ý kiến của Berlusconi thì Milan khó mà thành công. Chuyện Berlusconi tự quảng cáo để gặt hái phiếu bầu, ai mà chẳng biết, nhưng xét cho cùng thì cũng vô thưởng vô phạt. Trớ trêu ở chỗ: khi Berlusconi đắc cử thủ tướng Italia thì để khách quan, người ta không yêu cầu ông từ bỏ 3 kênh truyền hình cùng tập đoàn truyền thông của ông, mà chỉ yêu cầu rời ghế chủ tịch Milan, trao lại toàn quyền điều hành cho phó chủ tịch Adriano Galliani!
Còn chuyện sa thải 28 HLV trong 17 năm (tức trung bình 1 HLV chỉ tồn tại trong 6 tháng, vì mùa bóng chỉ có 9 tháng), không ai qua được chủ tịch Massimo Cellino của Cagliari. Giữ chức chủ tịch từ năm 1991, Cellino trở thành một trong những chủ tịch CLB tham vọng nhất nhưng cũng khó ưa nhất ở Calcio. Ông không bao giờ thỏa mãn điều gì. Tháng 12/2007, Davide Ballardini đến Cagliari cầm quân, khi đội bóng đang nằm bẹp ở vị trí chót bảng. Ballardini đưa Cagliari lên đến vị trí thứ 14, trụ hạng an toàn. Thế nhưng, ông phải ra đi, nhường chỗ cho một HLV ít kinh nghiệm hơn là Massimiliano Allegri, đến từ Serie C1! Maurizio Zamparini của Palermo là một chủ tịch “quái chiêu” khác, cũng rất nổi tiếng về chuyện thay HLV bất ngờ. HLV Francesco Guidolin từng có câu nói nổi tiếng: “Với tôi, những gì Zamparini nói hễ chui vào tai này thì lại lọt ra tai kia”. Mới hôm trước, Zamparini nói rằng ông muốn có Alessandro Del Piero. Hôm sau, Zamparini lại bảo ông chẳng hề có ý định ấy.
Giới chuyên môn chỉ rõ: một HLV nước ngoài muốn thành công ở Calcio thì điều quan trọng đầu tiên là phải hiểu rõ về môi trường bóng đá Calcio, phải hiểu về sự đang dạng của giới chủ tịch CLB nước này!
Không hiểu gì?
Mùa giải năm ngoái tại Serie A có 3 CLB sa thải HLV đầu mùa rồi mời lại khi đội bóng gặp khó khăn ở cuối mùa. Cụ thể ngày 29/10/07, Livorno sa thải HLV Fernando Orsi để bổ nhiệm Giancarlo Camolese. Nhưng tới ngày 28/04/08 thì Livorno phải thỉnh cầu Orsi quay trở lại với hy vọng… đưa CLB trở lại hạng đấu cũ vào mùa sau (Livorno bị rớt xuống Serie B).
Ngày 26/11/07, chủ tịch Zamparini sa thải HLV Stefano Colantuono với thông điệp: “Không đủ trình độ dẫn dắt Palermo”! Tuy nhiên, chỉ 4 tháng sau ông chủ này lại nghĩ khác với việc mời Colantuono tái hồi cương vị.
Cũng ngày 26/11, CLB Empoli ra thông báo tống cổ HLV Luigi Cagni vì tội không hoàn thành nhiệm vụ. Khi ấy Serie A chưa đi hết nửa chặng đường và CLB này vẫn đang đứng giữa BXH. Nhưng rồi cũng như trường hợp của Colantuono, Luigi Cagni được đón rước trở lại 3 tháng sau đó và chiến lược gia này giúp Empoli trụ hạng thành công trong đường tơ, kẽ tóc.
Chỉ qua vài trường hợp tiêu biểu trên, chúng ta đủ thấy các ông chủ CLB ở Serie A thật phức tạp, khó hiểu trong suy nghĩ và cách hành xử.
(Theo Báo Bóng đá)