Cả thế giới đã ứa nước mắt với câu chuyện tình giữa Premiership và Tam sư, một sự kết hợp kệch cỡm, một “mối tình” đầy xung khắc. Premiership lộng lẫy thế nào thì ĐTQG của họ càng hời hợt, bệ rạc, dù họ vẫn dùng những con người như thế.
Kết quả cuối cùng mà cả thế giới nghiên cứu được là chính Premiership đã triệt tiêu ĐTQG để phục vụ cho lợi ích và sự hào nhoáng của nó. Và một mối quan hệ khăng khít giữa giải VĐQG, các CLB với ĐTQG trở thành một bài toán khó giải, đầy nghịch lý và sự bất công!
Đẳng cấp
Trong một năm Premiership thống trị tuyệt đối châu Âu thì cùng lúc đó ĐTQG của họ bị “giải thể”. Không có giải đấu của Vương quốc Anh như dự kiến, bởi LĐBĐ Anh thừa nhận, danh tiếng của ĐT Anh không thể địch nổi sức hấp dẫn của trận đấu giữa Áo và Ba Lan tại EURO. Vẫn những Lampard, Gerrard, Terry, Rooney... nhưng họ là những con người khác ở ĐTQG với những sự kết hợp chẳng đâu vào đâu. Vấn đề của họ là những ngôi sao Premiership đã quá quen với “cái tôi” quá lớn, và khi quá nhiều “cái tôi” cộng lại thì... chẳng có cái “chúng ta” nào cả. Điều đó được thể hiện rất rõ ở EURO lần này khi các giải đấu, những tập thể được coi là thành công đều không là gì ở EURO 2008 với quá nhiều cái tôi. Và đẳng cấp của giải VĐQG đã bị gạt sang một bên ở EURO!
Serie A thất bại tan nát. Ligue 1 tan nát với những ngôi sao mới nổi đầy triển vọng. Hà Lan với thứ bóng đá quên rũ được tạo thành từ tập hợp của những cầu thủ thi đấu ở nước ngoài. Bundesliga và La Liga thành công rực rỡ nhưng với những con người chẳng là gì ở mùa giải vừa qua. Đó là những nghịch lý có lẽ chỉ tồn tại ở EURO, trong một giải đấu chỉ kéo dài trong 21 ngày. Và xét cho cùng, những giá trị mà EURO tạo ra chỉ mang tính nhất thời, bởi dù sao đi nữa thì 21 ngày thể hiện với tối đa 6 trận đấu không thể so với những giải đấu kéo dài tới 9 tháng ở châu Âu với khoảng 50 trận đấu, và dĩ nhiên chẳng đủ để khẳng định sự thống trị của một thế lực. Cũng những con người đó nhưng họ khác nhau khi ở CLB hoặc ĐTQG.
Ngược lại, ĐTQG và các CLB, các giải VĐ hoàn toàn độc lập về sức mạnh, vẻ đẹp, tính truyền thống và cả đẳng cấp. Bởi thế mà kể từ năm 1988, sau khi Hà Lan thống trị cả châu Âu với chức VĐ EURO và C1, chẳng bao giờ có sự đồng nhất nào giữa ĐTQG và CLB ở bất kỳ thời điểm nào, ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Thậm chí, EURO trong thời đại này đang trở thành thứ công cụ phục vụ cho lợi ích các CLB, các giải VĐQG!
Cuộc đấu tranh vì lợi ích
Nghe có vẻ hài hước bởi ĐTQG có “đẳng cấp” cao hơn CLB, nhưng sự thật là EURO (thậm chí là World Cup) đang dần trở thành “công cụ “ của các giải VĐQG. Đó là điều đương nhiên các ĐTQG phải chấp nhận, từ việc UEFA phải đền bù cho các CLB có cầu thủ tham gia ĐT, đến việc EURO bị đem ra làm “sàn giao dịch” chuyển nhượng công khai. EURO chỉ kéo dài 21 ngày, nhưng các CLB phải chiến đấu 9 tháng. EURO chỉ có lợi nhuận trong 21 ngày, nhưng CLB “in tiền” suốt cả năm. EURO và các ĐTQG chỉ thực sự chiến đấu có 21 ngày sau 4 năm, nhưng các CLB cống hiến triền miên quanh năm. Đó là sự khác biệt về bản chất giữa ĐTQG, EURO và CLB.
Các ĐT Hy Lạp, Đan Mạch, Bồ Đào Nha, thậm chí cả Đức, Pháp, Hà Lan... đều không tạo nên đẳng cấp cho các CLB hay các giải VĐQG của họ mà chỉ tạo nên đẳng cấp cho kẻ có tiền. Các CLB Serie A là những người săn đón tài năng EURO một cách triệt để nhất, với mục tiêu: mua những ai ghi bàn vào lưới ĐT Italia. Các tỷ phú Anh cũng nhăm nhe “hốt” hết ngôi sao. Tây Ban Nha mang tiếng là nhà tân VĐ, nhưng cũng chuẩn bị khối tiền để mua những cầu thủ từng là bại tướng của họ. Một hình ảnh nhốn nháo trên khắp châu Âu chuẩn bị diễn ra sau khi EURO kết thúc, lúc các LĐBĐ các nước mải đếm tiền thưởng, tiền bồi thường...
Và cuối cùng, mối tình EURO giữa ĐTQG và CLB (hay các giải VĐQG) cuối cùng chỉ còn tồn tại những xung khắc, bất công và vô vàn nghịch lý!
(Theo Báo Bóng đá)