Kín tiếng
Hẳn nhiều người còn nhớ trường hợp của Tiền Giang hồi năm 2005. Năm ấy, họ được xem là ứng cử viên xuống hạng nhưng rồi bất thình lình, họ thăng hạng. Đánh giá về hành trình thăng hạng năm ấy, người ta cho rằng, một trong những nguyên nhân thành công là vì thực lực của họ không đến nỗi, cũng có đầu tư (bằng chứng là mời HLV ngoại tỉnh Vũ Trường Giang về) và lại kín tiếng, giấu đi tham vọng của mình.
An Giang năm 2007 cũng là một hiện tượng gần giống như thế khi âm thầm suốt thời gian dài, nhưng suýt nữa đổi đời ở trận play-off với HP.HN. Trong cả 2 trường hợp trên của 2 đội bóng ĐBSCL, yếu tố TIỀN chỉ mang ý nghĩa rất nhỏ khi tinh thần vượt khó đóng vai trò chủ chốt.
T&T HN đầu tư nhiều nhưng thành tích vẫn chưa được bao nhiêu
Ngoài ra, việc được nhà tài trợ đầu tư nhưng mức thu nhập không tăng đột biến so với thời bao cấp thì cũng không khuyến khích nỗ lực thi đấu của cầu thủ. Rút cuộc, mùa giải năm nay An Đô.An Giang đang trở thành một trong những đội bóng yếu ở giải hạng Nhất.
Ầm ĩ
Có những đội bóng, hễ có tiền là “hô hoán” lên cho tất cả mọi người cùng biết, họ là đội bóng giàu. Nguyên do vì họ muốn đánh bóng thương hiệu doanh nghiệp. T&T HN, HAGL, HP.HN, V.NB…là những đội bóng đi theo hướng này.
Họ vấp phải không ít khó khăn khi bị đối thủ dè chừng. T&T HN, HAGL trong lúc mải mê xem mình như ứng cử viên vô địch thì bị chặn lại bởi những đối thủ chỉ rụt rè đặt chỉ tiêu trụ hạng.
Cũng vì đánh giá cao giá trị thương hiệu nên cầu thủ họ tuyển mộ về không chỉ đòi hỏi có chuyên môn giỏi mà còn phải có sức hút lớn với công chúng.
Mà cầu thủ thương hiệu cao, giá trị lớn đôi khi lại khó hoà đồng với tập thể đội bóng có mức độ chuyên môn chênh lệch không nhiều nhưng thu nhập lại cách biệt lớn. Điển hình như trường hợp Lee Nguyễn, Công Vinh…ở hai đội bóng này có giá trị lương bổng, chuyển nhượng cao ngất ngưởng nhưng thời gian đầu tỏ ra khó hoà nhập với đội bóng mới.
Có tiền, đó là điều kiện tiên quyết để nhiều đội bóng tạo dựng thật nhanh bộ khung lực lượng. Tuy nhiên, việc hình thành bộ khung vững chắc cho một đội bóng luôn đòi hỏi thời gian, không phải cứ mang về những ngôi sao là đội bóng sẽ thành công. Tất cả cần thời gian để các cầu thủ trong đội có sự hiểu nhau trong sân cỏ cũng như trong cuộc sống.
Sự ổn định của đội bóng mới là tiền đề chính, nhất là đối với các tân binh. Nếu có một loạt những cầu thủ đồng loạt mới về, đội sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn. Lúc đó, dù có tiền cũng khó làm nên điều gì.
Đó cũng chính là lý do mà ĐT.LA mặc dù không có những bản hợp đồng ầm ĩ nhưng vẫn rất đáng gờm ở V.League. Trong khi XM.HP, Thể Công ở mùa giải vừa qua tăng cường liên tục nhưng gặp nhiều khó khăn trong công việc tạo dựng và định hình lối chơi cho những con người mới.
Chuyện dùng tiền ở đội bóng có tính chất 2 mặt là bởi vậy. Vừa muốn có thương hiệu nhưng vừa không muốn những mặt trái của việc “đánh bóng” thương hiệu làm ảnh hưởng đến chuyên môn của đội.
(Theo báo Bóng Đá)