Trận hoà của Đà Nẵng trước “người quen” TCDK SLNA đã trở thành câu chuyện tốn nhiều giấy mực của báo giới thể thao trong nước. Đã đành đây là trận cầu “có vết” đầu tiên của V-League 2007, nhưng cái sự “tốn” kia còn là nỗi lo về sự trở lại của bóng ma tiêu cực.
* Với diễn biến trên sân Chi Lăng, không thể nói trận đấu này... không có vết! Sự bất thường từ khâu chỉ đạo đến lối chơi và thậm chí cả sai sót từ hàng loạt cá nhân của đội bóng sông Hàn đã đủ cho những nghi ngờ về một cuộc dàn xếp tỷ số! “Một kịch bản tồi” - nói như các đồng nghiệp và nó đã không thể qua mắt chính khán giả nhà, những người bị đánh cắp niềm tin.
* Một câu hỏi đặt ra là có thể xử Đà Nẵng sau trận cầu tai tiếng đó? Câu trả lời là... khó. Cho dù trong điều 51 Quy định kỷ luật 2007 của LĐBĐVN thì phản ứng của khán giả và ý kiến của công luận được xem là những yếu tố xem xét, đánh giá trận đấu, nhưng rõ ràng nó chưa phải là điều kiện “đủ” để đưa ra một án trảm. Hơn nữa, theo những nhận định ban đầu, đây có thể không phải là một vụ bán độ, nhưng hơi hướng về cuộc “bắt tay” là có thật và như thế thì càng khó xử bởi đơn giản là “bằng chứng đâu?!”.
* Và nếu vụ việc này “trôi qua” thì còn một câu hỏi nữa vẫn cần có câu trả lời: “Đội Đà Nẵng đá bóng là vì ai?”. Vì khán giả? Có lẽ không, bởi đây không phải là lần đầu niềm tin của người hâm mộ sông Hàn bị tổn thương nghiêm trọng vì chính những cầu thủ con cưng. Vậy họ đá vì... lãnh đạo? Cũng chẳng phải bởi ai cũng biết, dù là đội bóng “quốc doanh” nhưng Đà Nẵng còn “đại gia” hơn bất cứ “đại gia” nào trong nước, từ chuyện tiền bạc đến lực lượng... ấy vậy mà đã khi nào họ vô địch đâu, dù có lúc cơ hội ở trong tầm tay.
Chuyện của Đà Nẵng thực ra cũng là câu chuyện đã cũ của bóng đá Việt Nam, về những mối quan hệ díc dắc ngoài sân cỏ, về niềm tin bị đánh mất. Câu chuyện từng một thời làm khuynh đảo cả bóng đá nước nhà và nay đang có nguy cơ trở lại nếu không có được sự trấn áp mạnh tay.
Theo Thể Thao Việt Nam