Khi chúng ta vượt qua vòng bảng, sức ép duy nhất chỉ là chơi tốt và đá đẹp, hay nói một cách nôm na là vượt qua chính mình.
Khi chúng ta vượt qua vòng bán kết, đối đầu với Thái Lan ở Rajamangala, Việt Nam ở cửa dưới và không chịu sức ép phải thắng bằng mọi giá.
Sức ép càng nhiều, các cầu thủ càng khó thể hiện được toàn bộ khả năng và rất khó vượt ngưỡng. Singapore và Thái Lan, 2 nhà cựu vô địch đã không đạt được kết quả tối ưu một phần cũng vì nằm trong trường hợp này. Công Vinh còn lý giải: việc đội tuyển Việt Nam chơi không tốt ở vòng bảng cũng chính vì các cầu thủ đã không vượt qua được những sức ép: đá với Thái Lan ở trận đầu là sức ép muốn có một trận hòa; đá với Malaysia là sức ép của một trận phải thắng.
Còn sức ép ít, hoặc không có sức ép, các cầu thủ đá rất thoải mái và rất “bay”, dễ tạo nên những tình huống ngẫu hứng mà lại hợp lý. Ở trận đấu với Thái Lan, pha tấn công nhanh ở trung lộ khởi xướng bởi Tấn Tài, châm bóng cho 1 cầu thủ nhả lại bằng đầu rồi Việt Thắng vuốt bóng 1 chạm có thể coi là ví dụ điển hình: các cầu thủ đã nhảy múa với trái bóng.
Minh Đức sẽ được chơi từ đầu, nhưng không phải tất cả cho phòng ngự
Và khi đã không phải chịu sức ép, cộng với việc trạng thái tinh thần quyết tâm hay nói như các cầu thủ gọi là “đá lăn xả và đá chết bỏ”, hiệu quả làm được là tối đa, nếu như có thêm chút may mắn hỗ trợ. Việt Nam trong 3 trận đấu gần đây là như thế, có thể khẳng định lại một lần nữa.
Còn Việt Nam cùng số lưng vốn (dẫn 2-1 ở lượt đi) trước và trong trận chung kết lượt về với Thái Lan có phải chịu sức ép không ?
Cả một ngày rong ruổi cùng đội tuyển, từ Bangkok về Hà Nội rồi qua khách sạn nơi trú quân của đội tuyển, chúng tôi không nhận thấy trong biểu hiện của các cầu thủ có sức ép. Có phải là vì họ còn lâng lâng với chiến thắng khi bất cứ ai gặp cũng chỉ thấy lời chúc mừng và chia vui? Có thể! Vì ngay cả những người không ra sân 1 phút nào cũng vui như Tết.
Ngày hôm qua, khi quan sát đội tuyển tập cũng thế, họ khá thoải mái và tự tin, một số cá nhân vẫn còn chưa hết hưng phấn.
Nhưng khi chúng ta suy nghĩ đến trận lượt về một cách thực sự, từ cách nhìn nhận sức mạnh của cả 2 đội tuyển cho tới tình thế hiện tại thì không thể nói là không có sức ép.
Sức ép đến từ việc chúng ta đã có chiến thắng lượt đi, đã chạm 1 tay vào cúp vô địch thì không được phép để tuột cơ hội ấy. 10 năm mới có 1 trận chung kết. Cơ hội 2008 đến giờ có thể khẳng định đã lớn hơn cơ hội 1998.
Một khi chịu sức ép thì các cầu thủ thường khó thể hiện hơn. Ở góc độ nào đó nó còn ảnh hưởng tới việc lựa chọn cách đá và chiến thuật của các HLV.
Ông Calisto sẽ phải vắt óc khi tính đến việc bố trí nhân sự. Phải bổ sung chất thép cho hệ thống phòng ngự hay sẽ lập lại sự cân bằng giữa tấn công và phòng thủ. Và đặc biệt phải làm sao để các cầu thủ vào trận với tâm thế tự tin và thoải mái, không căng cứng trước cơ hội ngàn vàng.
Thái Lan cũng không phải là đội bóng chẳng còn gì để mất. Họ vẫn còn nguyên nhiệm vụ phải thắng để lấy lại vị thế “ông lớn” trong khu vực.
Nghĩa là cả Việt Nam và Thái Lan giờ đang cùng phải giải tỏa sức ép và tìm ra phương án tối ưu. 30 giờ đồng hồ nữa tới giờ bóng lăn dài hơn cả 1 thập kỷ.
(Theo TT&VH)