(Bongda24h) - Sau đúng 4 trận đấu giao hữu kể từ khi Capello tiếp quản chiếc ghế nóng của Tam sư, chiếc băng đội trưởng đã đi theo một vòng hình vuông để về với điểm xuất phát của nó, John Terry
Đội tuyển Anh hiện tại không thiếu những "thủ lĩnh" có thể đảm nhận trách nhiệm nặng nề mà các bậc tiền bối Bobby Moore và Billy Wright từng rất thành công. Đó là một loạt những đội trưởng đã khẳng định được khả năng dẫn dắt của mình trong màu áo CLB hay ĐTQG như Steven Gerrard, David Beckham, Gareth Barry hay Rio Ferdinand. Nhưng cuối cùng vinh dự của cả đảo quốc sương mù lại được trao cho Terry
Capello đã chính thức chọn Terry cho vị trí đội trưởng ĐTQG Anh
Nhiều khả năng chiếc băng đội trưởng vừa được Fabio công bố cũng sẽ được đảm bảo trong chiến dịch World Cup 2010 của ĐT Anh. Chỉ trước đây vài ngày người ta vẫn đánh giá cao vai trò của Ferdinand và kì vọng anh trở thành biểu tượng mới của ĐTQG. Nhưng cuối cùng anh đã thất bại, ngay trước người đá cặp với mình. Mặc dù vậy có lẽ Rio cũng chỉ nên tự trách mình mà thôi.
Khi còn khoác áo đội trẻ West Ham, Ferdinand đã được đánh giá là "Bobby Moore mới" của tuyển Anh, trong vai trò chỉ đạo trong sân. Nhưng điều đó chưa bao giờ xảy ra trọn vẹn. Trước thềm Euro 2004, Rio bị cấm thi đấu 8 tháng do không đi xét nghiệm doping theo yêu cầu. Ít lâu sau, vào năm 2005, anh bị cảnh sát bắt vì lỗi lái xe quá tốc độ trong tình trạng say xỉn (gần 130km/h). Đây chỉ là 1 trong 4 trường hợp anh bị cảnh sát hỏi thăm khi lái xe với nồng độ cồn vượt mức cho phép. Đó là điều mà ắt hẳn không có người dân Anh Quốc nào muốn nhìn vào để đánh giá đội trưởng tuyển Anh.
Sau một mùa bóng thành công cùng Manchester United với hai chức vô địch danh giá, Ferdinand cho thấy anh đang là một trung vệ hàng đầu thế giới lúc này. Xét về khía cạnh chuyên môn, trung vệ của MU có lẽ còn "bỏ xa" Terry. Ở độ tuổi 29, Ferdinand đã giành được hầu hết các danh hiệu mà bất kì một cầu thủ nào cũng phải ao ước. Còn Terry, anh kém Rio 2 tuổi và vẫn còn phải học hỏi rất nhiều điều để trở thành chỗ dựa vững chắc của đồng đội.
Ferdinand và Terry: Cuộc chiến chưa kết thúc!!!
Terry thi đấu quá "thật", anh thiếu đi những "xảo thuật" làm nên thương hiệu một trung vệ đẳng cấp như Ferdinand. Cầu thủ của MU còn tỏ ra rất nhanh nhạy, điềm tĩnh, luôn chọn đúng thời điểm tung ra các pha xử lý, khả năng chơi bóng bổng tốt... Không phải tự nhiên mà anh được gọi là "Lá chắn thép" của MU.
Nhưng những trung vệ như Terry hay Jamie Carragher có vẻ như thích hợp hơn với chức vụ đội trưởng tuyển Anh. Họ thường giữ im lặng trước báo giới, không gây scandal và luôn thi đấu hết mình cho màu cờ sắc áo. Trong khi Ferdinand lại là mẫu cầu thủ sống khá thoải mái và đôi khi không kiểm soát được chính mình.
Nếu có cầu thủ nào nói ít, làm nhiều, sống có nguyên tắc, quả quyết và luôn khao khát thi đấu thì đó chính là Terry. Ít NHM nào của Chelsea quên được hình ảnh anh tới tận sân đấu để cổ vũ đồng đội trong trận Chelsea gặp Valencia ở Champions League, chỉ vài ngày sau khi anh thực hiện cuộc phẫu thuật chấn thương rạn xương.
ĐT Anh có thừa các “đội trưởng“
Vào thời điểm này, chọn Terry là một giải pháp khá an toàn cho Capello. Dường như ông không có nhiều kinh nghiệm để "thẩm định" chính xác những "thí sinh" cho chiếc băng đội trưởng. Còn nhớ khi Capello đến Milan năm 1991, ông không phải làm gì để thay đổi vai trò đội trưởng vĩ đại của Franco Baresi. Đến khi tiếp quản Roma và Juventus, nơi Francesco Totti và Alessandro Del Piero nhận được sự tôn trọng tuyệt đối, Capello cũng chỉ cần đi theo bước chân của những người tiền nhiệm. Nhưng mọi chuyện đã khác đi rất nhiều khi ông chèo lái Tam sư.
Chỉ trong 4 trận đấu đầu tiên với ĐT Anh, ông đã thử sức với Steven Gerrard ở trận gặp Thụy Sỹ, với David Beckham ở trận làm khách Trinidad, với Ferdinand tại Paris - Pháp và gần đây là Terry ở trận gặp Mỹ, trận đấu mà anh đã ghi được một bàn thắng. Trong cả 4 trận đấu trên, 4 người đội trưởng đều chơi xuất sắc. Và không ít người đã cho rằng hình ảnh Beckham chuyền bóng cho Terry đánh đầu ghi bàn chính là khoảnh khắc tượng trưng cho sự chuyển giao thế hệ ở Tam sư.
Điều đáng nói là Capello đã gây ra một làn sóng ganh đua ngầm trong màu áo ĐTQG. Chắc chắn cuộc chiến vì chiếc băng đội trưởng sẽ chưa thể kết thúc vì sức hút của nó quá lớn. Capello đã đi một vòng và rồi quay về đúng điểm xuất phát. Nhưng liệu có ai dám chắc một Terry "tội đồ" và "khủng hoảng" sẽ không bao giờ trở lại, như cái ngày 21/5/2008, tại Moscow?
- Huy Nam