Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Chelsea "chết đứng" vào những phút bù giờ, Barcelona "sống dậy" từ địa ngục

Thứ Năm 07/05/2009 03:45(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Kịch bản của trận chung kết Champions League 2007/2008 suýt chút nữa được lập lại khi mà Chelsea chỉ còn cách cuộc tái ngộ với Manchester United có vài phút đồng hồ. Nhưng rồi, tất cả đã đổ sụp đúng vào phút bù giờ thứ 3. Iniesta đã trở thành vị anh hùng của cả xứ Catalan khi ghi bàn gỡ hòa bằng vàng ròng để đưa Barca tới Roma dự trận chung kết.

Trận bán kết giữa Chelsea - Barcelona (không bất kể lượt đi hay lượt về) đã diễn ra không hấp dẫn như nhiều người trông ngóng. Nhưng cái kết cục của nó lại quá đẹp, khó tin, nghẹt thở đến tức ngực giống như những bộ phim đình đám của Hollywood dù nó không dành cho những người yếu tim. Người ta chỉ có thể thốt lên một câu: "Đúng là quả bóng tròn và không có khả năng nào là không thể xảy ra ở môn Thể thao vua". Hai năm liên tiếp, "gã nhà giàu" thành London bất đắc dĩ đều trở thành nhân vật chính cho tấn bi kịch đau đớn. Năm ngoái, Terry sút hỏng quả 11m quyết định và rồi để chiếc cúp tuột vào tay MU. Năm nay, họ đã chơi rất tốt với một đấu pháp vô cùng hợp lý và sáng suốt trong hơn 180 phút thi đấu (tính cả lượt trận) và đã gần đạt được mục tiêu đề ra với bàn thắng của Essien và vô hiệu hóa hoàn toàn lối đá tấn công mạnh mẽ của Barcelona. Nhưng trong bóng đá, chỉ vài chục giây thôi cũng đủ làm nên lịch sử và Chelsea thêm một lần phải "chết đứng" và chịu đựng sự đau khổ tột cùng. Pha sút bóng đẹp mê hồn của Iniesta vào thời điểm 90'+3 (cũng là cơ hội duy nhất của Barca trong suốt cả trận) đã đánh sập tất cả những gì thày trò Hiddink làm được. Một bàn thắng trên sân khách là thừa đủ để thày trò Guardiola có mặt trên chuyến tàu cuối tới thành Rome.

Chelsea lại bị số phận từ chối

Abramovich lại phải tiếp tục chờ đợi không biết đến bao giờ thời điểm được giương cao chiếc cúp vô địch C1. Ông hoàn toàn có quyền tự hào về đội bóng của mình. Những năm qua, Chelsea đã thực sự là một thế lực đáng ngại ở đấu trường châu Âu với năm thứ 3 liên tiếp có mặt ở bán kết và trên hết là một bộ mặt thuyết phục. Nhưng "được làm Vua, thua làm giặc" và The Blues không thể "làm Vua" khi mà may mắn và định mệnh cứ ngoảnh mặt với họ. Chelsea không có nhiều thứ phải buồn phiền về bản thân đội bóng và có chăng chỉ tự hỏi Thượng đế sao cứ đày đọa họ mãi vậy. Ông trời đã cho họ hưởng những phút sung sướng tột đỉnh khi đã gần chạm tới đỉnh cao của hạnh phúc và khi chỉ còn vài chục cm nữa thôi, ông lại thẳng tay đẩy họ xuống vực thẳm của nỗi đau. Vẫn biết chưa thể nói trước được điều gì ngay cả khi Chelsea có mặt ở chung kết. Nhưng với Hiddink "lắm trò, nhiều mưu" trên băng ghế huấn luyện, cơ hội vô địch của Chelsea sáng hơn năm ngoái rất nhiều và với tình cảnh hiện nay, MU đúng là may mắn khi gặp Barcelona ở chung kết bởi giải quyết Barca xem ra ngon lành hơn Chelsea nhiều.

Trở lại với diễn biến chính, Barcelona ra sân với khá nhiều xáo trộn trong đội hình. Thierry Henry đúng là dính chấn thương thật chứ chẳng phải có đòn tung hỏa mù nào ở đây của chiến lược gia trẻ tuổi Josep Guardiola. Bởi tiền đạo người Pháp thậm chí còn chẳng có tên trên băng ghế dự bị dù vẫn cùng các đồng đội tới nước Anh. Có lẽ, "Pep" muốn dùng Henry làm động lực tinh thần cho những cầu thủ còn lại nên mới không để anh ở nhà mặc cho việc ông không thể dùng Henry vào những phương án thi đấu. Cơn khủng hoảng ở vị trí trung vệ (chấn thương dài hạn của G.Milito và Marquez cùng án treo giò của đội trưởng Carles Puyol) khiến Guardiola phải kéo Yaya Toure xuống đá trung vệ với Pique, thay vì sử dụng Martin Caceres như rất nhiều dự đoán trước trận. Đây là quyết định thận trọng, đảm bảo tính an toàn cho đội bóng xứ Catalan. Caceres còn quá non, được ra sân rất ít trong mùa này và chủ yếu lại ở những trận đấu nhỏ, kém quan trọng vì thế khả năng bị khớp như trường hợp của Kieran Gibbs ngày hôm qua là rất dễ xảy ra. Toure tuy không được thi đấu ở vị trí sở trương nhưng với xuất thân là một tiền vệ trụ nên tố chất phòng ngự của anh cùng kinh nghiệm dày dạn cũng đem lại sự an tâm hơn cho Barca. Không có Henry nên như thường lệ, Andres Iniesta được đẩy cao để thi đấu bên cạnh Messi và Eto'o còn Busquets cùng Keita đã được ra sân, hợp cùng Xavi ở khu trung tuyến.

Bên phía đội chủ nhà, không có bất ngờ nào ở danh sách xuất phát ngoài sự trở lại của Ashley Cole, giúp cho hàng thủ của The Blues quy tụ đầy đủ 4 cái tên xuất sắc nhất. HLV Guus Hiddink quyết định sử dụng đấu pháp 4-3-3 thiên về tấn công hơn với Drogba đá cao nhất, Anelka đá lệch phải và Malouda đá lệch trái chứ không phải là sơ đồ "siêu thủ" như trận lượt đi. Vì vậy, Mikel, cầu thủ có mặt ở Nou Camp đã phải ngồi dự bị ở Stamford Bridge trong khi Essien, Ballack, Lampard vẫn giữ được vị trí.

Barcelona khởi đầu trận lượt về khá tự tin dù đang là đội khách. Nhưng khi mà tinh thần của các cầu thủ Barca đang ở mức cao nhất thì họ lại bị dội ngay xô nước đá đến lạnh cả người. Phút thứ 9, sau một loạt pha đan bóng nhịp nhàng, Lampard có ý định tung cú sút ở chếch bên góc trái của vòng cấm địa nhưng bóng trúng vào người Toure bật ra. Và ở tuyến sau, Essien đã có mặt rất đúng điểm trái bóng rơi xuống và thực hiện ngay cú volley cực kỳ đẹp mắt bằng chân trái. Với những pha dứt điểm như thế này, công việc khả thi duy nhất của các thủ môn là vào lưới nhặt bóng. Tiền vệ người Ghana không phải là mẫu cầu thủ tấn công nhưng anh lại thỉnh thoảng có những bàn thắng để đời, không chỉ có tính chất quan trọng mà còn là những tác phẩm được nhiều người ngưỡng mộ.

Essien có thêm một bàn thắng tuyệt đẹp

Một lần nữa, cái thực trạng bị thủng lưới trong 15 phút đầu mỗi hiệp lại xảy ra với Barca và khó khăn bắt đầu đến với thày trò Guardiola. Bàn thắng sớm giúp Chelsea tha hồ có điều kiện áp dụng lại bài "đổ bê-tông" như trận lượt đi. Tuyến tiền vệ được kéo về đá rất thấp. Hiếm khi thấy Lampard, Ballack hay Essien dâng lên quá cao. Nhưng sự nguy hiểm với khung thành Valdes không vì thế qua đi bởi Chelsea phản công cực tốt còn Barca cũng không thể có sự lựa chọn nào khác ngoài tấn công và tấn công. Tuy nhiên, giống như trận lượt đi, hàng công của Barcelona đang gặp vô vàn khó khăn trong việc tiếp cận khung thành Petr Cech. Xavi và Iniesta không có nhiều khoảng trống để tung ra các đường chuyền sát thủ khi lúc nào cũng có các bóng áo xanh xung quang. Messi chưa có pha đi bóng nào ra hồn khi mà các hậu vệ Chelsea chơi tập trung và không ngại phạm lỗi.

Phút 17, Malouda đột phá bên cánh trái rồi đẩy trở ra cho Lampard nhưng pha kết thúc của tiền vệ người Anh lại đi vọt xà. Phút 25, Malouda bị Daniel Alves phạm lỗi ngay sát vòng cấm ở phía góc phải. Drogba quyết định sút thẳng và Valdes đã phải dùng chân cản phá. Barca chưa làm cách nào tạo ra được một cơ hội uy hiếp thực sự về phía Chelsea ngoài vài pha đi bóng lẻ tẻ từ nỗ lực cá nhân của Messi cùng vài ba cú sút xa không mấy nguy hiểm của Xavi. Trong khi đó, Chelsea vẫn đang áp dụng cực tốt những ý đồ chiến thuật đã được phù thủy người Hà Lan vạch ra từ đầu trận. Và họ mới là những người có nhiều cơ hội hơn trong hiệp 1. Drogba đã từng một lần bị Abidal phạm lỗi trong vòng cấm nhưng không có tiếng còi nào vang lên. Thế trận chặt chẽ được đội quân The Blues duy trì cho hết 45 phút đầu tiên.

Sau giờ nghỉ, đội khách có dấu hiệu tăng tốc vì không còn nhiều thời gian nữa cho những hy vọng ở Champions League. Ngay những phút đầu, họ được hưởng quả đá phạt với góc sút khá rộng nhưng các học trò của Guardiola không thể có pha phối hợp đá phạt thành công. Chelsea dĩ nhiên vẫn giữ nguyên lối chơi như trong hiệp 1 và nó vẫn tỏ ra hiệu quả. Phút 53, trong một đợt phản công nhanh và được tổ chức tốt, Anelka chuyền bóng không thể thuận lợi hơn cho Drogba và tiền đạo người Bờ Biển Nga khéo léo loại bỏ Pique để đối mặt với Valdes. Nhưng cú kết thúc điệu đà bằng cái chân trái không thuận của "Voi rừng" đã không thắng nổi cái chân của Valdes. Drogba đã bỏ lỡ cơ hội vàng để định đoạt số phận trận đấu.

Phút 57, tiếp tục là Drogba dùng sức mạnh và tốc độ lao về phía cầu môn Valdes và rất may cho Barca ở thời điểm quyết định, Toure đã có pha xoạc chính xác để lấy bóng trong chân tiền đạo đối phương. Đội bóng Tây Ban Nha miệt mài tấn công nhưng Cech vẫn chưa một lần phải "động thủ" vì các hậu vệ thi đấu bên trên anh đang chơi quá tập trung và chưa mắc phải một sai sót nhỏ nào. Phút 60, Iniesta nỗ lực bên cánh trái và rốt cục cũng đưa được bóng vào trong nhưng pha xoay người dứt điểm của Keita lại đi quá thiếu chính xác. Phút 65, lần đầu tiên kể từ đầu trận, người ta mới thấy Messi thực sự lên tiếng. Sau màn biểu diễn kỹ thuật quen thuộc, Lionel kết thúc bằng cú đặt lòng từ xa và các CĐV Barcelona mới được dịp ồ lên tiếc rẻ dù trái bóng không bay trúng đích.

Lối chơi tấn công của Barca hoàn toàn tắt điện trước đấu pháp chặt chẽ của Chelsea

Đến phút 66, khó khăn chồng chất khó khăn với đội khách khi hậu vệ Eric Abidal nhận thẻ đỏ trực tiếp sau pha tác động vào Anelka trong một tình huống có thể dẫn tới bàn thắng. Trọng tài chính Ovrebo đã tỏ ra rất kiên quyết và Barca chỉ còn 10 người trên sân. Xem lại pha quay chậm thì đây là pha xử lý nặng tay bởi tác động của Abidal lên Anelka là rất nhỏ và thẻ vàng cũng đã là quá nặng rồi. Thua thiệt cả về kết quả và nhân lực, cánh cửa vào vòng chung kết trở nên ngày càng hẹp với "gã khổng lồ" xứ Catalan. Abidal đã chơi không mấy nổi bật kể từ đầu trận và anh lại còn báo hại đồng đội ở pha bóng không cần phải hành động như vậy vì vẫn còn Yaya Toure ở gần đó có đủ sức can thiệp. Ở cú sút phạt có được sau tình huống đó, Lampard đã sút chệch cột dọc. Phút 72, Droga không thể tiếp tục thi đấu do chấn thương và Belletti, một cựu cules vào thay thế. Hệ thống phòng ngự nhiều tầng càng được củng cố vì ai cũng biết Belletti là mẫu cầu thủ chuyên về phòng ngự (hậu vệ cánh hoặc tiền vệ trụ).

Chính vì vậy, không có gì khó hiểu khi Chelsea vẫn nắm quyền kiểm soát thế trận và cơ hội của Barcelona ngày càng mờ mịt. Phút 79, Anelka đổ vật xuống khu vực 16m50 sau pha tranh chấp với Toure nhưng trọng tài vẫn khoát tay cho trận đấu tiếp diễn. Phải công nhận, Toure đã chơi không đến nỗi nào ở vị trí không phải sở trường khi thường xuyên thực hiện những pha ngăn cản chuẩn xác với cặp tiền đạo của Chelsea dù rằng có một vài pha bóng gây tranh cãi. Phút 82, Pique để bóng chạm tay trong vòng cấm sau nỗ lực của Anelka nhưng vẫn chẳng có quả 11m nào cho đội chủ nhà. Nếu Chelsea thua trận này, hẳn họ sẽ thù Ovrebo nhất vì vị trọng tài này đã đưa ra những quyết định có lợi cho đội khách. 

Nhưng nhận định trên không hẳn đúng bởi phút 87, Messi cũng ngã xuống thảm cỏ sau tác động của Malouda ở trước vòng cấm nhưng trọng tài lại đưa ra cử chỉ quen thuộc trong suốt trận đấu này. Barcelona vẫn không ngừng gia tăng áp lực, thể hiện bằng việc tung thêm một tiền đạo nữa vào sân (Bojan Krkic) và các hậu vệ như Pique, Toure cũng không còn muốn thi đấu bên phần sân nhà mà đã dâng lên quá nửa sân. Tuy nhiên, thời gian cứ trôi và Chelsea đã rất gần đến trận chung kết lần thứ 2 liên tiếp.

Trọng tài Ovrebo đã có nhiều quyết định bất lợi cho đội chủ nhà

Nhưng bi kịch hệt như trong các tác phẩm lừng danh của đại văn hào nổi tiếng người Anh, William Shakespeare đã xảy ra vào phút bù giờ thứ 3. Trong một pha tấn công vu vơ và không có gì đặc biệt, Messi đã chuyền ra cho Iniesta và trong một khoảnh khắc xuất thần (và cả may mắn nữa), tiền vệ người Tây Ban Nha đã thực hiện cú vuốt bóng bằng má ngoài chân phải. Bóng đi khó và Cech đã bị đánh bại. Không thể diễn tả hết niềm vụi vô bờ bến của Guardiloa và ông đã hò reo, chạy dọc đường biên như một đứa trẻ với bàn thắng để đời của Iniesta. Tỷ số hòa 1-1 là quá đủ để Barca viết tiếp giấc mơ ở Champions League.

Không hiểu có phải là do tự nhận thấy có lỗi với đội chủ nhà hay muốn nối dài cái kết quá kịch tính này mà trọng tài đã cho hai đội thi đấu thêm tới 5 phút nữa (như vậy, có tới 8 phút bù giờ trong hiệp 2). Và Chelsea đã dồn lên trong vô vọng. Thủ thành Petr Cech cũng không còn đứng ở khung thành mà dâng lên như một tiền đạo trong các tình huống tấn công của đội chủ nhà. Nhưng mọi thứ họ nhận được chỉ là sự thất vọng não nề và nỗi tức giận với vị trọng tài người Na Uy. Không giận sao được khi Ovrebo lại lần nữa từ chối quả 11m cho Chelsea sau khi cú sút của Ballack có vẻ đã trúng vào khuỷu trên cánh tay của Eto'o trong vòng cấm. Ở những tình huống nhạy cảm như thế này, các trọng tài hoàn toàn có thể thổi phạt 11m (nhất là khi Chelsea là đội chủ nhà và có phần “thiệt thòi“) nhưng Ovrebo lại không phải là người thích ưu ái đội chủ nhà. Còn Guardiola đã tỏ ra rất tinh quái khi có liền 2 sự thay đổi chỉ nhằm mục đích câu giờ và tăng sự ức chế cho Chelsea.

Cuối cùng, tiếng còi kết thúc trận đấu cũng phải vang lên và lần thứ 2, các CĐV Chelsea phải rơi lệ khi đội nhà lại đánh mất chiến thắng khi đã rất cận kề với vinh quang. John Terry lại khóc “tu tu“ như một đứa trẻ giống như khi anh trượt chân đá hỏng quả 11m ở trận chung kết năm ngoái tại Moscow. Trong khi đồng đội của anh, Drogba lại nổi xung lên với trọng tài và một tình huống hy hữu đã xảy ra. Ovrebo đã rút ngay thẻ vàng phạt Drogba dù rằng trận đấu đã kết thúc. Chắc chắn, sự kiện này sẽ đi vào trang sử muôn màu của Champions League. Dường như, chưa thỏa mãn, Drogba còn liên tục hét lên vào những camera hướng về phía anh (có lẽ là những lời chửi thề dành cho trọng tài), ngay cả khi Hiddink đã ra vỗ về cậu học trò. Quả là dấu ấn khó quên của một trận đấu khiến người hâm mộ được tận hưởng hết những cảm xúc tuyệt vời mà trái bóng có thể mang đến. Chelsea buộc phải dừng bước trước ngưỡng cửa rộng mở của thiên đường. Nếu được đá trận chung kết, cơ hội phục thù đối thủ đáng ghét MU là rất lớn vì trên băng ghế huấn luyện, họ sở hữu một Guus Hiddink tài ba và lão luyện. Thất bại của vị HLV người Hà Lan chẳng qua là do thiếu may mắn chứ còn ai cũng phải thán phục Hiddink sau những gì ông làm được cho Chelsea và ở Champions League.

Thày trò Guardiola từ cõi chết trở về

Barcelona như từ cõi chết trở về và đường hoàng đặt vé tới Roma để thi đấu trận chung kết với MU. Họ đã chơi thua kém Chelsea ở vòng bán kết (về mặt thế trận, lối chơi, con người,...) cho dù không nhiều người thích lối chơi thực dụng, có phần tiêu cực của Chelsea. Nhưng để đánh bại Barca, CLB có sức công phá mạnh nhất châu Âu hiện nay thì phòng ngự xem ra là giải pháp hữu hiệu nhất nhất là khi đã có bàn dẫn trước (một số đội đã từng có ý định đôi công với Barca và kết quả nhận được đều là thất bại). Và trên hết, Thượng đế và số phận đã lựa chọn họ. Tuy vậy, Barcelona vẫn cần phải cố gắng nhiều nếu muốn vươn tới mục tiêu giành cú đúp. Chính Chelsea đã chỉ cho MU thấy cách thức làm thế nào để hạ gục đội bóng Tây Ban Nha. Sir Alex Ferguson có thừa sự tinh quái và kinh nghiệm để khắc phục những sai lầm bị mắc phải của người đồng nghiệp. Bản thân “Quỷ đỏ“ cũng đã cho người ta thấy họ có thể chơi phòng thủ và bắt chết những đội bóng có lối chơi tấn công tốt đến như thế nào qua trận đấu với Arsenal. Nếu Guardiola không tìm ra một bài gì mới thì đừng trông mong một cái kết như vậy lại xảy ra lần thứ hai.

Đội hình thi đấu:

Chelsea: Cech; Boswinga, Alex, Terry, Ashley Cole; Ballack, Essien, Lampard, Malouda; Anelka, Drogba (Belletti
72')
Barcelona: Valdes; Daniel Alves, Abidal, Pique, Toure, Xavi, Busquets (
Krkic 85'), Keita, Iniesta (Gudjohnsen 90'+6), Messi, Eto'o (Sylvinho 90'+7)

  • Quỳnh Ngọc

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Hành trình khẳng định mình trên thị trường sim số đẹp của Trần Thu Hiền

Hành trình khẳng định mình trên thị trường sim số đẹp của Trần Thu Hiền

Hành trình khẳng định mình trên thị trường sim số đẹp của Trần Thu Hiền

Trong một thị trường sim số đẹp cạnh tranh khốc liệt, làm thế nào để một cá nhân có thể tạo dựng được thương hiệu riêng và khẳng định vị thế của mình? Đó là câu hỏi mà nhiều người kinh doanh sim số đẹp, đặc biệt là những người mới bắt đầu, luôn trăn trở. Và câu trả lời có thể đến từ chính hành trình khởi nghiệp đầy thú vị của chị Trần Thu Hiền.

Tiger - Bia chính thức của Câu lạc bộ Bóng đá Manchester United

Tiger - Bia chính thức của Câu lạc bộ Bóng đá Manchester United

Tiger - Bia chính thức của Câu lạc bộ Bóng đá Manchester United

Tiger® Beer - thương hiệu bia cao cấp hàng đầu thế giới vừa trở thành bia chính thức của Câu lạc bộ Bóng đá Manchester United. Đây là sự kết hợp giữa thương hiệu bia bản lĩnh rạng danh trên toàn thế giới và một trong những câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng và thành công nhất trên toàn cầu, nhằm nâng tầm trải nghiệm và tăng cường gắn kết cho người hâm mộ khắp thế giới.

Gary O'Neil trước áp lực mùa giải: Những bước đi cần thiết để giành sự sống còn

Gary O'Neil trước áp lực mùa giải: Những bước đi cần thiết để giành sự sống còn

Gary O'Neil trước áp lực mùa giải: Những bước đi cần thiết để giành sự sống còn

Trong tháng 9/2024, Wolverhampton Wanderers (Wolves) đã phải đối mặt với nhiều thử thách lớn tại Premier League. Mặc dù không đạt được những kết quả tốt nhất, đội vẫn có những màn trình diễn đáng chú ý từ các cầu thủ chủ chốt.

Xem thêm
top-arrow
X