(Bongda24h) - Đội tuyển Việt Nam đã giành vé vào bán kết AFF Suzuki Cup một cách đầy xứng đáng, nhưng đằng sau chiếc vé ấy vẫn là cả một câu chuyện dài mà người hâm mộ và những nhà quản lí bóng đá đang tranh cãi dữ dội...
1. Dân số Singapore theo số liệu năm 2009 là gần 5 triệu người, nếu so sánh thì cũng xứng tầm như ta với Trung Quốc về tương quan số dân, nhưng đội tuyển quốc gia đảo quốc sư tử lại luôn được đánh giá là tầm cỡ ở cái vùng trũng Đông Nam Á này. Thậm chí tuyển Việt Nam mỗi lần gặp mặt đều phải kiêng dè và kính nể vài phần, vậy chỉ với 5 triệu dân tại sao họ có thể trở thành một đội tuyển hùng mạnh đến vậy?
Tất cả là nhờ những cầu thủ nhập tịch đã mang đến sức mạnh mà nếu chỉ người dân bản địa Singapore chắc có mơ cũng không bao giờ chạm tay tới được. Nhìn lại đội hình Singapore tham dự AFF Cup năm nay xem, chắc chắn lúc nào cũng có quá nửa là "Tây" trên sân. Học theo Singapore, Philipines cũng áp dụng chính sách phát triển sức mạnh đội tuyển bằng những cầu thủ "nhập ngoại" và đã đem lại thành công trước mắt khi họ đánh bại tuyển Việt Nam của chúng ta với tỉ số 2-0, hòa Singapore để hùng dững bước vào bán kết. Điều mà trước giải đấu người Philipines cũng chẳng dám nằm mơ, và thế mới có chuyện họ không dám thi đấu trên sân nhà vì chưa được chuẩn bị gì.
Việc có nên để những cầu thủ nhập tịch như Huỳnh Kesley thi đấu trong màu áo ĐTQG đang là vấn đề
gây nhiều tranh cãi
2. Trước đó, tuyển Việt Nam cũng đã từng có ý định thử nghiệm chính sách phát triển mà theo nhiều người gọi là "từ ngọn" này. Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max, Phan Văn Santos,... nhưng rồi tất cả đều không thể thành công trong màu áo đội tuyển quốc gia. Mỗi người đều có một lí do khác nhau để rời khỏi tuyển, và đến cuối cùng kết quả là HLV Calisto tuyên bố sẽ chỉ sử dụng những cầu thủ "thuần Việt". Sự thất bại trong việc thử nghiệm chính sách ngoại binh đã được đem ra phân tích mổ xẻ, nhưng rốt cuộc nguyên nhân vì đâu mà các "ông Tây đá bóng" không được chấp nhận trong màu áo ĐTQG thì vẫn là một câu hỏi bỏ lửng, chưa ai có lời giải đáp thỏa đáng.
Sau thất bại của tuyển Việt Nam trước Philipines, câu hỏi liệu có nên để những cầu thủ "nhập ngoại" khoác áo ĐTQG tiếp tục được đưa lên bàn thảo luận. Người nói đó là xu thế chung của bóng đá thế giới, chúng ta không làm theo nghĩa là lạc hậu. Người thì phản bác cho rằng những cầu thủ ngoại muốn khoác áo ĐTQG rốt cuộc cũng chỉ vì chữ tiền, chứ họ chẳng thế nào có ý chí chiến đấu ngoan cường như những người con đất Việt. Mỗi người một cách nghĩ, nhưng trước khi luận bàn về vấn đề này chúng ta tạm bàn về ba chữ: "tinh thần Việt". Từ đó mỗi người sẽ có cách đánh giá nên hay không nên sử dụng cầu thủ ngoại trong ĐTQG.
3. Từ thưở nhỏ, mỗi người con đất Việt có ai lại không được nghe những câu truyện hào hùng về tinh thần bất khuất, không chịu khuất phục của những người con đất Việt. Một đứa trẻ như Thánh Gióng cũng dám ra trận khi nước nhà lâm nguy, phận nữ nhi như Bà Trưng, Bà Triệu cũng sẵn sàng cầm quân đánh giặc,... Những câu chuyện bi tráng ấy đã thấm đẫm trong tâm hồn mỗi người con đất Việt, để rồi hun đúc nên một nguồn sức mạnh tinh thần đủ sức bạt núi ngăn sông. Tinh thần ấy gắn kết 90 triệu trái tim của người dân hình chữ S với nhau để khi cần, họ sẵn sàng xả thân vì đất nước. Liệu những cầu thủ ngoại có dám lăn mình ra trước mũi giầy đối phương để chặn một tình huống nguy hiểm, dẫu có bị chấn thương như các tuyển thủ của chúng ta sẵn sàng làm hay không?
Liệu những cầu thủ nhập tịch như Đinh Hoàng Max có hiểu những đồng đội xung quanh anh thi đấu vì cái gì?
Còn chưa kể đến việc nhưng cầu thủ "ngoại nhập" có tôn trọng màu cờ sắc áo Việt Nam, màu đỏ được đánh đổi bằng máu của biết bao thế hệ. Những cầu thủ ngoại mục đích ban đầu đến Việt Nam là để kiếm tiền, cũng thừa nhận một số đã yêu Việt Nam nhưng họ có đủ tình yêu để tôn trọng, để hi sinh vì một đất nước họ chỉ gắn bó mấy năm hay không? Thậm chí, một số cầu thủ còn chưa nói sõi được tiếng Việt, vậy ngay giữa các đồng đội cũng có những rào cản về ngôn ngữ thì việc gắn thành một khối trên sân là việc không hề đơn giản. Đành rằng là công dân Việt Nam nào cũng có quyền bình đẳng, nhưng quyết định cuối cùng vẫn phải phụ thuộc vào những cầu thủ ngoại, và trên hết là mục đích họ vào ĐTQG để làm gì?...
Tiền, trải nghiệm, hay vì "tinh thần Việt"...
- Như Đạt