Có thể thế trận qua mỗi trận đấu, của các chiến thắng nói trên khác nhau, nhưng với bóng đá tỉ số chung cuộc có giá trị nhất. Những chiến thắng làm nên thứ hạng. Những bàn thắng làm nên cảm xúc và cả thước đo trình độ.
Cũng có thể Việt Nam chưa vượt qua Thái Lan về mặt đẳng cấp của một nền bóng đá, chưa xuất khẩu cầu thủ của V-League sang Thai-League để nâng tầm cho nền bóng đá của họ, chưa đứng cao hơn Thái Lan trên bảng xếp hạng FIFA. Nhưng, tất cả những điều nói trên đang đươc thu hẹp. Ngay cả việc người Thái sang châu Âu chơi bóng từ trước chúng ta rất lâu rồi, thì nay Việt Nam cũng có một cầu thủ được sang Bồ Đào Nha chơi bóng, dù vẫn biết đó là chuyến đi mà người học phải trả tiền để có một chỗ ngồi trong lớp.
Chỉ riêng việc người Thái Lan phải đắng lòng, phải nhận những nỗi đau mà chính bóng đá Việt Nam đã gieo rắc cho họ cũng đủ khiến nhiều người hâm mộ Việt Nam thỏa mãn. Singapore cũng từng thắng Thái Lan, từng truất ngôi đội bóng số 1 khu vực này, nhưng hẳn trong thâm tâm người Thái, Việt Nam mới là “nỗi khó chịu”.
Người Việt Nam với tinh thần dân tộc rất cao có thể xem nhẹ thất bại nhưng luôn trân trọng từng chiến thắng, dĩ nhiên chẳng thể không hạnh phúc khi cán cân dịch chuyển, khi người ta mạnh dạn nghĩ đến việc bóng đá Việt Nam đã vượt qua bóng đá Thái Lan, dù cho trên thực tế, đó vẫn là một chủ đề gây tranh luận và chưa biết “phe” nào đúng.
Song, ở góc độ nào đó (xin khẳng định là chỉ ở góc độ nào đó thôi), chúng ta đã và đang đạt được điều này đó một cách không bình thường, khi so sánh với sự bình thường của bóng đá thế giới (và một số nền bóng đá khác ở khu vực cũng đã và đang hướng tới, trong đó có Thái Lan).
Điều không bình thường mà người viết nhắc tới ở đây chính là việc đội tuyển Việt Nam đã không có bất cứ sự tiến bộ và cách mạng nào trong cách thức tập trung huấn luyện.
15 năm trước, khi ĐTVN dưới thời ông Weigang đi đá giải khu vực, đội tuyển cũng tập trung vài tháng.
Chục năm trước, khi ĐTVN dưới thời ông Alfred Riedl đá Tiger Cup ở sân nhà, các tuyển thủ cũng đươc gom lại hàng tháng trời, ăn, ngủ cùng nhau.
5 năm trước, khi ông Tavares cầm quân, ông này trước khi trở lại Việt Nam lần thứ hai được coi là “phù thủy”, cũng được tạo điều kiện để nhốt các cầu thủ lại tới nửa năm ròng rã để chuẩn bị cho Tiger Cup 2004.
Và giờ đây cũng thế. Trước khi vô địch Đông Nam Á và sau khi đã là số 1 khu vực, chúng ta vẫn đang tập trung đội tuyển trong quãng thời gian tính bằng tháng.
Nhiệm vụ của các đợt tập trung này không có gì khác biệt: sửa kỹ thuật, nhồi tư duy chiến thuật và nâng cao nền tảng thể lực cho những cầu thủ xuất sắc nhất.
Trong khi ấy, sự bình thường mà thế giới áp dụng là tập trung đội tuyển trong vài ngày để đá 1 trận, 1 tuần để đá 2 trận, và chỉ khi người ta đá World Cup hay EURO mới tập trung 1 tháng.
Thế nên, người viết không bất ngờ khi ông Calisto mới đây bảo rằng nếu ông gọi Công Vinh về ngay lúc này để tập trung đội tuyển thì giới chuyên môn ở quê ông sẽ nghĩ ông là “thằng khùng” (lời của ông). Còn giới chuyên môn ở BĐVN coi đó là chuyện bình thường với mặt bằng trình độ hiện tại.
Chắc chắn, sẽ phải mất một thời gian nữa BĐVN có thể xây dựng đội tuyển một cách bình thường nhất, để không xảy ra xung đột, như các CLB mất HLV hàng tháng trời lên đội tuyển làm trợ lý, và các HLV thì không mất quân quá lâu, đảm bảo kế hoạch tập luyện chuẩn bị cho giải VĐQG; và để một nền bóng đá khá nghèo như chúng ta không phải đau đầu tìm tiền thuê 2 thầy ngoại một lúc.
Không cần phải gồng mình, không cần phải cả nền bóng đá hy sinh cho các đội tuyển, mà vinh quang vẫn đến. Khi đó, niềm vui chắc sẽ có thêm những dư vị cùng những điều đáng kể khác.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)