V.League 2010 còn 1 vòng nữa mới kết thúc, nhưng chiến dịch “săn đầu người” cho mùa giải 2011 đã nóng lên rừng rực. Và ở trong cái “lò bát quái săn người” ấy, có một sự thật khiến người ta phải ngỡ ngàng: Giá cả các cầu thủ đang tăng phi mã…
1. Một tuyển thủ quốc gia như Quang Hải (K.KH) đã được định giá tới 10 tỷ đồng. Một cầu thủ không quá xuất sắc như trung vệ Đình Luật (N.SG) cũng được định giá tới 9 tỷ đồng. Còn những cầu thủ hàng “sao”, từ sao nội cỡ Công Vinh đến sao ngoại cỡ Leandro cũng có giá ngót nghét cả… triệu USD. Vẫn biết là trong những cái giá kinh hoàng ấy, có nhiều trường hợp chỉ là giá ảo. Vẫn là V.League trong những năm gần đây vốn xuất hiện không ít những vụ “làm giá”, mà có đội bóng vì sự “nhẹ dạ cả tin” mà đã phải… ngậm bồ hòn làm ngọt. Song dù có như vậy thì có một thực tế không thể phủ nhận, đó là giá cả của những cầu thủ đang chơi bóng ở Việt Nam đã được đẩy lên rất cao, và cao hơn rất nhiều so với giá trị thật của những cầu thủ ấy.
Mẹ Niềm đã từng mong ước Văn Quyến mãi chỉ là đứa trẻ chăn trâu…
Trong cơn bão giá kinh hoàng đang xảy ra, bất giác lại nhớ đến một chữ “ước” của một người mẹ. Đó là chữ “ước” của mẹ Niềm - người sinh ra Phạm Văn Quyến, cầu thủ đã có thời được NHM gọi là “cậu bé vàng” của BĐVN. Còn nhớ, ngày Văn Quyến rơi vào vòng lao lý, mẹ Niềm vừa khóc vừa thốt lên: “Ước gì, nó mãi là đứa trẻ chăn trâu…”. Giả như lời ước của mẹ Niềm là sự thật thì rõ ràng, Văn Quyến mãi mãi chỉ là một anh nông dân nghèo chất phát. Và dĩ nhiên, chẳng ai ước ao con cái mình cứ mãi nghèo như vậy cả. Vậy mà mẹ Niềm đã ước như vậy đấy! Vì mẹ hiểu rằng, giữa cái nghèo khó nhưng trong sạch với sự giàu có và những hào quang tội lỗi kèm theo thì con người ta cần phải đứng về vế thứ nhất của vấn đề.
2. Thật ra thì sự giàu có không có tội, mà trái lại, nó là một động lực mà mọi công dân trong xã hội đều cần phải phấn đấu. Song, một khi sự giàu có về tiền bạc không tỉ lệ thuận với sự giàu có về tri thức và nhân cách, thì chủ thể của sự giàu có ấy rất dễ đánh mất bản thân mình. Và Văn Quyến đã đánh mất mình theo đúng quĩ đạo ấy. Những núi tiền bạc có được chỉ sau một bản hợp đồng quảng cáo, những núi lời khen có được chỉ sau một cú sút, một pha đi bóng đã khiến Quyến có lúc… không biết mình là ai.
Bây giờ thì Văn Quyến đã là câu chuyện của quá khứ. Nhưng nhìn vào cái cách gặt hái và được tung hô của hàng loạt những ngôi sao trong hiện tại thì chúng ta đang lờ mờ nhận ra sự xuất hiện của những Văn Quyến thứ hai, thứ ba và thứ… n. Sẽ thật vô duyên nếu đặt ra câu hỏi: Có bao nhiêu cầu thủ bạc tỷ hiện nay biết sử dụng “tiền tỷ” một cách có ích? Cũng vô duyên như thế, nếu đặt ra câu hỏi: Có bao nhiêu cầu thủ bạc tỷ có một năng lực nhận thức xứng đáng với những đồng tiển tỷ của mình?
Nhưng rõ ràng là khi tiền tỷ đến quá nhanh, và tạo ra một độ vênh quá lớn so với năng lực chuyên môn cũng như năng lực nhận thức của một cầu thủ, thì chưa biết chừng, phía sau “tiền tỷ” lại âm thầm xuất hiện một lưỡi hái tử thần.
3. Ước gì hắn đừng nổi tiếng. Ước gì hắn đừng giàu có. Ước gì hắn mãi là đứa trẻ chăn trâu…Mong, mong lắm những điều ước trong bi kịch như thế này sẽ chỉ là những điều ước đã qua, không bao giờ trở lại.