Chuyện của Tuấn “Hòa Bình”
Trước, khi còn thi đấu cho Thể Công, Như Thành nổi thì người ta chưa biết đến Anh Tuấn. Nhưng sau khi Như Thành dính “tai nạn” trước thềm SEA Games 22 và sau đó chuyển đến lập nghiệp ở đất Thủ thì Anh Tuấn được BLĐ đội bóng áo lính nhắm đến để thay thế cho vị trí của Như Thành.
Thực ra, Anh Tuấn cũng không quá “chìm” ngay cả khi còn Như Thành ở Thể Công. Vì ở đội bóng này, mỗi lứa cầu thủ trưởng thành, được đôn lên đội 1, thì lập tức có lứa đàn em kế cận ngay sau. Cách đào tạo bài bản của Thể Công bởi thế bao giờ cũng tạo được “của ăn, của để” và hiếm khi đào tạo bị rơi vào khoảng trống.
Anh Tuấn thuộc lứa cầu thủ sinh năm 1983-1984 của Thể Công, được tuyển sinh khá chặt chẽ. Thể Công lúc đó vẫn tuân theo cách làm cũ là lấy người trên diện rộng (khắp miền Bắc) và Anh Tuấn được “tìm thấy” ở tỉnh Hòa Bình. Chính đặc điểm quê quán và cũng vì ở đội bóng có quá nhiều cầu thủ tên Tuấn, nên Anh Tuấn được gọi là Tuấn “Hòa Bình” để dễ phân biệt.Tuấn Hòa Bình
Năm 2002, Anh Tuấn được đôn lên đội 1 nhưng chưa được thi đấu vì “vướng” những cái bóng quá lớn của các trung vệ đàn anh như Như Thuần, Hải Long, Quốc Trung, Như Thành.
Chỉ đến mùa giải 2006, Anh Tuấn mới có cơ hội thể hiện mình và thường xuyên được bố trí ở đội hình xuất phát. Trưởng thành cùng Thể Công ở giải hạng Nhất, Anh Tuấn gây ấn tượng tốt khi đội bóng áo lính trở lại V.League năm 2008. Mùa giải năm ngoái, Anh Tuấn hợp cùng Phước Tứ trở thành cặp trung vệ nội chơi thành công nhất trên sân cỏ Việt Nam. Nếu như Phước Tứ nổi bật ở những pha băng cắt dũng mãnh và không chiến, thì Anh Tuấn là sự bổ sung hoàn hảo. Tuấn chơi thiên về bọc lót, chủ yếu “sửa sai” cho Phước Tứ và hàng thủ bằng khả năng phán đoán tình huống tỉnh táo của mình. Sự chắc chắn của Anh Tuấn khiến các CĐV Thể Công không còn cảm thấy sự thiếu vắng của Quốc Trung và Như Thành. Khoảng trống mà các đàn anh để lại đã được Anh Tuấn lấp đầy một cách xứng đáng.
Giờ, ở Thể Công, người ta đã nhắc đến Tuấn “Hòa Bình” nhiều hơn và coi anh như một trong những trụ cột khó thay thế.
Chuyện của Thành “kếu”
Nếu như Anh Tuấn phải “chờ thời” ngót 5 năm, thì con đường bóng đá của Như Thành gián đoạn theo cách khác. Thành khởi đầu nhanh và thuận lợi hơn Tuấn, nhưng lại “vấp” đúng vào thời điểm mà anh cần chứng tỏ nhất. Vết sẹo ở JVC Cup 2003 chắc chắn là một trong những kỷ niệm đau nhất mà Như Thành phải trải qua.
Ngày rời Thể Công, Như Thành cũng nhiều trăn trở và đã có lần, cầu thủ này gọi đó là quyết định khó khăn trong sự nghiệp của mình. Nhưng, tất cả dường như đã được sắp sẵn. Như Thành không thể ở lại Thể Công vì ở chính “cái nôi” đó nhiều người không mặn mà giang tay với anh. Tuy vậy, trong chừng mực nào đó, Như Thành vẫn hàm ơn Thể Công. Bởi dù không bảo vệ anh đến cùng sau “tai nạn” trước thềm SEA Games 22, nhưng đội bóng này từng là nơi đào tạo và “cho” anh nền tảng nghề nghiệp như ngày hôm nay.
Như Thành sẽ có dịp đọ sức với đàn em Tuấn Hòa Bình
Như Thành đến Bình Dương nhưng phải “nằm chờ” hết án kỷ luật với nhiều dấu hỏi cho sự trở lại. Cũng may, sau khi được phép thi đấu ở giai đoạn 2 V.League 2007, Thành được thi đấu trong một đội hình đồng đều và nhanh chóng lấy lại phong độ đỉnh cao. Chính nền tảng đó đã giúp anh trở lại ĐT Việt Nam. Tiếp đó, như gặp “vận”, Thành thi đấu thành công ở Asian Cup 2007 và được đánh giá là một trong những gương mặt nổi bật nhất của BĐVN trong năm. Trước thành công này, Như Thành khiến nhiều người ở Thể Công phải tiếc. Với cá nhân Như Thành, đó cũng là câu trả lời hoàn hảo nhất cho những chỉ trích mà người ta từng nhắm vào anh.
Khẳng định được thương hiệu ở cả cấp độ CLB lẫn ĐTQG, nhưng một trong những mong muốn lớn nhất của Như Thành là được trở lại thi đấu với Thể Công thì mùa trước anh mới được toại nguyện (vì Thể Công phải chơi 3 mùa ở giải hạng Nhất). Ngày gặp lại đội bóng cũ, Thành “kếu” không giúp B.BD tránh được thất bại trên sân nhà (thua 0-1) và anh cũng chẳng thể làm gì khi hai đội quyết định “chia điểm” ở Mỹ Đình trong trận lượt về (hòa 0-0). Nhưng trong cả hai trận đấu đó, Thành “kếu” đều chơi tốt và chứng tỏ được năng lực của mình.
Chiều Chủ nhật tới, một lần nữa Như Thành gặp lại Thể Công. Lần này, cảm xúc bồi hồi như V.League 2008 không còn nữa. Nhưng Thành “kếu” lại đang đứng trước một thử thách khác: Chứng minh khả năng để các CĐV áo lính phải nhớ đến mình, dù bên phần sân đối diện, đàn em Tuấn “Hòa Bình” đang ngày một trưởng thành.
(Theo Báo Bóng Đá)