Trong ngày nhậm chức, tân HLV trưởng ĐTVN Henrique Calisto khẳng định ông không cần đến sự điều chỉnh của chế tài ghi trong hợp đồng mà sẽ tự nguyện ra đi nếu bóng đá Việt Nam không có thành công trong 2 năm ông tại vị.
Muốn thắng Thái Lan, cần hiểu Thái Lan
PV: Chúc mừng ông đã trở thành HLV trưởng ĐTVN. Ông sẽ làm gì đầu tiên sau buổi lễ ký hợp đồng?
HLV Calisto: Ngay trong vài ngày tới, tôi sẽ làm việc với lãnh đạo VFF và Hội đồng HLV QG để tìm kiếm một ekip huấn luyện phù hợp, có năng lực. Sau đó, tôi sẽ liên hệ với các HLV trong nước, cùng trao đổi về các cầu thủ để bắt đầu hình thành một đội hình cho đợt tập trung sắp tới.
Một việc rất cần kíp với tôi là nghiên cứu về các đối thủ ĐNÁ. Từ khi thôi dẫn dắt ĐTVN, tôi chỉ nắm được các đối thủ này qua những trận đấu của họ. Muốn thắng Thái Lan chẳng hạn, chúng ta cần hiểu rõ Thái Lan; với các đối thủ khác cũng thế. Tôi rất vui vì trở thành HLV trưởng ĐTVN, nhưng không có nhiều thời gian để tận hưởng cảm giác này.
Trong 2 năm của bản hợp đồng, ông có 3 nhiệm vụ chính thức: AFF Cup 2008, SEA Games 25 và vòng loại Asian Cup 2001 - giải đấu mà ông Alfred Riedl đã đưa ĐTVN tới Tứ kết. Với ông, mục tiêu nào quan trọng nhất?
Mục tiêu quan trọng nhất là mục tiêu trước mắt. Là HLV, tôi không thể ngồi đây và nghĩ tới một trận đấu nào đó trong tháng 6. Thay vào đó, tôi nghĩ tới những trận đấu trước mắt mình. Tôi muốn thắng tất cả các trận đấu, nhưng chắc chắn mục tiêu thực tế nhất của chúng ta vẫn là các giải đấu ở ĐNÁ.
Ông Calisto trong lễ ký hợp đồng với đại diện VFF, Phó chủ tịch Dương Vũ Lâm
Ông tự tin mình sẽ lọt vào CK AFF Cup năm nay không, khi mà khoảng 50% những người hâm mộ trong một cuộc thăm dò trên mạng internet nghĩ rằng ĐTVN không thể lọt vào trận đấu này?
Tôi không hứa trước điều gì cả. Tôi chỉ nỗ lực làm tốt nhất phần trách nhiệm của mình, xây dựng lối chơi, tìm kiếm cầu thủ và giúp ĐTVN thi đấu tốt nhất có thể. Tôi tin vào chính mình và tin vào những cầu thủ hiện có của BĐVN.
Nhưng có một thực tế là ở ĐNÁ, trình độ của BĐVN hiện ngang tầm với Thái Lan, Indonesia, Singapore và không có gì bất ngờ nếu một trong các đội này thắng chúng ta hoặc ngược lại. Nếu các cầu thủ thi đấu tốt, biết đâu những người trong số 50% đó sẽ thấy mình đã sai.
Xin hỏi một điều mà không ai muốn xảy ra nhưng hoàn toàn có thể xảy ra: trong bản hợp đồng của ông với VFF có điều khoản nào quy định chế tài xử lý nếu ông không đạt mục tiêu cùng ĐTVN?
Tất nhiên, đó là một bản hợp đồng như mọi bản hợp đồng giữa một LĐBĐ với một HLV trưởng. Tôi là một HLV chuyên nghiệp, và tôi quen với cảm giác được tung hô khi thành công và chịu cay đắng khi thất bại.
Nếu ĐTVN thi đấu tồi và tôi cảm thấy mình không thể làm gì hơn được nữa, tôi sẽ chủ động từ chức chứ không đợi đến lúc bị mời lên và cùng xem xét những điều khoản, chế tài trong hợp đồng.
Có một điều hơi bất thường (so với quy định chung của FIFA) trong các tiêu chí tuyển HLV của VFF là HLV được chọn cần chấp nhận ý kiến tư vấn của thường vụ và bộ phận chuyên môn trong nước trong một số vấn đề liên quan đến chuyên môn. Ông vẫn sẽ là người có quyền quyết định cao nhất và chịu trách nhiệm cho quyết định đó chứ?
Tôi sẽ quyết định về chuyên môn, nhưng tham khảo thêm ý kiến của các trợ lý là điều tốt, vì họ là người Việt Nam, rất hiểu bóng đá Việt Nam.
ĐT Việt Nam sẽ chơi bóng theo phong cách Latin
Qua 8 năm gắn bó với bóng đá Việt Nam, hẳn ông đã hiểu nhiều về nền bóng này. Ông có thể đánh giá chung về điểm mạnh, điểm yếu của cầu thủ Việt Nam?
Nói về điểm yếu trước: có người cho rằng cầu thủ Việt Nam có thể lực yếu, nhưng tôi không cho là như vậy. Cầu thủ VN đủ sức thi đấu 90 phút, chứ không chỉ là 1 tiếng đồng hồ như hồi tôi mới đến đây. Bằng chứng là ở V-League, rất nhiều đội đã ghi bàn và giành chiến thắng ở những phút cuối, nếu không có thể lực họ không thể làm được điều đó.
Điểm yếu lớn nhất của ĐT Việt Nam là tâm lý và mục tiêu. Nếu chúng ta để ý, ở các giải đấu có mục tiêu rõ ràng, các cầu thủ đã chơi rất hay. Nhưng khi được giao những mục tiêu chung chung, họ lập tức đá kém hẳn. Tương tự, trong những thế trận thuận lợi, ĐTVN thường đá tốt, nhưng khi bị đẩy vào thế bất lợi, họ lại không thể hiện được mình.
Còn điểm mạnh, cầu thủ Việt Nam nhỏ nhưng rất nhanh nhẹn, nhiều cầu thủ có kỹ thuật tốt và đặc biệt tinh thần chiến đấu rất cao. Theo quan sát của tôi, có ít nhất 5 cầu thủ Việt Nam đủ sức ra nước ngoài thi đấu, nhưng như tôi nói đấy: họ thiếu mục tiêu để tiếp tục phát triển tài năng.
Sắp tới ông sẽ phải tuyển chọn đội hình cho đợt tập trung đầu tiên trong năm của ĐTQG, ông sẽ chọn cầu thủ dựa trên tiêu chí nào?
Có 2 tiêu chí: phong độ và trình độ của cầu thủ đó. Nếu một cầu thủ giỏi không có phong độ tốt tại thời điểm ĐTQG tập trung, anh ta cũng sẽ không được gọi và ngược lại, những gương mặt mới muốn vào ĐTQG cũng cần thể hiện được phong độ ổn định trong một thời gian đủ dài.
Trước mắt Calisto là mục tiêu vào CK AFF Cup
Ông sẽ xây dựng phong cách chơi nào để phù hợp với những điểm mạnh - yếu của cầu thủ VN?
Cầu thủ Việt Nam nhỏ, khéo, xoay xở tình huống tốt nên tôi sẽ chọn lối đá nhanh, phối hợp nhỏ và thiên về trung lộ. Nói cách khác, ĐTVN phù hợp với lối đá Latin. Thể hình yếu kém mà lựa chọn lối chơi dãn biên, bóng dài theo trường phái Anglo Saxon chẳng khác nào dùng sở đoản để chống sở trường của đối thủ. Có người nói tôi chủ trương chơi phòng ngự, nhưng tôi không gọi triết lý bóng đá của mình là phòng ngự hay tấn công. Phòng ngự hay tấn công tuỳ thuộc vào đối thủ, thế trận, tình thế.
Năm 2002, khi dẫn dắt ĐTVN vào thời điểm giao thoa các thế hệ, ông đã phát hiện cho BĐVN nhiều cầu thủ giỏi như Tài Em, Minh Phương, Trường Giang… Năm nay, ông có tin mình sẽ tiếp tục giới thiệu những gương mặt mới?
Hiện tôi cũng có một cái khó hơn. Năm 2002, tôi huấn luyện ĐT.LA thi đấu ở hạng Nhất và lúc đó tôi nhìn thấy tiềm năng ở nhiều cầu thủ hạng Nhất. Nhưng bây giờ, tôi chỉ nắm nhiều thông tin về các đội V-League và ở giải đấu cao nhất này, hầu hết các cầu thủ tài năng đều đã được giới truyền thông và chuyên môn nhìn thấy.
Để làm được điều tương tự như năm 2002, tôi sẽ liên hệ ngay với các HLV trong nước. Tôi cần sự hợp tác của họ, và hy vọng rằng khi tôi không còn là đối thủ của họ (với vai trò HLV trưởng ĐT.LA – PV), họ sẽ sẵn sàng hợp tác với tôi vì mục tiêu chung của BĐVN.
Trong quá trình tuyển chọn cầu thủ, liệu vô thức hay hữu thức ông có một sự ưu ái nào đó đối với cầu thủ ĐT.LA?
Tôi là người chịu trách nhiệm về thành, bại của ĐTQG, nên việc lựa chọn người cần cân nhắc kỹ để chọn được những người tốt nhất. Minh Phương, Fabio Santos (vừa nhập quốc tịch Việt Nam với tên gọi Phan Văn Santos – PV), Tài Em… là những cầu thủ tốt và nếu họ có phong độ ổn định, tôi sẽ chọn họ mà không quan tâm đến việc họ đá cho ĐT.LA hay CLB nào khác.
Nihều người cho rằng ông là một HLV giỏi nhưng cũng có nhiều thói xấu như hút thuốc lá, hay nổi cáu… Ông sẽ làm gì để hạn chế những thói xấu đó và làm tấm gương tốt cho các cầu thủ Việt Nam, vốn chưa hẳn là những cầu thủ chuyên nghiệp?
(Cười) Những trận trước, tôi hút cả gói thuốc lá nhưng trận vừa rồi tôi hút nửa gói thôi. Hy vọng dần dần tôi sẽ bỏ được thuốc lá để bảo vệ sức khoẻ của cầu thủ và của chính tôi nữa. Còn việc nổi nóng ư, mọi sự nổi nóng đều có nguyên nhân, và sự nổi nóng đúng mức, chừng mực tôi cho là không có gì phải phàn nàn.
Một câu hỏi tế nhị khác: năm 2002, khi cầm quân ĐTVN ông là người rất quả quyết, thẳng thắn đến gay gắt. Sau ngần ấy năm làm việc với nền bóng VN, Calisto có còn như xưa?
Tôi vẫn thế, không ai điều khiển được tôi và gây áp lực được với tôi cả. Lần này, tôi tỏ ra mềm dẻo hơn, đơn giản vì tôi tin tưởng hơn và nhất trí cao hơn với những người làm việc với mình.
Xin cảm ơn ông và hy vọng một kỷ nguyên thành công mới của BĐVN!
(Theo Dân Trí)