BĐVN sau một thoáng mơ màng ở Asian Cup bây giờ sẽ hướng đến cái đích nào: Vươn vai cùng bạn bè châu lục hay lại trở về “vườn tù” ĐNA? Bao giờ cũng thế, những mục tiêu mang tính ảo tưởng luôn tạo ra một độ vênh so với thực tế, nhưng những kiểu rụt rè mang tâm lý “thỏ con” cũng sẽ giết chết khát vọng vươn lên...
Vì vậy, sau một thoáng bay bổng, mơ màng, cái cần thiết nhất lúc này là phải xác định thật chuẩn xem mình đang ở đâu, và trong tương lai ngắn có thể đi tới những đâu. 1. Ta ở đâu? Muốn biết xem “ta ở đâu” cần thiết phải chỉ ra đối tượng mà ta so sánh. Nếu nhìn từ Sea Games 23 và AFF Cup 2007, nghĩa là trong hệ qui chiếu của cái “vườn tù” ĐNA thì BĐVN xếp sau Singapore và Thái Lan. Nhưng nếu nhìn từ Asian Cup 2007, và nhìn ở góc độ số học đơn thuần thì BĐVN là vua ĐNA. Đơn giản là ĐT của chúng ta đã vào tới tứ kết Asian Cup còn các đội bóng ĐNA khác thì không.
ĐT Việt Nam vào tứ kết Asian Cup 2007 một phần là do may mắn
Tuy nhiên, nếu đã lập luận theo kiểu “trần xì” như thế thì cũng có thể lập luận theo một kiểu logic “trần xì” khác: Nếu Thái Lan và Việt Nam đổi vị trí cho nhau, nghĩa là Thái Lan chỉ phải gặp những UAE, Qatar còn Việt Nam phải gặp Iraq, Oman, Astralia ở vòng bảng thì điều gì sẽ xảy ra?
Trước khi đặt bút viết bài này người viết vào Google gõ cụm từ “ĐTVN + Asian Cup 2007” thì nhận được 73.300 kết quả trong 0,09 giây tìm kiếm. Và có rất nhiều bài báo trong cái tổng 73.300 kia tồn tại cụm từ: “Sau khi may mắn lọt vào tứ kết, ĐTVN đã bị loại”.
Điều đó nói lên cái gì? Điều đó nói rằng: Những thành tích của chúng ta ở Asian Cup có tới 50% sự đóng góp của thần may mắn. Ông TTK VFF Trần Quốc Tuấn lý luận về cái sự may mắn này: “Trong một trận đấu, các cầu thủ phải chạy thì mới có cơ hội. Vậy trong một giải đấu chúng ta cũng phải nỗ lực rất nhiều thì mới có may mắn”.
Tuy nhiên khi chúng tôi đẩy vấn đề lên một nấc để đặt cho ông câu hỏi sau một chiến tích được làm bằng may mắn và nỗ lực BĐVN thực sự đang ở đâu, ở tầm châu lục hay ở tầm ĐNA thì câu trả lời của ông chỉ là một mệnh đề rất chung chung: “thành công đã khó, giữ được nó càng khó hơn”.
Tất cả khiến người ta có cảm giác rằng bản thân những người điều hành nền BĐ hiện tại cũng không trả lời được câu hỏi “Ta ở đâu?”. Và hình như họ cũng chẳng tìm kiếm câu trả lời ấy một cách thật sự nghiêm túc.
2. Thực trạng và đà tiến
Nếu nhìn vào thực trạng, chúng tôi dám khẳng định ĐTVN không mạnh hơn ĐT Thái Lan và ĐT Indonesia. Những gì mà cả Thái Lan lẫn Indonesia trình diễn tại vòng bảng Asian Cup là thực sự đáng khen ngợi. Và nếu chúng ta đem quân đấu với Thái Lan, Indonesia vào lúc này, hiển nhiên, việc thắng họ là điều không đơn giản. Đấy là còn chưa nói tới ẩn số Singapore, một đội bóng luôn có khả năng gây bất ngờ ngay cả khi “hệ số niềm tin” mà người ta đặt vào họ xuống đến mức cực tiểu.
Thế nhưng Việt Nam đang có 1 thứ mà tất cả các đội bóng ĐNA khác hiện nay không có: đà tiến. Rõ ràng là các cầu thủ của ĐTVN đã tiến so với chính mình, đã tiến so với niềm tin người hâm mộ đặt vào, và tiến so với niềm tin của chính họ. Chưa bao giờ chúng ta có được một thế hệ cầu thủ dám chơi bóng một cách sòng phẳng, tự tin trước các “ông kẹ” châu lục như vậy.
Thế thì với cái đà tiến đó, ĐT U23 QG liệu chăng cũng sẽ tiến lên một nấc thang mới (đoạt HCV) ở SEA Games 24 cuối năm nay? Trước câu hỏi này, một lần nữa ông TTK Trần Quốc Tuấn không trả lời “có thể”, cũng chẳng bảo là “không thể”. Hay là ông muốn đợi cuộc họp BCH VFF diễn ra ngày 4/8 tới đây rồi mới đưa ra câu trả lời đích thực chăng?
3. Kết luận
Tất cả những gì đã diễn ra cho chúng tôi một cảm giác rằng khi ĐTQG “vui” thì ai cũng vỗ tay vào, nhưng vỗ tay thế rồi thôi. Cuộc vui rồi cũng đi qua, những câu hỏi đáng ra phải trằn trọc, phải nhức nhối như “Ta đang ở đâu?”, “Ta có thể phấn đấu đến mức nào?” thì chẳng ai nhìn nhận một cách nhiêm túc, từ đó mổ xẻ một cách nghiêm túc.
Chẳng nhẽ những gì các cầu thủ làm được ở Asian Cup chỉ giống như một thoáng mơ màng?
(Theo Dân Trí)