Sự thay đổi lớn nhất từ hiệu ứng chiếc Cúp vô địch Đông Nam Á là cách xây dựng và phát triển các đội tuyển quốc gia cũng như là đặt ra cho nó những mục tiêu để phấn đấu.
2 mục tiêu
Một tấm HCV của U23 VN. Một tấm vé để ĐTVN tiếp tục có mặt ở Asian Cup sau lần đầu tiên được xuất hiện ở đó với tư cách của nước đồng chủ nhà năm 2007. Hai mục tiêu ấy vừa mang tầm khu vực vừa mang tầm châu lục, nếu đoạt được, sẽ thừa đủ để đánh giá về tiềm lực của một nền bóng đá
Vòng loại Asian Cup 2011 sẽ còn tiếp tục cho tới năm 2010, nhưng sự thành bại của ĐTVN trong việc thực hiện mục tiêu giành vé tham dự vòng chung kết có thể được định đoạt ngay trong năm 2009 với 4 trong tổng số 6 trận đấu có sự tham dự của ĐTVN được tổ chức.
Ở bảng đấu mà ĐTVN hiện diện với tư cách là một hạt giống, dù chẳng có ai đương nhiên đoạt vé, nhưng phải thừa nhận một điều Trung Quốc là ứng viên lớn nhất. Tấm vé còn lại là cuộc cạnh tranh của 3 đội bóng còn lại, Lebanon, Syria và Việt Nam.
Nhiệm vụ trong năm 2009 của bóng đá VN là rất nặng nề |
Trong số 4 trận đấu diễn ra trong năm 2009, có tới 3 trận đấu sẽ diễn ra với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp, 1 với Lebanon và 2 với Syria. Lebanon không phải là một đội bóng xa lạ, chúng ta đã từng gặp họ trong năm 2004 ở vòng loại World Cup và thất bại. Nhưng chiến tranh đã làm hao tổn sức mạnh của họ. Năm 2008, việc Lebanon bị Singapore đánh bại trong cả 2 lượt đi và về đã cho thấy đội bóng từng đánh bại chúng ta 2-0 ở Thiên Trường 4 năm về trước chỉ còn là một đội bóng ngang tầm. Syria thì xa lạ hơn và có vẻ là một đội bóng mạnh thực sự vì nó từng đã từng đánh bại Iraq (ĐKVĐ Asian Cup), Oman và đá ngang phân với Saudi Arabia cũng như Bahrain trong năm 2008.
Bởi thế, xét về mặt lý thuyết, trận đấu đầu tiên ngày 14/1 tới đây với Lebanon ở Mỹ Đình và 2 lượt đấu đi-về cùng với Syria sẽ quyết định chúng ta có giành nổi tấm vé đi Qatar vào năm 2011 hay không.
Trong khi ấy, mục tiêu thứ hai của BĐVN là giành được tấm HCV bóng đá đầu tiên ở SEA Games, nơi mà chúng ta cho đến hôm nay cũng mới chỉ dừng lại ở tấm HCB. Cuộc chinh phục vào tháng 12-2009 không phải là một nhiệm vụ đơn giản vì sự thống trị của Thái Lan suốt 8 kỳ đại hội liên tiếp vẫn chưa có dấu hiệu suy suyển, trong khi sự cạnh tranh của Singapore, Myanmar và Indonesia là không thể bỏ qua.
Và phải là 2 đội bóng
Hơn nữa, khi đặt ra 2 mục tiêu cụ thể ở 2 cấp độ khác nhau thì chúng ta cần phải xây dựng và duy trì đồng thời 2 đội bóng. Đó là cách mà các nền bóng đá phát triển khác vẫn làm. Tuy nhiên, đấy là một nhiệm vụ không đơn giản.
Không đơn giản vì lịch thi đấu của vòng loại Asian Cup lại cắt ra làm 2 đoạn, tháng 1/2009 đá 2 trận và mãi tới tháng 11/2009 đá tiếp 2 trận nữa. Trong khi ấy, với cách sắp xếp lịch của VFF thì hầu hết những giải đấu giao hữu đều được sử dụng để phục vụ cho đội U23. 10 tháng đứt quãng đối với một đội bóng là một thách thức cho nhiệm vụ phải duy trì tính liên tục về lối chơi, khả năng phối hợp và xây dựng tính đoàn kết. Chúng ta không nhất thiết phải tập trung dài hạn, và sẽ là tối ưu nếu như đội bóng được thi đấu đều đặn trong khoảng 1-2 tháng/trận.
Điều nay không đơn giản vì chúng ta chỉ có một mình ông Calisto trong khi lại có 2 đội tuyển hoạt động song song. Hãy thử tưởng tượng, trung tuần tháng 11/2009 chúng ta phải đá 2 trận của ĐTQG ở vòng loại Asian Cup, thì đội U23 lúc ấy lại đang tập trung và chuẩn bị bước vào SEA Games 25 tại Lào. Mà như đã nói ở trên, thì dù là 2 nhiệm vụ ở 2 tầm khác nhau, nhưng xét về mức độ quan trọng thì rất khó để lựa chọn cái nào thấp hơn.
Lịch thi đấu của các ĐTQG năm 2009 Ngày/Trận đấu/Địa điểm/Giải đấu 14/1: Việt Nam – Lebanon/Hà Nội/VL Asian Cup 21/1: Trung Quốc – Việt Nam/Chiết Giang/VL Asian Cup 14/11Việt Nam – Syria/Hà Nội/VL Asian Cup 18/11: Syria – Việt Nam/Syria/VL Asian Cup Tháng 10: U23 Việt Nam đá 3 trận/TPHCM/Cúp TP HCM Tháng 11: U23 VN đá 3 trận/Hà Nội/T&T Cup Tháng 12: U23 VN /Lào/SEA Games |
(Theo Thể Thao Văn Hóa)