+ Vậy rốt cuộc ta phải đọc tên Michael Ballack ra sao?
Trong tiếng Đức, người ta không đọc từ Michael giống như trong tiếng Anh, đó là mấu chốt của vấn đề. Thường thường, người Việt Nam (và cả phần đông các bình luận viên bóng đá Việt Nam) có xu hướng “Anh hoá” tên của các cầu thủ, điều này có thể gây phản cảm với các khán giả ngoại quốc.
Từ Michael thường được phát âm giống như “Mai-cơn” bởi người Việt, nhưng một người Đức sẽ đọc Michael là “Mi-sha-el”. Không chỉ có Ballack thường bị chúng ta đọc sai tên, cả huyền thoại đường đua công thức I Michael Schumacher cũng bị “gán” cho cái tên giống như một người Anh đó.
Những ngày này giới hâm mộ môn thể thao Vua và đặc biệt là Quỷ đỏ thành Liverpool nhắc rất nhiều đến cái tên Dirk Kuyt. Phong độ xuất sắc của anh trong những trận đấu vừa qua đã đem lại cho các cổ động viên của The Kops hy vọng về một người xứng đáng thay thế Michael Owen, vị trí Liverpool đã tìm kiếm mấy năm nay.
Thế nhưng chính cái tên Dirk Kuyt lại thường xuyên bị chúng ta đọc sai! Trong tiếng Hà Lan, âm tiết “uy” không được đọc đúng là “uy” như phần lớn các bình luận viên thể thao Việt Nam thường đọc. Người Hà Lan đọc “uy” theo một cách giống như “oi”. Chính vì thế, tên Kuyt phải đọc đúng là “K-oi-t”.
Tương tự như vậy, bạn đến Amsterdam và say sưa nói về huyền thoại Johann Cruyff với “hảo ý” bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình về ông. Nhưng bạn sẽ rất thất vọng bởi sẽ chẳng có ai biết cái ông “Cruyff” bạn vừa nói đến là ai. “Thánh Johann” của họ phải được gọi là “Cr-oi-f”!
+ Trận đấu Manchester City gặp Everton tại Premier League vừa qua đã trở nên đáng nhớ với hành động vạch “bàn toạ” ra và “bày” ra trước mặt các cổ động viên đối phương của Joey Barton. Sau đó anh chàng này đã nhận án phạt của FA. Vậy trong lịch sử đã từng có ai chịu phạt vì hành động tương tự?
“Tuyệt phẩm” của Joey Barton.
Câu trả lời là: Có! Thậm chí xung quanh những “sự kiện” đó còn có những câu chuyện rất thú vị.
Trong những năm 1970, Terry Mancini (QPR) và Sammy Nelson (Arsenal) đã đều bị phạt vì dám vạch “hậu” của mình ra nơi công cộng. Câu chuyện của Mancini đã là đề tài được người Anh hết sức thích thú vào thời gian đó.
Số là Mancini rất muốn được đến thi đấu cho Arsenal, CLB thành London cũng quan tâm đến anh nhưng QPR nhất quyết không để trụ cột của mình ra đi. Hậu quả là sau một trận đấu tại sân Loftus Road, Mancini hướng lưng về phía khu VIP của ban lãnh đạo CLB và … từ từ tụt quần xuống!
Tất nhiên, Mancini đã nhận một án phạt không hề nhẹ nhàng vào thời điểm đó: 150 bảng cùng án treo giò 2 trận. Thế nhưng những gì ông nhận được còn lớn hơn nhiều: Bốn ngày sau vụ việc ầm ĩ nọ, QPR quyết định “bán quách” ông cho Arsenal.
Tại đây Mancini gặp Sammy Nelson, người cũng từng tụt quần khoe “bàn toạ” để ăn mừng bàn thắng trong trận đấu gặp Coventry. Nelson cũng bị treo giò 2 tuần.
Sammy Nelson nổi tiếng với hình ảnh này.
Không ai dám “tái phạm” hành động đó cho đến năm 1988, khi cả một nhóm cầu thủ của Wimbledon, dẫn đầu là Vincent Jones chọn cách tụt quần để cổ vũ lễ tôn vinh huyền thoại Alan Cork. “Đoàn quân” 9 người của Vincent đứng trên dải phân cách của con đường mang tên Plough rồi lần lượt “hành động” đến khi người qua đường “mãn nhãn” và cảnh sát ập đến.
Sau đó, mỗi kẻ “chơi trội” này đều phải nộp phạt 750 bảng cho FA, và Wimbledon phải nộp phạt 5000 bảng vì tội không quản lý được… quần của các cầu thủ! Ai từng ghi được nhiều hat-trick nhất cho đội tuyển Anh?
Đội tuyển Anh từng có rất nhiều những “máy săn bàn” trong lịch sử, nhưng người có nhiều hat-trick nhất không phải một cái tên quen thuộc: James Greaves. Greaves đã ghi đến 6 hattrick cho tuyển Anh trong khoảng thời gian từ tháng 10 năm 1960 đến tháng 6 năm 1966.
Đứng ở vị trí thứ 2 là một huyền thoại: Gary Lineker. Cựu ngôi sao của Spurs và Liverpool đã có 5 hat-trick cho đất nước mình từ năm 1985 đến năm 1991, 2 trong số đó là vào lưới Thổ Nhĩ Kỳ, số còn lại được “chia đều” cho Ba Lan, Tây Ban Nha và Malaysia.
Cùng nhận “huy chương đồng” là Vivian Woodward và Sir Bobby Charlton, cả hai đều có 4 hat-trick. Một trong số những lần ghi điểm của Charlton trùng với Greaves, đó là khi Anh thắng Luxembourg 9-0 năm 1960..
+ Khi Ashley Cole và Michael Ballack chuyển sang Chelsea, cả hai đều luôn khăng khăng rằng mình đến với Abramovic không phải vì tiền. Dẫu lý do có là gì thì những lời biện bạch của Cole và Ballack cũng là thông cảm được vì có ai lại tự nhận như thế. Tuy nhiên, dù hiếm nhưng lịch sử bóng đá cũng đã ghi nhận những cầu thủ “thẳng thắn” với công luận.
Tháng 3 năm 2006, tiền đạo đội tuyển Scotland, Garry O’Connor đã hé lộ về kế hoạch tài chính dài hơi của mình, trong đó phi vụ chuyển từ Hibernian sang Lokomotiv Moscow đóng 1 vai trò lớn. O’Connor dự định rằng anh sẽ kết thúc sự nghiệp ở tuổi 35 với 10 triệu bảng trong tài khoản. Và Lokomotiv là nơi có thể giúp anh thực hiện được tham vọng đó.
"Tôi muốn lo lắng cho gia đình mình,” O’Connor thừa nhận. “ Nếu tôi vẫn độc thân, không có Lisa và Josh (vợ và con trai anh), có lẽ chẳng bao giờ tôi đến nước Nga. Giờ thì bản hợp đồng 5 năm với Lokomotiv sẽ giúp tôi toại nguyện”.
Radzinski từng công khai tuyên bố
tới Everton chỉ vì tài chính.
Một gương mặt khác không mấy xa lạ với độc giả Việt Nam là tiền đạo Tomasz Radzinski. Tomas đã rất thẳng thắn khi nói về lý do mình đến Everton từ Anderlecht năm 2001.
“Tôi thừa biết rằng Everton không phải một CLB hàng đầu, họ cũng không thi đấu tại Champions League như Anderlecht,” Tomas nói. “Nhưng lời đề nghị của họ là quá hấp dẫn. Một bản hợp đồng 4 năm tuyệt vời, ở đó tôi sẽ kiếm được gấp 3 số tiền lương của mình ở Anderlecht!”.
Năm 1989, Chris Waddle, một cầu thủ đội một Tottenham và là fan của CLB này từ thuở nhỏ đã chuyển đến Marseille với lời bộc bạch rất chân thành: “Đơn giản là tôi buộc phải chấp nhận Marseille. Họ đưa ra mức lương có thể đảm bảo cho tương lai của cả gia đình tôi”.
+ Ai cũng biết CLB số một của thế kỷ 20 Real Madrid sở hữu một SVĐ huyền thoại: Santiago de Bernabéu. Nhưng chính xác tên của sân bóng này được đọc như thế nào?
Sân vận động huyền thoại Santiago Bernabeu.
Đúng vậy, cách đọc tên sân Bernabéu không được biết đến nhiều như đội bóng sở hữu nó. Đây đó trên thế giới, hàng ngày người ta vẫn đang tranh cãi về cách đọc tên Bernabéu, là “Bec-na-bơ” hay “Bec-na-bêu” hay ...? Các bình luận viên bóng đá Việt Nam cũng chưa thống nhất được với nhau về vấn đề này.
Thực ra, âm tiết “Ber” trong cái tên Bernabéu thường xuyên được người Việt Nam đọc chuẩn. Sự chính xác đó tình cờ được hình thành khi người Việt chịu ảnh hưởng của cách đọc tiếng Pháp và trong tiếng Tây Ban Nha, cách đọc âm tiết này giống hệt với tiếng Pháp: “Bec”.
Vấn đề nằm ở 3 chữ cái b-é-u (chữ e ở đây có dấu). Nhiều người thường đọc theo cách phát âm của tiếng Anh là “bơu”, nhưng nếu bạn đến Madrid và hỏi đường đến sân “Bec-na-bơu”, sẽ không ai biết để chỉ đường cho bạn.
Do có cùng ngữ hệ, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp có cách đọc nguyên âm tương đồng nhau. Theo đó, với “b-é-u”, cách đọc chuẩn phải là “bêu”. Cần phải nói thêm rằng với chữ “e” có dấu, trọng âm của Bernabéu rơi vào âm tiết “bêu”.
Hy vọng rằng với một vài dòng giải thích trên đây, tác giả có thể phần nào giúp quý độc giả hiểu biết hơn và từ đó đam mê bóng đá hơn.
Theo Dân Trí