Cuộc "hỗn chiến" ở Catania cuối tuần qua đã tạo ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ trong dư luận Italy và đặt LĐBĐ nước này (FIGC) trước đòi hỏi phải xử lý triệt để nạn hooligan đang hoành hành. Trước mắt, FIGC cân nhắc khả năng cấm giới tifosi vào các sân vận động xem bóng đá đến hết mùa giải 2006-2007.
Thông báo hoãn trận Inter - Roma
Song song với tiêu cực, dàn xếp, móc ngoặc tỷ số, bạo hành trong và ngoài sân cỏ cũng là một vấn đề nhức nhối của làng bóng đá Italy từ nhiều thập niên trở lại đây. Nhưng nếu vấn nạn đầu tiên đã được xử lý tương đối triệt để với phiên tòa Calciopoli hồi mùa hè năm ngoái, thì dường như giới chức bóng đá cũng như các cơ quan thực thi công lý ở Italy vẫn đang lúng túng trong việc đối phó với vấn nạn thứ hai. Chính thái độ chần chừ, thiếu kiên quyết này đã dẫn đến hàng loạt sự cố do giới tifosi gây nên trên khắp Italy trong ít năm trở lại đây mà mới nhất là cuộc hỗn chiến hôm thứ sáu. Raciti, viên cảnh sát qua đời sau khi lĩnh trọn quả bom tự tạo của những kẻ quá khích ở Catania, không phải là người đầu tiên và có lẽ chưa phải là người cuối cùng bỏ mạng bởi hành vi bạo lực của giới tifosi.
Ngay sau khi được thông báo về sự cố ở Catania, quyền chủ tịch FIGC, Luca Pancalli đã ra lệnh tạm dừng tất cả các hoạt động bóng đá trên lãnh thổ Italy, đồng thời hứa hẹn sẽ làm mạnh tay để xử lý cương quyết tình trạng bạo lực hiện tại. Ông khẳng định: "Quyết định tạm ngừng các hoạt động bóng đá ở Italy sẽ còn có hiệu lực đến chừng nào chúng ta tìm ra biện pháp phù hợp để vãn hồi trận tự". Vị quyền chủ tịch này khẳng định những biện pháp cụ thể sẽ được thông qua sau cuộc họp diễn ra trong ngày hôm nay giữa FIGC và bà Bộ trưởng thể thao Giovana Melandri, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc gia (CONI) Gianni Petrucci cùng Thủ tướng Italy, Romano Prodi.
Chưa được tiết lộ, nhưng theo một nhân vật giấu tên từ FIGC, nhiều khả năng cơ quan quản lý bóng đá này sẽ đề nghị CONI và chính phủ Italy cho phép hoãn mùa giải hiện tại ít nhất 2 tuần tính từ ngày xảy ra sự cố ở Catania dù việc này có thể khiến các CLB ở 2 hạng đấu cao nhất là Serie A và Serie B thiệt hại xấp xỉ 60 triệu euro. Khi trở lại, tất cả các đội bóng sẽ thi đấu trong sân vận động không khán giả đến hết mùa bóng.
Nhân vật giấu tên trên cho rằng những biện pháp kể trên sẽ giúp bản thân các CLB và nhà chức trách nơi các CLB này đóng quân, có đủ thời gian để kiện toàn hệ thống an ninh cho sân vận động theo đúng quy định của luật Pisanu (theo tên gọi của Bộ trưởng Nội vụ Italy Giuseppe Pisanu) ban hành tháng 4/2006. Theo đó, tất cả các CLB phải đảm bảo đủ số camera an ninh trên các sân, bán vé có in tên và số ghế của các CĐV, phải có lực lượng an ninh giám sát trên các khán đài nhằm ngăn chặn những hành vi quá khích. Đây là những quy định mà hiếm sân vận động nào ở Italy tuân thủ chặt chẽ trong thời gian qua.
Trong khi đó, dư luận trong và ngoài Italy vẫn không ngớt lên án hành vi bạo lực của các tifosi ở Catania hôm thứ sáu vừa qua. Ông Sergio Campana, chủ tịch Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp Italy (AIC) là người lên tiếng gay gắt nhất: "Chúng ta nên đình chỉ tất cả các hoạt động bóng đá đến hết năm 2007 để nhìn lại những khía cạnh tồi tệ mà môn thể thao này mang lại cho xã hội và tìm phương sách phù hợp để xử lý triệt để những điều xấu xa đó. Văn hóa bóng đá ở Italy đã được hiểu theo cách hoàn toàn lệch lạc và chúng ta cần làm thay đổi cách nghĩ này của các CĐV".
Marcello Lippi, cựu HLV trưởng tuyển Italy, phản ứng quyết liệt chẳng kém: "Tôi cảm thấy cay đắng, mất phương hướng và hết sức tức giận khi biết những gì đã diễn ra ở Catania. Chúng ta cần hành động cụ thể để loại bỏ những thảm kịch như vậy ra ngoài đời sống bóng đá. Năm 1995, chúng ta cũng đã tạm hoãn các hoạt động thể thao sau cái chết của Vincenzo Spagnolo với hy vọng rằng điều tồi tệ đó sẽ không diễn ra nữa. Vậy mà giờ đây, chúng lại tái diễn".
Từ Brussel, tân chủ tịch UEFA và là cựu danh thủ từng chơi bóng ở Italy trong màu áo Juve, Michel Platini cũng lên án mẽ "cuộc hỗn chiến Catania" và cam kết sẽ ủng hộ FIGC hết mình trong cuộc chiến đẩy lùi bạo lực. Ông phát biểu: "Bạo lực dưới bất kỳ hình thức nào, đều không thể chấp nhận được, nhất là trong bóng đá. Chúng ta cần hạn chế và tiến tới xóa bỏ tận gốc vấn nạn này, đưa bóng đá về với vẻ đẹp nguyên thể của nó. UEFA ủng hộ việc FIGC tạm dừng các hoạt động bóng đá ở Italy và hy vọng chính phủ Italy và FIGC sẽ sớm tìm ra quyết sách phù hợp để sớm ổn định tình hình".
Trong mục xã luận số ra ngày hôm qua, tờ Gazzetta dello Sports đã lên án mạnh mẽ vụ bạo động kể trên: "Chúng ta không biết những tifosi bịt mặt gây náo loạn ở Cantiani. Nhưng lương tâm chúng ta và bản thân những người này đều thấy rằng hành động của họ thật ngu ngốc, điên rồ, tàn bạo và đã cướp đi mạng sống của một cảnh sát viên đồng thời làm hàng trăm người khác bị thương".
Nhật báo thể thao có lượng phát hành lớn nhất Italy này cũng nêu rõ trách nhiệm của xã hội Italy trong những sự cố bạo lực: "Tuy nhiên, cũng không nên đổ hết mọi tội lỗi lên đầu các tifosi; chính phủ, các trường học, bản thân mỗi gia đình trong chúng ta cũng phải nhìn lại trách nhiệm của mình trong việc giáo dục công dân, giáo dục con em của mình vì đây không phải là lần đầu tiên những sự cố như trên diễn ra ở Italy".
Theo VnExpress