Làn gió mới
Người Đức vốn đã quá quen thuộc, thậm chí nhàm chán với điệp khúc “Bayern vô địch”, được cất lên đến 20 lần ở Bundesliga trong vòng 40 năm qua. Chính vì thế, việc những đội bóng ít tên tuổi hơn - như Dortmund, Kaiserslautern, Bremen, Stuttgart hay Wolfsburg - đăng quang luôn được chào đón hết sức nồng nhiệt. Năm 2009 là một cột mốc lịch sử đối với Wolfsburg, đội bóng của thành phố nơi đặt đại bản doanh của hãng sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu Volkswagen. Chính xác hơn, Wolfsburg chính là một tài sản đặc biệt của Volkswagen, ra đời từ ngôi làng của những công nhân sản xuất ô tô trong chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Wolfsburg vô địch Bundesliga, hiện tượng của năm 2009 |
Suốt 60 năm qua, Wolfsburg vẫn chỉ là một đội bóng trung bình yếu của Đức. Mùa giải 2008-2009 mới là mùa đầu tiên mà “Bầy sói” được dự Cúp châu Âu, một suất đá tại Cúp UEFA - tiền thân của Europa League bây giờ. Nhưng bất chấp tất cả, bằng một chiến lược đầu tư dài hạn, cuối cùng thì Wolfsburg cũng trở thành hiện tượng đặc biệt của Bundesliga trong năm 2009. Họ là đội bóng thứ 11 đăng quang Bundesliga, và là đội bóng thứ 29 giành được chức vô địch Đức nếu tính cả chiều dài lịch sử. Khi Wolfsburg đăng quang, cả thành phố không có lấy một chỗ ăn mừng chiến thắng theo đúng truyền thống của bóng đá Đức!
Hiện tượng Wolfsburg vô địch cũng đồng nghĩa với thất bại ê chề của các thế lực lớn khác, mà điển hình là Bayern, Bremen, Hamburg hay Dortmund. Chính vì điều này mà Bundesliga đã nổ ra một cuộc “chạy đua vũ trang” trong mùa Hè vừa qua. Các đội bóng lớn đầu tư ồ ạt vào thị trường chuyển nhượng, tạo nên những sức mạnh mới từ các tân binh. Thành công của Wolfsburg ở mùa giải 2008-2009 chính là nguyên nhân tạo nên sự hấp dẫn của Bundesliga ở giai đoạn lượt đi mùa giải 2009-2010, cũng như giai đoạn lượt về sắp tới. Ở góc độ này, người Đức phải cảm ơn Wolfsburg thêm một lần nữa, bởi “Bầy sói” không chỉ phá vỡ sự nhàm chán vốn có của Bundesliga mà còn mang đến sự cạnh tranh quyết liệt hiếm thấy.
Cú sốc lớn
Buổi chiều ngày 10/11/2009, cả nước Đức rúng động khi hay tin thủ môn Robert Enke, đội trưởng của câu lạc bộ Hannover đồng thời là thành viên chủ chốt của đội tuyển quốc gia, đã tự kết liễu đời mình ở tuổi 32 bằng hành động lao thẳng vào đoàn tàu cao tốc chạy tuyến Bremen - Hamburg ở khu vực ngoại ô Hannover. Đó thực sự là một cú sốc lớn bởi vì trước đó, Enke vừa bình phục chấn thương, đã trở lại sân cỏ và bắt khá tốt trong 2 trận đấu của Hannover. Cảnh sát cũng như cô vợ Teresa của Robert Enke xác nhận đó là một vụ tự tử. Nguyên nhân khiến Enke tìm đến cái chết xuất phát từ chứng bệnh trầm cảm mà anh đã mắc phải kể từ ngày cô con gái Lara qua đời vào năm 2009 lúc mới 2 tuổi vì căn bệnh tim bẩm sinh.
Việc Enke ra đi không chỉ ảnh hưởng đến câu lạc bộ Hannover mà còn tác động nhiều đến đội tuyển Đức. Thời điểm đó, đội quân của huấn luyện viên Joachim Loew đã hoàn thành xong nhiệm vụ ở vòng loại World Cup 2010. Tuy nhiên, vị trí số một trọng khung thành của “Mannschaft” ở Nam Phi vào mùa Hè tới thì vẫn bỏ ngỏ, trong đó Robert Enke là ứng viên sáng giá nhất bên cạnh những cái tên khác như Rene Adler, Manuel Neuer và Tim Wiese. Không còn Enke, Loew sẽ phải tính lại bài toán thủ môn ở World Cup 2010 mà đội tuyển Đức là ứng viên nặng ký cho danh hiệu vô địch.
Lá thăm may rủi đã đưa Đức vào bảng đấu không mấy dễ chịu với các đối thủ Serbia, Ghana và Australia. Nhưng chẳng có con đường dẫn đến vinh quang nào mà chỉ toàn trải đầy hoa hồng. Muốn vươn trở lại đỉnh cao nhất của bóng đá thế giới, đội tuyển Đức sẽ phải đánh bại bất cứ đối thủ nào. “Mannschaft” đã xếp thứ 3 ở World Cup 2006, giành vị trí á quân tại EURO 2008 và giờ là lúc họ sẽ có ngôi quán quân ở World Cup 2010 - chức vô địch thế giới lần thứ tư của bóng đá Đức?
Những tín hiệu vui Khoảng 5 năm gần đây, xét dưới góc độ bàn thắng và khán giả - hai yếu tố quan trọng hàng đầu trong bóng đá, Bundesliga mới thực sự là giải đấu hấp dẫn nhất châu Âu. Giải vô địch quốc gia Đức luôn duy trì được hiệu suất xấp xỉ 3 bàn/trận, con số mơ ước đối với những giải đấu khác. Thống kê mới nhất cho thấy, Bundesliga thu hút trung bình 42,630 người đến sân mỗi trận ở lượt đi mùa giải này. Đó là một kỷ lục mới, vượt trội so với mùa 2008-2009 (42.521 người/trận) và bỏ xa mùa 2007-2008 (39.444). Một thập kỷ trước, Bundesliga chỉ có trung bình 31.206 người đến sân mỗi trận ở mùa giải 1999-2000. Xét về quy mô các giải bóng đá, Bundesliga có số lượng khán giả trung bình cao nhất thế giới. Lượng khán giả đến xem các trận bóng ở Bundesliga mùa này vượt trội so với tỷ lệ trung bình của Premier League (33.934 người/trận), Liga BBVA (28.706), Serie A (25.169) hay Ligue 1 (19.965). Xét về quy mô các giải thể thao nói chung, Bundesliga có số lượng khán giả trung bình xếp thứ 3, chỉ sau mỗi giải vô địch bóng bầu dục của Mỹ (NFL) và giải vô địch cricket của Ấn Độ (IPL). Trong số 20 đội bóng có lượng khán giả trung bình cao hàng đầu châu Âu, Bundesliga chiếm đến 8 cái tên, gồm Dortmund, Bayern, Schalke, Hamburg, Gladbach, Cologne, Frankfurt và Hertha. Dortmund vẫn là câu lạc bộ có lượng khán giả đến sân cao kỷ lục, so sánh ở cả Bundesliga lẫn trên bình diện châu Âu. Sân Signal Iduna Park đón trung bình 75.311 người mỗi khi Dortmund đá ở đây, vượt trội so với Allianz Arena của Bayern (68.896 người) và Veltins Arena của Schalke (61.050 người). Đây là một niềm vui lớn đối với người vùng Ruhr trong dịp bách niên của đội bóng vàng - đen. Một thành công khác của bóng đá Đức trong thời gian gần đây, là việc họ sắp đuổi kịp và vượt qua Italia trên bảng xếp hạng các giải đấu của UEFA. Hiện tại, Bundesliga chỉ còn kém Serie A không đầy 3 điểm trên bảng xếp hạng 5 năm của UEFA. Nếu các đội bóng Đức tiếp tục thi đấu thành công ở Champions League và Europa League trong khi các đại diện của Italia tiếp tục sa sút thì có thể ngay sau khi kết thúc mùa giải này, Bundesliga sẽ vượt mặt Serie A. Sự khác biệt giữ vị trí thứ 3 và 4 trên bảng xếp hạng 5 năm của UEFA là số lượng các suất dự Champions League và điều đó đồng nghĩa với việc Bundesliga sắp giật được 1 suất tham dự giải đấu danh tiếng này từ Serie A. |
(Theo Thể Thao Văn Hoá)