Tuần qua bóng đá nước nhà đã nóng lên với vụ bản quyền truyền hình giữa Công ty Bách Việt cùng Đài THVN (VTV) và Công ty Vinakansai muốn mua đứt CLB SĐT Long An ở hạng Nhất...
1.Thông tin công ty Gạch ĐT muốn bán đội Sơn ĐT không phải là bất ngờ. Ngay khi tiếp nhận đội bóng từ CLB Đông Á, lãnh đạo công ty mẹ, Gạch ĐT, đã bộc lộ ý tưởng sẽ mang ra bán khi đội bóng có sức hấp dẫn với doanh nghiệp hay địa phương nào muốn làm bóng đá, nhưng lại muốn đốt cháy giai đoạn.
Phó TTK LĐBĐVN Dương Nghiệp Khôi đã từng nói, đây là một hướng đi mới nhưng cũng phù hợp với quy luật phát triển bóng đá chuyên nghiệp. GĐT xây dựng được đội bóng trở thành “thương hiệu”, thì khó định đoạt được mức giá chuyển nhượng sẽ là bao nhiêu.
Bóng đá thử nghiệm chuyên nghiệp Việt Nam đã chứng kiến nhiều đội bóng “thay tên, đổi họ”, nhưng kiểu làm như GĐT thì chưa từng có tiền lệ. GĐT đã bỏ ra khoảng 1,5 tỷ đồng để có được suất của CLB Đông Á và họ bỏ ra khoảng 7 tỷ đồng để nuôi đội bóng trong một năm qua. Nhìn ở góc độ kinh doanh, GĐT sẽ không có lãi nếu như mức bán chỉ là 7 tỷ đồng thậm chí là 10 tỷ đồng. Ngoài ra cũng phải nhìn nhận giá trị thực của một suất ở hạng Nhất. Vinakansai và Sở TDTT Ninh Bình sẽ tốn bao tiền để đưa đội bóng đi lên từ giải hạng ba ?
2.”Cuộc đấu” giữa Bách Việt và VTV vẫn đang căng thẳng. Cả hai bên vẫn chưa thể gặp nhau xung quanh điều kiện chia lợi nhuận. Trong cuộc chiến này, Bách Việt đang chiếm ưu thế. Họ đã lường đến khả năng xấu nhất là VTV sẽ không THTT các trận đấu và tính đến phương án 2 bằng VTC và có thể một số đài địa phương khác. Họ được ủng hộ bởi là người đầu tiên dám đột phá vào lối làm ăn theo kiểu “độc quyền” dẫn đến những kiểu “quyền” khác của VTV trong bóng đá. Thế nên, ngay cả khi không thắng trong vụ này, Bách Việt vẫn gây được tiếng vang.
Trong khi đó, nếu như VTV đứng ngoài cuộc chơi, họ sẽ là người mất nhiều hơn được. VTV sẽ tự đẩy vào thế yếu trong cuộc cạnh tranh với VTC, HTV, những đài TH có diện phủ sóng rộng. Quan trọng hơn, họ đã không đáp ứng được nhu cầu chính đáng của hàng chục triệu người hâm mộ Việt Nam. VTV không có lý do thoả đáng để thua cuộc. Bởi không khó để người ta nhìn ra đằng sau những khó khăn VTV đưa ra chẳng qua cũng chỉ che đậy cho lợi ích lần đầu bị “xâm phạm”. Với bóng đá nước nhà, VTV quen với kiểu ban phát và tự cho mình cái quyền của “kẻ mạnh” nhờ thế độc quyền. Trong khi với quốc tế, VTV đã không tiếc tiền và lại hành xử rất chuyên nghiệp như vụ mua bản quyền World cup 2006 hay chung kết hoa hậu thế giới vừa qua.
Cả hai sự kiện “hot” nhất tuần qua đều chưa đi đến hồi kết và còn hứa hẹn mang đến không khí sôi động cho tuần thứ 2 của tháng 11...