Một tập thể gồm tài năng đạt đến độ chín chưa phải là yếu tố chủ đạo giúp Italy đăng quang ở Đức mùa hè vừa qua. Lippi, "kiến trúc sư trưởng" trong thành tựu này, cho rằng sự nhạy bén cũng như những phương án chiến thuật tinh thông mới là nền tảng để ông và các học trò đi đến thắng lợi cuối cùng.
Nhìn lại hành trình chinh phục Cup vàng thế giới trên đất Đức, nhà cầm quân sinh ở Viareggio tự hào: “Có thể nói Italy là đội bóng duy nhất ở Germany 2006 có khả năng thay đổi chiến thuật 2, thậm chí đến 3 lần trong một trận đấu”. Sự táo bạo và tính quyết đoán giúp Lippi thành công trong những tình huống được ăn cả ngã về không , nhưng ông khiêm tốn không nhận công về mình. Chiến lược gia này cho rằng mình may mắn có một tập thể cầu thủ gắn bó và đa dạng về lối chơi. Chính điều đó quyết định sự thành công cho những điều chỉnh chiến thuật của Lippi trong từng trận đấu ở World Cup 2006.
Lippi lấy ví dụ trận Italy - Czech ở loạt trận cuối vòng bảng. Dù chỉ cần hòa là đủ vào vòng 16 đội, nhưng để tránh Brazil, Lippi chủ trương đẩy mạnh tấn công để giành chiến thắng. Italy gặp bế tắc vào đầu trận vì Czech (trong thế cần chiến thắng) lại chơi khá thận trọng với 5 tiền vệ ở tuyến giữa và chỉ 1 tiền đạo cắm ở phía trên. “Bắt mạch” người Czech muốn tận dụng sự nôn nóng của quân mình, hòng tung những pha phản công “chết người” (Neved đã vài lần đe dọa khung thành Buffon), Lippi lập tức thay đổi sơ đồ và chiến thuật. Italy chuyển từ 4-4-2 sang 4-5-1 và không quá vội vã trong tấn công. Với 5 tiền vệ ở giữa sân, Italy nhanh chóng lập lại sự cân bằng về thế trận. Từ lúc này, chính người Czech hoảng sợ vì không tìm được cách nào phá vỡ lối chơi của đối phương. Sự bối rối của họ đã tạo điều kiện cho Materazzi rồi Inzaghi lần lượt ghi 2 bàn giúp "binh đoàn thiên thanh" khẳng định vị trí dẫn đầu bảng E để gặp Australia ở tứ kết.
Ít ai ngờ trận gặp Australia lại là một trong những trận đấu khó khăn nhất của thày trò HLV Lippi. Dù làm chủ thế trận trong suốt hiệp 1 và tạo được một số tình huống ghi bàn, nhưng Italy vẫn không sao chọc thủng lưới thủ môn Schwarzer. Sang hiệp 2, tình thế càng tồi tệ khi Materazzi bị thẻ đỏ ngay phút 50. Trong quãng thời gian còn lại của hiệp 2, Italy liên tục bị dồn ép và chỉ may mắn không thủng lưới nhờ tài năng của thủ môn Bufon và tài chỉ huy hàng phòng ngự của Cannavaro. Sang hiệp hai, Lippi lần lượt thay cho thay 3 cầu thủ. Barzagli thay Toni để củng cố hàng phòng ngự, Iaquinta thay Gilardino vì cầu thủ của Udinese có thể lực tốt và xông xáo hơn. Phải chăng Lippi chủ trương chờ đến loạt sút luân lưu sau khi rút cả cặp tiền đạo chính Toni - Gilardino? Không, vì Lippi chẳng phải kẻ hèn nhát. Ông chấp nhận “ăn thua đủ” với đối phương khi đưa Totti vào thay Del Piero. Totti lúc ấy đang chấn thương và chưa để lại bất cứ ấn tượng nào, nhưng anh vẫn được Lippi tin tưởng và đã không phụ lòng ông khi ghi bàn quyết định cho Italy ở phút đá bù giờ thứ 5.
Lippi thừa nhận sử dụng Totti là canh bạc lớn đối với ông: “Đã nhiều lần tôi tự hỏi liệu có phải sai lầm hay không khi cứ cố sử dụng Totti mà anh ta không chơi như mong đợi của tôi? Tuy nhiên, chưa bao giờ tôi để cho Totti thấy sự hoài nghi ấy. Tôi biết một khi được tin tưởng, anh ta có thể thay đổi số phận trận đấu chỉ trong tích tắcnhư ở trận gặp Úc. Chẳng những tôi mà các cầu thủ Italy cũng hiểu rằng không có ai giữ vị trí tiền vệ công tốt hơn Totti”.
Trận tứ kết gặp Ukraina khá nhẹ nhàng vì đối thủ của Italy quá yếu và còn non kinh nghiệm. Họ chỉ gặp thử thách một lần nữa trước chủ nhà Đức ở bán kết. Trước trận đấu, do một số học trò bị cảm và không đạt thể lực tốt nhất, Lippi hiểu rõ không thể dùng sức chọi với Đức đang hừng hực khí thế sau khi đánh bại Argentina ở tứ kết. Kiên nhẫn chờ thời cơ và khi có cơ hội lập tức tung ra cú đấm quyết định, Lippi lại một lần nữa thành công với 3 sự thay đổi người - Iaquinta thay Camoranesi, Gilardino thế chỗ Toni, Del Piero thay Perrotta. Không ít ngưởi sửng sốt khi trận đấu bước vào hiệp phụ, Lippi sử dụng đến 4 tiền đạo trên sân (Totti. Gilardino, Iaquinta, Del Piero). Ông tỉnh bơ: “Đọc được ý đồ đưa trận đấu đến loạt “đấu súng” của người Đức, tôi đã quyết định phải làm điều gì đó để ngăn cản họ đạt mục tiêu”. Trong thế trận được ăn cả ngã về không, Italy bất ngờ dồn người lên phần sân Đức, liên tục tạo sức ép và ghi được bàn thắng ở phút 119 do công của hậu vệ Grosso. Một phút sau, Del Piero “kết liễu” người Đức từ pha kiến tạo đẹp mắt của Gilardino.
Phải chăng "binh đoàn thiên thanh" sợ sút 11m sau những thất bại cay đắng ở World Cup 1990, 1994, 1998? Không hề. Bằng chứng là trận chung kết gặp Pháp, tất cả các cầu thủ Italy sút luân lưu đều dễ dàng thực hiện thành công. Sự tự tin của Grosso (người thực hiện cú sút quyết định chiến thắng nhưng không phải chuyên gia sút 11m) cho thấy Lippi đã chuẩn bị rất kỹ cho tình huống phải phân định thắng thua bằng những cú sút từ chấm 11m. Như Lippi đã nói, mọi việc đều có thể chuẩn bị trước và quá trình rèn luyện nghiêm túc đã đem lại thành công cho một tập thể Squadra Azzurri có sự đồng đều nhưng thiếu những ngôi sao thật chói sáng.
Hãy so sánh Lippi và Domenech trong trận CK World Cup để thấy rõ hơn về tầm quan trọng của nhà cầm quân. Sau khi Lippi thay Totti bằng De Rossi, tuyến giữa của Italy đã lập lại quân bình về thế trận và không còn bị tấn công dồn dập nữa. Ngược lại, khi Domenech thay Ribery bằng Trezeguet thì các CĐV "Les Bleus" đã nghĩ ngay đến điều chẳng lành và thực tế diễn ra đúng như vậy. Do quá căng thẳng, tiền đạo của Juve đã sút hỏng quả 11m quyết định. Lippi không phủ nhận tài năng của Trezeguet nhưng ông nói thêm: “Anh ấy không thường xuyên có mặt trong các phươg án chiến thuật của Domenech nên hiển nhiên anh ta sẽ lúng túng và thiếu tự tin khi vào sân. Ngược lại, các học trò của tôi đều cảm thấy họ quan trọng đối như thế nào đối với tập thể”. Thực tế chứng minh, tất cả các cầu thủ Italy (trừ 2 thủ môn dự bị) đều được vào sân và góp phần vào thành công của Squadra Azzurri tại Germany 2006.
Theo Thể Thao Thành phố HCM