Người viết : Đỉnh Nguyễn
Địa chỉ : Lớp K49XF, Đại học xây dựng Hà Nội
1. Dimitar Berbatov, anh là ai?
Berbatov - nhân tố không thể thiếu trong lối chơi của Tottenham |
Những thông số liên quan đến Berbatov đều rất ấn tượng đối với một tiền đạo. Trong 6 mùa giải ở Bundesliga, tiền đạo người Bulgari đã ghi 69 bàn thắng trong 154 trận đấu, trong đó riêng 2 mùa cuối 2004-2005 và 2005-2006 anh đã ghi tổng cộng 41 bàn trong 67 lần xuất hiện trong màu áo Leverkusen. Chính nhờ những con số ấn tượng ấy mà HLV tiền nhiệm Martin Jol đã đưa anh về sân White Hart Lane với mức giá 11 triệu bảng vào mùa hè năm 2006. Trong 2 mùa giải ở Tottenham Hotspur, anh đã nhận được sự tin tưởng với vị trí số 1 trong vai một tiền đạo cắm, đồng thời nhận được trợ giúp đắc lực của đồng đội. Kết quả là sau 2 mùa giải, Berbatov ghi đến 27 bàn trong 69 trận và giúp Tottenham có bước tiến dài trở thành đối trọng đáng kể với nhóm "tứ đại gia".
Ronaldo cũng đã từng nằng nặc đòi đến Real bằng được |
Từ một công thần, Berbatov trở thành một kẻ đáng nguyền rủa, một cái gai trong con mắt đồng đội và những người hâm mộ. Nhưng ngẫm lại, chúng ta thấy Berbatov không phải là cái tên đầu tiên được gán mác Judas phản Chúa trong mùa hè này, cái tên đầu tiên phải được nhắc đến lại chính là Ronaldo, cầu thủ đang chơi cho chính đội bóng mà anh muốn đến. Những lời tuyên bố của người đại diện Dantchev của Berbatov giống với những vụ đi đêm, những lần ghé thăm Bernabeu của Jorque Mendes để gặp các quan chức của Real, đều với mục đích là kiếm cho thân chủ mình bản hợp đồng hậu hĩnh. Cả hai đều vùng vằng đòi ra đi, đều bày tỏ sự thích thú với đội bóng mới và đều mơ tới một thiên đường sẽ xuất hiện chỉ sau một chữ kí. Người này bày tỏ ước nguyện được ra đi ngay trước trận chung kết Champions League trong khi người kia nhất quyết không chịu xỏ giày ra sân khi đội bóng mình nguy khốn (thua trắng cả hai trận đầu). Tất cả những hành động đó đều có điểm chung và đều nói lên rằng tham vọng tiền bạc và những giá trị ảo đang chi phối một thế hệ cầu thủ trẻ trong đó có họ.
Việc Ronaldo và Berbatov từ chối thi đấu cho đội bóng sở hữu mình rất giống với cách Robinho nằng nặc đòi ra đi nếu không nhận được bản hợp đồng với mức lương gấp ba. Hành động kí lên áo đội bóng khác của Berbatov cũng tựa như việc Van der Vaart chụp ảnh cùng chiếc áo đấu của Valencia mùa hè năm ngoái. Ronaldo, Berbatov, Robinho và Van der Vaart, họ đều là những Judas phản Chúa nhưng đó chắc chắn không phải là kẻ phản bội cuối cùng, chỉ mùa hè này đã có những tên tuổi nổi trội khác như Gareth Barry, Harry Kewell... còn trước đó là những Figo, Ronaldo "béo", Ashley Cole... Tất cả đều hối hả chạy theo những bản hợp đồng mang lại nhiều tiền bạc hơn là cố gắng thi đấu tốt để thực hiện nốt bản hợp đồng của mình.
3. Một vòng luẩn quẩn
Real đã chuyển hướng và có được Van der Vaart |
Chỉ cách đây một tháng, HLV Ferguson của MU đã chỉ trích ban lãnh đạo Real trong đó có Calderon và Mijatovic đã thực hiện "trò bẩn" ve vãn học trò của mình nhưng sau đó vài ngày, chính ông bị Tottenham tố cáo dùng trò đó để lôi kéo Berbatov. Về phía Real, sau khi không lôi kéo được tiền vệ người Bồ Đào Nha, họ lập tức chuyển hướng sang săn Van der Vaart và nhanh chóng đạt được mục đích. Nhưng Real không vui mừng được quá lâu bởi lập tức họ có nguy cơ mất Robinho sau khi tiền đạo người Brazil ra mặt chống lại họ để được chuyển sang Chelsea trong khi bên phía London, gã nhà giàu đã chuẩn bị sẵn sàng tiền cho vụ chuyển nhượng hoành tráng nhất mùa hè...
Như vậy, một vòng luẩn quẩn đang bao vây thị trường chuyển nhượng khi mà giá trị của cầu thủ ngày một tăng kéo theo mức lương bội phát. Đội bóng nào cũng có thể trở thành nạn nhân nhưng họ cũng có thể sẽ là kẻ chủ mưu trong các cuộc tranh chấp cầu thủ nếu có đủ tiền. MU mua người của Tottenham nhưng lại là nạn nhận của Real ở khía cạnh tương tự. Real mua người của Hamburg và ve vãn người của MU nhưng lại bị Chelsea chơi lại... Thoạt nhìn thì Tottenham có vẻ chỉ là nạn nhân và Chelsea là tòng phạm nhưng những kết luận đó chỉ là tương đối, ai cũng biết, Spur đang bám riết lấy Arshavin của Zenit trong khi Chelsea đã từng có nguy cơ mất Lampard và Drogba cho đến khi chìa ra bản hợp đồng mới... Cái đẹp của bóng đá đang ngày càng mất đi! Những đội bóng có thiên hướng đào tạo trẻ như West Ham, Leeds hay Ajax lụi tàn dần trong khi đã rất lâu MU, Real... những đội bóng nổi tiếng về đào tạo tài năng không ra lò thêm ngôi sao nào, thay vào đó, họ vung tiền cho những vụ chuyển nhượng đắt đỏ.
4. Đâu là hậu quả
Hình ảnh bạc nhược của Arsenal cho thấy thứ bóng đá tự cung tự cấp nguyên sơ đang giãy chết. Chỉ khoảng 20 năm trước, đội bóng mạnh cũng là những đội có nền tảng đào tạo trẻ tốt, biết sử dụng cầu thủ bản địa, đôi khi kết hợp với một vài ngôi sao ngoại nhưng ngày nay, đội bóng mạnh đơn giản là đội có nhiều tiền và thực hiện được nhiều vụ chuyển nhượng. Chelsea là một ví dụ, họ thành công từ đội hình với chỉ một Terry xuất thân từ lò đào tạo trẻ.
Cả một tập thể Chelsea hùng mạnh chỉ có Terry trưởng thành từ đội trẻ |
Đã từ lâu, sự trung thành chỉ còn là một khái niệm trong sách vở nhưng điều đáng sợ là ngay cả sự chuyên nghiệp trong cách cư xử của cầu thủ cũng đang mất đi. Luật Bosman và luật chuyển nhượng của FIFA lấy cầu thủ làm trung tâm đã mang lại những ảnh hưởng xấu cho bóng đá. Ngày nay, các ông chủ những đội bóng nhỏ rất khó giữ chân cầu thủ của mình nếu như họ có ý định ra đi. Giống như HLV Kevin Keegan từng trông đợi và cầu xin vào sự chung thuỷ của Michael Owen khi có tin anh muốn rời Newcastle, đơn giản vì luật lệ không còn nằm trong tay ông nữa.
Juande Ramos có thể đẩy Berbatov xuống chơi ở đội dự bị một mùa giải để trừng phạt đứa học trò ngỗ ngược của mình giống như ông đã cảnh cáo anh bằng một án phạt 1 tuần lương. Juande Ramos đang cố làm theo cách của Ferguson để chống lại Ferguson nhưng thật khó để hành xử theo cách mạo hiểm như vậy. Một năm để Berbatov chơi cho đội dự bị sẽ là một năm Spur không khai thác được gì ở cầu thủ của mình nhưng vẫn phải è cổ trả lương anh trong khi sau một năm đó phong độ và giá trị của Berbatov sẽ giảm và giữ lại hay bán đi đều khó. Trong hoàn cảnh này, cách tốt nhất là bán quách đi trong khi vẫn được giá. Và do đó, trào lưu cầu thủ ồ ạt tháo chạy khỏi nơi cưu mang mình, giá trị cầu thủ ngày một đắt đỏ và lương thì bùng phát... sẽ vẫn còn nhức nhối.
Có một xu thế mới đang diễn ra trong thế giới bóng đá, đó là việc các câu lạc bộ được điều hành bởi những ông chủ cũng là những nhà kinh tế. Bởi vậy, bóng đá hiện đại giống như một cuộc chạy đua giữa những công ty tài chính, nơi mà quy luật chung nhất và xuyên suốt nhất là quy luật cạnh tranh. Những tập đoàn lớn mạnh về tài chính thì ngày càng mạnh và chiếc hầu bao ngày càng phình ra trong khi những công ty nhỏ thì không đủ sức cạnh tranh và dần khánh kiệt. Thật tiếc cho bóng đá, dưới bản chất là một môn thể thao thuần tuý giải trí cho con người thì giờ đây trở thành một công cụ kiếm lãi, các câu lạc bộ và cầu thủ của họ trở thành những cỗ máy in tiền. Không phải đến thời điểm này bóng đá mới đi chệch đường ray khỏi mục đích cao đẹp của nó nhưng thực sự chưa bao giờ bóng đá đánh mất bản chất của mình đến như vậy.
Bóng đá hiện đại rất hiếm những cầu thủ trung thành như Paul Scholes và Ryan Giggs |
Những năm trước vẫn còn những con người tận tuỵ và tuyệt đối trung thành như Maldini, Giggs, Scholes... nhưng ngày nay những người chung thuỷ nhất vẫn chỉ còn có họ. Cứ đà này thì trong một vài năm tới bóng đá sẽ chỉ còn là cuộc chơi của những ông lớn - những con rối bị giật dây bởi những ông chủ bộn tiền phía sau hậu trường. Ở thái cực khác, sẽ không còn những ước mơ lớn ẩn dưới những hình hình hài bé nhỏ. Leeds và Nottingham Forest ở Anh, Borussia Mönchengladbach ở Đức, Fiorentina ở Italia..., họ đều đã viết lên những trang đẹp trong lịch sử bóng đá thế giới để rồi bị huỷ diệt và chắc chắn đó không phải là những nạn nhân cuối cùng. Một hiện thực buồn nhưng là tất yếu!