(Bongda24h) – So với Manchester United, Barcelona không có duyên với những trận chung kết Champions League. Trong khi đối thủ giành trọn 3/3 chức vô địch ở 3 lần lọt vào cuộc chiến phân định ngôi Vua châu Âu (1968, 1999, 2008) thì Barca mới 2 lần lên ngôi trong 5 dịp góp mặt ở trận đấu bế mạc mùa bóng. Lần thứ 6 này, thành công hay thất bại đang chờ đón các cules tại Rome?
Thành Berne năm 1961, Seville 1986, London 1992, Athens 1994, Paris 2006 và Rome 2009 chắc chắn sẽ là những địa điểm và thời gian không thể nào quên đối với NHM Barcelona. Đó có thể là những kỷ niệm buồn ở Berne, Seville và Athens (thất bại) nhưng cũng có thể là dấu mốc quan trọng trong lịch sử CLB diễn ra tại London và Paris
Cặp tiền đạo dội bom Kocsis - Czibor của Barcelona.
1. Benfica 3-2 Barcelona (SVĐ Wankdorf, Berne, 1961)
Kể từ khi cúp vô địch châu Âu khai sinh mùa 1955/56, đây là lần đầu tiên Real Madrid không có mặt trong trận chung kết (vô địch liên tiếp trong 5 năm). Điều đó có nghĩa Barcelona rộng đường làm nên lịch sử, với tư cách đội bóng thứ hai của Tây Ban Nha vô địch châu Âu. Đó là thời điểm “tam giác quỷ” người Hung: Kubala - Kocsis – Czibor giúp Baca thống trị các giải đấu họ tham dự. Mặc dù tiền đạo Kocsis chính là người mở tỉ số trận đấu ở phút 20, nhưng các pha làm bàn liên tiếp của Jose Aguas (Benfica, 30’, 1-1), Ramallets (Barcelona, phản lưới 32’, 2-1), và Coluna (Benfica, 55’, 3-1) khiến nỗ lực lập công của Czibor (Barcelona, 75’, 3-2) là không đủ để mang về chiếc cúp danh giá cho Barca.
2. Steaua Bucharest 0(2)-0(0) Barcelona (SVĐ Sanchez Pizjuan, Seville, 1986)
Đội quân của Terry Venables chinh phục La Liga và châu Âu bằng sơ đồ cổ điển 4-4-2, với những trụ cột là bộ ba hậu vệ xuất chúng Gerardo, Migueli và Julio Alberto cùng với hàng tiền vệ làm việc miệt mài được dẫn dắt bởi Bernd Schuster. Với lợi thế khán giả nhà, được chơi trên đất Tây Ban Nha, Barca là đội được đánh giá cao hơn. Tuy nhiên, sau 120 phút, cả hai đội đều không ghi được bàn thắng và cơn ác mộng thực sự đến với các cules ở loạt đấu súng cân não. 4/5 pha đá luân lưu của Barca đều bị “người hùng Seville” Helmuth Duckadam cản phá thành công (quả còn lại ra ngoài), một tiền lệ chưa từng có trong lịch sử bóng đá châu Âu. Sau này, Duckadam đã được tặng thưởng danh hiệu Ordinul "Meritul Sportiv" (Huân chương hạng hai) vì những gì đã làm được ở Seville, giúp Bucharest trở thành CLB duy nhất của Rumani giành chức vô địch châu Âu.
Dream Team 1992 của Barcelona
3. Barcelona 1-0 Sampdoria (SVĐ Wembley, London, 1992)
Phải mất đúng 31 năm sau ngày lọt vào chung kết cúp châu Âu đầu tiên, Barca mới nâng cao được chiếc vương miện giành cho vị Vua châu Âu. Đó là thời điểm mà 'Dream Team' của HLV Johan Cruyff làm mưa làm gió ở châu Âu. Những ngôi sao như Koeman, Michael Laudrup, Hristo Stoichkov, Mari Bakero, Eusebio Sacrist và tất nhiên, Pep Guardiola, đã đánh bại Sampdoria của những Roberto Mancini, Gianluca Vialli và Gainluca Pagliuca. Bàn thắng duy nhất của Koeman trong thời gian đá hiệp phụ khiến người dân xứ Catalan vỡ òa trong niềm vui chiến thắng.
4. AC Milan 4-0 Barcelona (SVĐ Olympic, Athens, 1994)
Sau 2 năm giành chức vô địch, ‘Dream Team’ của Thánh Johan một lần nữa chứng tỏ sức mạnh ở châu Âu bằng việc lọt vào tới chung kết. Tuy nhiên, đây lại là một trong số những trận đấu đáng quên nhất lịch sử Barcelona. Để thua tới 4 bàn (trận thua đậm nhất lịch sử Barca ở cúp châu Âu), Johan phải tâm phục khẩu phục trước “cáo già” Fabio Capello.
Trước trận chung kết, người ta vẫn đặt cửa cho Barca nhiều hơn vì họ vừa vô địch La Liga, còn Milan đối mặt với hàng thủ lủng lỗ bởi đội trưởng huyền thoại Franco Baresi cùng Alessandro Costacurta bị treo giò. Massaro (22’, 45’), Savicevic (47’) và Desailly (59’) là những cầu thủ ghi bàn cho Rossoneri.
Champions League 2006
5. Barcelona 2-1 Arsenal (SVĐ Stade de France, Paris, 2006)
Được chơi hơn người từ phút 18, do Lehmann lĩnh thẻ đỏ rời sân; nhưng Barca khiến NHM hoang mang vì để cho Campbell (0-1, 37’) ghi bàn vượt lên dẫn trước. Tuy nhiên, Ronaldinho cùng các đồng đội đã xuất sắc giành lại thế trận với hai pha lập công của Eto'o (1-1, 76’) và Belletti (2-1, 80’). Đó là thời điểm Henry và Sylvinho vẫn còn khoác áo Arsenal, nhưng nay cả hai đều đã đầu quân cho Barca.
5 trận chung kết, thua 3, thắng 2; đó là hiệu suất không cao nhưng nếu đem so sánh với Benfica và Juventus (7 trận chung kết, thắng 2), Barca chưa phải đội bóng chơi chung kết kém nhất lịch sử cúp châu Âu.
- N.#