Giá có thêm ĐT Đức, bảng C tại VCK EURO này sẽ chẳng khác gì cuộc hội ngộ ở vòng bán kết tuyệt vời nhất. Tuy vậy, với mối duyên kỳ ngộ của 3 “ông kẹ” gồm Italia, Pháp, Hà Lan, cùng sự hiện diện của một Romania rất khó lường, cũng đáng để bảng C được mệnh danh là “bảng tử thần”.
Ở đời, chữ duyên rất quan trọng. Có gặp được nhau, song hành được với nhau hay trở thành kẻ thù của nhau, tất cả đều phụ thuộc vào chữ “Duyên”. Thế nên, các cụ ngày xưa mới có một câu nói rất hay rằng: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”…
Trong một khía cạnh nào đó, có thể xem Italia và Pháp có duyên với nhau. Đặc biệt là thời gian gần đây, khi 2 đội liên tục “đụng” nhau. Ví như trước khi cùng rơi vào bảng C tại VCK EURO 2008, Italia và Pháp đã “đánh nhau” đến “trày da tróc vẩy” ở vòng đấu loại. Họ cùng rơi vào bảng B ở vòng loại. Trong đó, Gà trống Gaulois thắng 3-1 ở lượt đi và hòa 0-0 ở lượt về trên sân của Italia.Pháp và Italia sẽ chia nhau 2 vị trí đầu bảng C?
Nhưng nếu chỉ có vậy, mối duyên giữa Italia và Pháp chưa thể trở thành “Nợ”. Thực tế, người ta chỉ nhắc đến duyên nợ giữa 2 đội khi đề cập đến 2 trận chung kết EURO và World Cup trong vòng chưa đầy 1 thập kỷ trở lại đây.
Năm 2000, Italia và Pháp chạm trán nhau trong trận chung kết EURO diễn ra ở Rotterdam. Hôm đó, người Italia đã phải khóc hận. Pha ghi bàn ở phút 90 định mệnh của tiền đạo Wiltord, cùng với “bàn thắng Vàng” của Trezeguet ở hiệp phụ khiến Italia thua 1-2, còn các tifosi có cảm giác như bị giật Cúp khỏi tay.
Đúng 6 năm sau, ở VCK World Cup ’06 tại Đức, Italia đã đòi được nợ. Lần này, Gà trống Gaulois đã phải “chết” trên chấm luân lưu 11m, sau khi 2 đội hòa nhau 1-1 trong 120 phút thi đấu chính thức. Mối duyên nợ giữa Pháp và Italia có thể xem là đã được “nâng tầm” lên thành mối “oan oan tương báo” bởi chiếc thẻ đỏ của danh thủ Zidane ở phút 110. Tất cả bắt nguồn từ cú húc đầu “xấu xí” của anh chàng đầu hói vào trung vệ Materazzi bên phía Italia.
Ở bảng B vòng loại EURO 2008, Pháp dù thắng thế trong 2 cuộc đối đầu với Italia, nhưng họ lại bị đối thủ vượt mặt xét về thứ hạng tổng sắp. Đội bóng áo Thiên Thanh mới là kẻ đứng đầu bảng, hơn hẳn Gà trống Gaulois tới 3 điểm. Không biết liệu trong lần tái hồi này, giữa 2 đội, ai là kẻ giành chiến thắng?
Theo tỉ lệ đặt cược của các nhà cái cũng như hầu hết giới chuyên môn, Italia được đánh giá cao hơn Pháp. Nhưng trong một giải đấu mà những toan tính thực dụng được đặt lên hàng đầu, có lẽ cả hai chẳng hề quan tâm đến việc đứng nhất hay nhì bảng. Nhất là khi mối duyện kỳ ngộ của họ lần này được đặt trong bối cảnh có Romania và đặc biệt là Hà Lan làm “trọng tài” phân xử.
Romania được đánh giá thấp nhất tại bảng C, nhưng không có nghĩa họ không có khả năng trở thành “ngựa ô”. Bởi trong đội hình của đội bóng này còn có một tiền đạo Mutu sắc sảo, một trung vệ Chivu chắc chắn….
Về phần ĐT Hà Lan, họ hoàn toàn có khả năng “chen chân” vào mối duyên của Italia và Pháp. Nghĩa là họ có thể trở thành một kẻ thứ 3 hoàn hảo, mang đến nỗi bất hạnh cho hoặc Pháp, hoặc Italia. Không chỉ bởi Hà Lan là đội bóng có truyền thống, từng khiến cả châu Âu kinh hoàng với biệt danh Cơn lốc màu da cam. Trong đó, họ đã từng giành chức vô địch EURO 1988 với bộ ba “Hà Lan bay” van Basten-Gullit-Rijkaard.
Về thực lực, ĐT Hà Lan dự EURO 2008 khá mạnh với những hảo thủ như van Nistelrooy, Sneijder, Robben, van der Sar… Nhưng họ không được đánh giá cao, không được xem là kẻ có thể phá đám mối duyên nợ Italia-Pháp, một phần bởi những lục đục trong lòng đội bóng, chủ yếu do các cầu thủ “bằng mặt, không bằng lòng” với HLV van Basten. Điển hình là việc tiền vệ Seedorf vừa xin rút khỏi đội hình Hà Lan dự giải lần này. Trong khi, van Nistelrooy cũng vẫn chưa quên vì ông thầy này, anh đã từng có thời gian phải tuyên bố giã từ sự nghiệp thi đấu quốc tế.
1. Italia; 2. Pháp; 3. Romania; 4. Hà Lan.
Bảng C là “bảng tử thần” với sự góp mặt của 3 nhà cựu vô địch EURO gồm Pháp (vô địch năm 1984 và 2000), Italia (1968), Hà Lan (1988), cùng với “ngựa ô” Romania - đội bóng có thành tích tốt nhất trong lịch sử những lần tham dự giải, là vào đến tứ kết EURO 2000 (Romania thua Italia 0-2).
Những kỷ lục vòng chung kết Euro:
3: ĐT Romania từng thua cả 3 trận tại vòng đấu bảng ở VCK EURO 1996.
4: Là số cầu thủ ghi nhiều bàn nhất cho ĐT Italia qua các VCK EURO, bao gồm Pierluigi Casiraghi, Antonio Cassano, Filippo Inzaghi, Francesco Totti: ghi được 2 bàn.
5: Đó là chuỗi trận toàn thắng của ĐT Pháp tại VCK EURO 1984 (ghi được 14 bàn, thủng lưới 4 bàn). Cũng tại VCK EURO 1984, Đội bóng áo Lam đã giành danh hiệu VĐ EURO lần đầu tiên trong lịch sử (lần thứ hai là vào năm 2000).
6: Kỷ lục ghi nhiều bàn nhất cho ĐT Hà Lan tại các VCK EURO hiện vẫn thuộc về Patrick Kluivert với 6 lần sút tung lưới đối phương. Tiếp theo là Marco van Basten (5 bàn) và Dennis Bergkamp, Ruud van Nistelrooij (4 bàn).
8: Hà Lan là đội tham dự các VCK EURO nhiều lần nhất so với 3 đội Pháp, Italia, Romania: 8 lần (Pháp & Italia: 7 lần; Romania: 4 lần).
9: Michel Platini hiện vẫn là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất cho ĐT Pháp qua các VCK EURO (9 bàn). Đứng kế tiếp là Thierry Henry & Zinedine Zidane, cùng ghi được 5 bàn.
123: Thủ thành Edwin van der Sar hiện là người chơi nhiều trận nhất cho ĐT Hà Lan: 123 lần.
139: Lilian Thuram đang giữ kỷ lục khoác áo nhiều lần nhất cho ĐT Pháp: 139 lần. Thuram còn là cầu thủ cao tuổi nhất trong đội hình ĐT Pháp tại VCK EURO năm nay: 36 tuổi (trẻ nhất là Samir Nasri và Karim Benzema: 21 tuổi).
Tỉ lệ đặt cược các đội:
Bảng C có thể xem là “bảng tử thần” với rất nhiều những điều khó có thể tiên đoán. Nhưng, theo tỉ lệ chung mà các nhà cái đưa ra, có thể khẳng định, Italia và Pháp nhiều khả năng sẽ lần lượt giành 2 vị trí đầu bảng. Hơn nữa, Italia còn được xem là ƯCV thứ 3 trong danh sách những đội nhiều khả năng giành chức vô địch EURO 2008 sau ĐT Đức và Tây Ban Nha. Ví dụ, có tới 2 nhà cái gồm Totesport và Coral đặt tỉ lệ 7/1 (đặt 1 ăn 7) cho đội bóng của HLV Donadoni đăng quang.
(Theo Báo Bóng đá)