Trước SEA Games 24, chúng ta đã lường trước ở kỳ đại hội này, một số môn của Đoàn TTVN sẽ gặp khó khăn từ trọng tài. Thực ra chuyện này không hề lạ ở sân chơi Đông Nam Á như SEA Games. Tuy nhiên...
Gần nhất là SEA Games 23, nhiều môn võ của chúng ta đã phải khóc hận vì trọng tài mặc dù chuyên môn của VĐV ta là 10 mà đối phương chỉ có 7-8, như môn pencak silat chẳng hạn, đuổi đối phương, làm cho họ lên bờ xuống ruộng nhưng vẫn bị xử thua.
Đó là môn thi đấu khá nhạy cảm vì luật lệ phụ thuộc rất nhiều vào cái tâm của người trọng tài. Các nhà chuyên môn cũng chỉ dự tính những môn võ mới có nguy cơ bị trọng tài ép.
Nào ngờ đến 1 môn như bóng bàn mà cũng bị “người ta” làm khó bằng cách bắt những lỗi tưởng như không thể bắt được, ấy là lỗi giao bóng. Phía Việt Nam phản đối dữ dội và cuối cùng BTC phải thay trọng tài, nhờ vậy Quỳnh mới chiến thắng, đem lại vị trí đầu bảng cho đội Việt Nam. Lịch sử ở bàn bóng đồng đội nam luôn đứng về các tay vợt Việt Nam chứ không đứng về người Thái vì vậy người Thái cố tránh đội Việt Nam mà cách tránh là đánh tụt bậc đội Việt Nam, nâng bậc cho đội Indonesia. Nguyên nhân sâu xa chỉ có thế và ông trọng tài người Thái được nhận nhiệm vụ làm… đao phủ đối với Trần Tuấn Quỳnh. Phải lường trước những khó khăn để không mất tinh thần, không nổi khùng lên để rồi rơi vào bẫy của trọng tài. “Người ta” chỉ cần VĐV VN mất tự chủ để cho… ăn đòn. Muốn chiến thắng đối phương lẫn trọng tài, chẳng có gì hay hơn là phải chiến thắng chính mình. Xuôi tay hoặc… điên lên để thi đấu bạt mạng là đã mắc mưu của những thế lực hắc ám.
Theo luật giao bóng, VĐV phải để bóng trong lòng bàn tay xòe ngửa, bóng được tung rõ ràng. Đây là quy định mà chỉ những người mới tập mới mắc bởi với các VĐV đỉnh cao đã từng tập luyện và thi đấu nhiều giải, từ khu vực đến vòng loại Olympic, họ đã có đến hàng chục vạn lần giao bóng đúng quy định, làm sao mà mắc lỗi được? Khiếu nại với trọng tài chưa đủ, Tuấn Quỳnh và đoàn VN còn khiếu nại lên ông Chủ tịch Hội đồng trọng tài nhưng cũng không ăn thua
Vậy mà trọng tài vẫn cứ bắt, không phải 1 lần mà là 5-6 lần trong 1 hiệp đấu có số điểm là 11 điểm chứ không phải 21 như trước kia, ngoài ra trọng tài còn “tặng” Tuấn Quỳnh 1 thẻ vàng, HLV của Quỳnh 1 thẻ đỏ.
Tuấn Quỳnh đã thua trong trận đấu gặp VĐV Hussen Muhammed. Đối thủ này sẽ bị thua nhanh nếu trọng tài không bắt lỗi quá thô thiển, quá trắng trợn.
Trận cuối cùng Tuấn Quỳnh gặp Yon Mardiyono, trận đấu có tính chất quyết định vị trí nhất bảng B. BTC lại bố trí trọng tài đã bắt trận Tuấn Quỳnh thua Muhammed làm trọng tài chính trận này.
Chúng ta đã kịp hiểu ngay khi trọng tài chơi… bẩn. Nếu Việt Nam nhất bảng B thì sẽ gặp đội nam Thái Lan (nhì bảng A) ở bán kết, điều mà người Thái không muốn.
“Bệnh thành tích” đã làm mờ mắt các nhà tổ chức môn bóng bàn người Thái. Ở môn súng ngắn tự chọn cự ly 25m chiều 28/11, xạ thủ Xuân Vinh đã bị BTC hoãn thi chung kết sang ngày hôm sau vì lý do hết sức vớ vẩn là có đội Singapore khiếu nại 1 VĐV phạm lỗi. Hưng phấn của Xuân Vinh bị giảm rất đáng kể và chỉ giành HCĐ còn VĐV Thái Lan giành HCV.
Từ 2 môn Olympic này, ta có thể hình dung ra những môn mà TTVN cạnh tranh HCV với thể thao Thái Lan sẽ gặp khó khăn như thế nào. Bóng đá nam, nữ, bóng chuyền nam, cầu mây nữ… những môn có rất nhiều tình huống nhạy cảm để dẫn đến thẻ đỏ, phạt 11m, lỗi chạm lưới khi chắn bóng…
“Người ta” sẽ… ra đòn khi thấy nguy cơ thua cuộc hoặc đơn giản là “triệt” từ xa. Những nhà cầm quân của các đội tuyển cần chú ý hướng dẫn học trò tránh đưa mình vào thế khó.
Phải nghiến răng lại mà chiến đấu như Trần Tuấn Quỳnh đã làm, đó là cách đáp lại hết sức fair-play đối với các trọng tài xấu. Chiến thắng của Trần Tuấn Quỳnh đáng để VĐV nhiều môn coi là bài học xương máu.
(Theo VTC)