(Bongda24h) - Từ một trong những ông lớn của Serie A, chỉ sau vài năm, Parma đã tụt nhanh xuống nhóm các đội bóng có nguy cơ xuống hạng. Thời kỳ hào hùng xưa kia nay chỉ còn là dĩ vãng. Parma bây giờ không còn đặt mục tiêu gì cao xa ngoài việc trụ hạng thành công.
Thập niên 90 của thế kỷ trước được coi là thời kỳ vàng son của Parma. Họ đã trở thành một trong những thế lực ở Italia. Dù đã giành được một số danh hiệu như 2 chiếc cúp UEFA, 3 cúp QG Italia, 1 cúp C2 và 1 Siêu cúp châu Âu nhưng ở riêng Serie A, Parma không một lần lên ngôi. Thành tích cao nhất của Parma cho đến thời điểm này chỉ là vị trí thứ 2 chung cuộc trong mùa bóng 1996/1997.
Đã xa rồi thời huy hoàng!
Và từ môi trường này, đã có rất nhiều các ngôi sao lớn được trưởng thành. Điển hình có Hernan Crespo, chân sút số một của đội bóng trong lịch sử; thủ môn xuất sắc Gianluigi Buffon; “Quả bóng vàng châu Âu 2006” Fabio Cannavaro, người có 61 lần đeo băng đội trưởng câu lạc bộ hay trung vệ người Pháp vô địch World Cup 1998, Lilian Thuram.
Nhưng rồi, những năm đầu của thế kỷ 21, cuộc khủng hoảng tài chính của tập đoàn sở hữu đội bóng hồi đó, hãng bơ sữa Parmalat, đã khiến Parma tụt dốc không phanh. Dù đã trải qua vài đời chủ nhưng tình hình ở CLB này không cải thiện được bao nhiêu. Từ vị trí nằm trong tốp đầu, Parma đã rơi xuống nhóm cuối bảng và luôn ở trong hoàn cảnh phải “tranh đấu” để ở lại Serie A
Mùa bóng 2006/2007, Parma được xem là đội bóng có cái cách trụ hạng ấn tượng nhất ở Serie A. Giai đoạn lượt đi, Parma gần như vô vọng trong việc ở lại Serie A. Chỉ khi đội bóng mang về được chân sút Giuseppe Rossi (mượn từ Man Utd) trong giai đoạn lượt về thì Parma mới thực sự hồi sinh. Những chiến thắng quan trọng đã giúp cho thầy trò Claudio Ranieri thoát hiểm trong gang tấc. Đặc biệt, sự tỏa sáng của Rossi chính là nguồn cảm hứng giúp cho đội bóng đi tới thành công.
Có thể nói, Parma đang trong giai đoạn khó khăn nghiêm trọng cả về tài chính lẫn nhân lực. Những mâu thuẫn trong ban lãnh đạo cùng với tiềm lực tài chính ốm yếu đã làm cho Parma khó “ngóc đầu” lên được. Họ không thể mang về câu lạc bộ những ngôi sao lớn mà chỉ trông chờ vào đội hình hiện tại. Ngay cả đến HLV, Parma chỉ có thể mời về Domenico Di Carlo, mùa trước dẫn dắt Mantova, một CLB ở Serie B.
Parma không đủ lực để giữ lại G.Rossi
Không những thế, những người được xem là trụ cột của đội bóng đã ra đi. Điển hình là huấn luyện viên Claudio Ranieri, người đã giúp câu lạc bộ trụ hạng thành công, đã “bỏ chạy” sang Juventus. Trong khi đó, ngôi sao Giuseppe Rossi cũng không thể ở lại CLB dù Parma rất mong muốn.
Thật khó để Parma có thể “thay da đổi thịt” ở mùa bóng tới. Họ chỉ đủ khả năng chiêu mộ những cầu thủ có trình độ trung bình như Morrone (từ Livorno), Reginaldo (Fiorentina), Parravicini (Palermo), Falcone (Sampdoria), vì vậy Parma khó mà hoàn thành được mục tiêu trụ hạng của mình. Tất cả phải trông chờ vào ban lãnh đạo của đội bóng, những người sẽ đưa con thuyền CLB tránh khỏi những khủng hoảng mới.
Và để hi vọng, các cổ động viên trung thành của đội bóng buộc phải nghĩ đến một tương lai sáng lạn sẽ đến. Nó sẽ được xây dựng dựa trên “nội lực” của Parma. Hiện tại, họ có những cầu thủ trẻ đầy hứa hẹn như Daniele Dessena, Fabio Virgili, Damiano Ferronetti hay Daniele Paponi. Mùa giải mới, có thêm một vài cái tên được đôn lên đội một từ tuyến trẻ như Marco Rossi, Leandro Martínez, Federico Moretti. Đến ngày nào đó với những tài năng trẻ này, Parma sẽ bừng sáng lại như họ đã từng có một quá khứ hào hùng trong lịch sử. Còn hiện tại, trụ cột của Parma cho mùa giải 2007-2008 vẫn là lão tướng 37 tuổi, Fernando Couto, tiền vệ Domenico Morfeo và trung phong cao to, Igor Budan.
Parma đành phải trông chờ vào độ chín của lứa cầu thủ tài năng
Để đảm bảo sự tồn tại, Parma phải trụ hạng thành công, như cách mà họ đã làm được ở mùa giải 2006/2007. Và mùa bóng tới, đó là mục tiêu tối thượng của họ. Cốt yếu của vấn đề giờ đây vẫn là làm sao đảm bảo được chiến thắng cho câu lạc bộ, khi đó mọi việc khác sẽ được giải quyết ổn thỏa.
Nếu biết phát huy tinh thần thi đấu, niềm tin cùng quyết tâm của các cầu thủ thì không chỉ việc “được sống” mà thậm chí là “sống trong vinh quang” ở Serie A mùa bóng tới với Parma là điều hoàn toàn có thể làm được.
Tình hình chuyển nhượng
Đến: Falcone (Sampdoria); M.Rossi (Modena); Savi (Monza); Parravicini (Palermo); Reginaldo (Fiorentina); Morrone (Livorno); Pavarini (Siena); Petr (Banik Ostrava)
Đi: Grella (Torino); Muslimovic (Udinese); G.Rossi (Man Utd); De Lucia (Livorno); Savi (Arezzo); Kutuzov (Pisa); Bolano (Modena)
Vài nét về Parma | |||
Thành lập | 1913 | Biệt danh | Gialloblu |
Sân nhà | Ennio Tardini | Sức chứa | 29,050 |
Chủ tịch | Tommaso Ghirardi | ||
Địa chỉ | Viale Partigiani d'Italia, 1 - 43100 Parma, Italia | ||
Tel/Fax | 0039 0521-505111 | ||
Website | www.fcparma.com | ||
Thành tích | - Cúp Quốc gia Italia: 3 (1992, 1999, 2002) |
Danh sách các cầu thủ Parma mùa giải 2007-2008 | |||
Số áo | Vị trí | Cầu thủ | Quốc tịch |
3 | HV | Giuseppe Cardone | Italia |
4 | TV | Daniele Dessena | Italia |
5 | TM | Luca Bucci | Italia |
7 | HV | Paolo Castellini | Italia |
9 | TĐ | Daniele Paponi | Italia |
10 | TV | Domenico Morfeo | Italia |
11 | TĐ | Andrea Pisanu | Italia |
13 | HV | Marco Rossi | Italia |
14 | HV | Matteo Contini | Italia |
15 | TĐ | Leandro Martinez | Argentina |
16 | HV | Alessio Tombesi | Italia |
18 | TV | Andrea Gasbarroni | Italia |
19 | TV | Andrea Pisanu | Italia |
20 | TĐ | Igor Budan | Croatia |
21 | TV | Luca Cigarini | Italia |
22 | TĐ | Federico Moretti | Italia |
23 | TV | Daniele Dessena | Italia |
24 | HV | Fernando Couto | Bồ Đào Nha |
28 | HV | Massimo Paci | Italia |
31 | TĐ | Stefano Crisci | Italia |
32 | HV | Damiano Ferronetti | Italia |
33 | HV | Ferdinand Coly | Senegal |
55 | TV | Francesco Parravicini | Italia |
69 | TM | Fabio Virgili | Italia |
80 | HV | Antonio Bocchetti | Italia |
83 | TĐ | Reginaldo | Brazil |
89 | TM | Eros Corradini | Italia |
99 | TM | Nicola Pavarini | Italia |
- Mai Ngọc