Nếu Asian Cup 2007 sẽ kết thúc theo cách mà nó diễn ra cho đến thời điểm này thì các quan chức Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hẳn sẽ có lí do để xoa tay hài lòng, rằng châu Á có một giải đấu có tính cạnh tranh hàng đầu thế giới. Chỉ có điều, ẩn sau nó là một câu chuyện buồn.
''Phải biết chuẩn bị tinh thần để... thất bại''
Đó là lời khuyên của ông Dzemaludin Musovic, HLV trưởng đội tuyển Qatar chỉ vài ngày sau khi ông đặt chân đến Hà Nội để dẫn dắt đội bóng của mình tranh tài tại bảng B Asian Cup 2007.
Lời khuyên đó dành cho ai? Việt Nam hay chính Qatar, những đội bóng vốn bị xem là yếu kém hơn 2 đối thủ hùng mạnh cùng bảng là Nhật Bản và UAE? Không phải, đó là lời nhắn nhủ ông dành cho người bạn già Ivica Osim, hiện đang gánh vác nhiệm vụ đưa đội tuyển Nhật Bản lần thứ 3 liên tiếp vô địch châu Á.
ĐT Nhật Bản chưa chứng tỏ sức mạnh thực sự của mình
Nghe có vô lý quá không khi mà những đối thủ trước mắt của Nhật Bản (Qatar, Việt Nam, UAE) là những đội bóng có đẳng cấp và thực lực kém hẳn hơn họ? Hãy nghe xem Musovic lý giải tại sao.
''Không thể tin được bóng đá châu Á đã thay đổi ra sao. Ai dám tin Indonesia có thể đánh bại Bahrain, hay Oman hòa Australia? Rất nhiều đội bóng đã tiến bộ rất nhiều và khoảng cách giữa đội mạnh nhất và đội yếu nhất đã không còn giống như chỉ cách đây 2 hoặc 3 năm. Các ứng cử viên cần phải chuẩn bị để hòa hoặc thua bởi thời thế đã thay đổi rất nhiều''
Điều mà ông Musovic muốn nhắn nhủ cũng chính là cái thường nằm trọn trên trang nhất các báo thể thao châu Á trong những ngày qua khi những đội bóng được xem là ''đàn anh'' bao lâu nay của bóng đá châu Á liên tiếp phải nhận những trận thua vỡ mặt, hay những trận hòa ê chề trước các ''đàn em'' mới nổi.
Đầu tiên là Việt Nam hạ UAE 2-0, tiếp đến là Indonesia đánh gục Bahrain 2-1, rồi Thái Lan cho Oman đo ván 2-0, nhẹ hơn một chút là các trận hòa 1-1 của Australia và Nhật Bản, 2 đội bóng vừa dự World Cup 2006, trước Oman và Qatar.
Với những đội bóng Đông Nam Á, vốn bị xem là vùng trũng của bóng đá châu Á, điều này giống như chuyện cô bé Lọ Lem vụt biến thành thiếu nữ xinh đẹp. Trong quá khứ chưa xa, những cuộc đọ sức với các đội bóng Tây Á vẫn bị xem là ác mộng đối với Việt Nam, Indonesia và kể cả người ''anh cả'' Thái Lan. Thường thì những trận đấu kết thúc với 3,4 bàn thua trong thể trạng rã rời, đôi khi còn thua nhiều hơn.
Các ĐT được đánh giá thấp: Việt Nam rồi Thái Lan thi nhau làm nên bất ngờ
Trên tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản ngày 12/7 có đăng bài báo với dòng tít chạy dài: ''Thông điệp từ Hà Nội: Bạn không thể chiến thắng tất cả'', với nội dung đề cập chuyện ứng cử viên hàng đầu Nhật Bản đã không thể thắng được Qatar và trước mặt là một núi khó khăn với UAE và Việt Nam.
Sân nhà, khán giả nhà là một yếu tố thuận lợi không cần bàn cãi nhưng chỉ có thế thì chưa đủ để làm nên những cuộc lật đổ. Thực tế sân cỏ đã chứng minh những tiến bộ rõ nét của những đội bóng ''chiếu dưới'', những tiến bộ mà giờ đây nhiều người đã tin rằng không chỉ là nhất thời.
Nếu Asian Cup 2007 tiếp tục diễn ra như những gì nó đã thể hiện những ngày qua, bóng đá châu Á có thể tự hào có một giải đấu có tính cạnh tranh hàng đầu hiện nay, nhất là khi nhìn sang Nam Mỹ, nơi Copa America đang chứng kiến những cơn mưa bàn thắng trong các trận cầu chênh lệch.
Nhưng liệu niềm tự hào đó có thực sự là tín hiệu đáng mừng? Hay chỉ là cách che đậy cho một sự xuống dốc mà không ai dám thẳng thắn thừa nhận?
Đâu rồi những ngôi sao?
Copa America luôn mất đi nhiều sức hấp dẫn bởi sự vắng mặt của những cầu thủ nổi danh trên sân cỏ châu Âu. Đó là điều dễ hiểu bởi đó thường là những siêu sao triệu phú đã quá nổi tiếng mà không cần thêm một mùa hè cực nhọc để khẳng định giá trị bản thân.
Vấn đề tưởng như chỉ của riêng Nam Mỹ giờ đây có vẻ đang lặp lại tại châu Á, một châu lục mà số cầu thủ được gọi là thành danh tại châu Âu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nghe thì có vẻ phi lý nhưng đó lại là sự thật đáng buồn.
Hai siêu sao đang chơi ở Premiership của ĐT Australia, Viduka và Kewell không thể hiện được gì
''Football Asia at its best'' - ''Bóng đá châu Á ở trình độ cao nhất'', khẩu hiệu của Asian Cup 2007 đã không đúng, ít nhất cho đến lúc này. Đã không có một gương mặt nào, tập thể nào đáng được gọi là ''best'' cả, từ Nhật Bản, Hàn Quốc, cho đến Iran và cả tân binh được đánh giá rất cao Australia.
4 đội bóng trên là đại diện của châu Á tham dự World Cup 2006 (Australia khi đó đại diện cho Châu Đại Dương), được đánh giá mạnh nhất châu Á hiện nay và tất cả đều đã ra quân tại Asian Cup mà không để lại ấn tượng gì, nếu không muốn nói là còn gây thất vọng lớn. Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia đều hòa các đối thủ yếu hơn trong khi Iran phải chật vật mới lội ngược dòng thắng Uzbekistan 2-1.
Xem Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... thi đấu, không ai nhận ra các ngôi sao từng để lại chút tiếng tăm tại châu Âu, từ Nakamura, Lee Chun-soo cho đến Harry Kewell hay Mark Viduka.
Mệt mỏi và thiếu động lực, Nhật Bản bị Qatar gỡ hòa ở phút 90 còn Australia cũng phải đợi đến phút đó mới giành lại 1 điểm từ tay Oman.
Hàn Quốc thì còn tệ hơn khi tạo cho các CĐV cảm giác như đang được xem một trận bóng bầu dục khi lao vào đá bóng một cách hùng hục và thô thiển trong trận đấu đầy cơ bắp với Saudi Arabia. Không một chút ấn tượng nào được cứu vớt từ đội bóng từng gây chấn động làng túc cầu thế giới 5 năm trước dù trong đội hình vẫn còn những Lee Won Jae, Cho Jae Jin, Lee Chun Soo.... ngày nào.
Brazil có thể viện cớ những ngôi sao của họ đã bị vắt kiệt sức sau một mùa giải khắc nghiệt tại châu Âu nhưng Nhật Bản hay Australia thì viện cớ gì để bào chữa cho sự kém cỏi, hay chí ít là mờ nhạt, của những Nakamura, Viduka, Kewell... khi những nhân vật được trọng vọng quá mức này người thì chỉ chơi tại một giải VĐQG hạng 2 ở châu Âu (Scotland), người thì là chủ yếu mài quần trên băng ghế dự bị (Kewell).
Còn đâu một Nakamura từng tung hoành ở Champions League
Chỉ so với 3-4 năm trước đây thôi đã thấy bóng đá châu Á đang đi giật lùi một cách đáng ngại.
Thời của những Nakata, Shinji Ono, Ali Daei... qua chưa lâu mà người hâm mộ bóng đá ở châu lục đông dân nhất thế giới giờ đây đã phải ''tự sướng'' với nhau rằng bóng đá châu Á có những Nakamura, người ghi được bàn thắng vào lưới... Manchester United hay Kewelll, Viduka, những cầu thủ đã qua thời đỉnh cao và chỉ còn là hàng thải tại những CLB Anh.
5 năm trước, Hàn Quốc vào đến bán kết World Cup 2002. Nhật Bản cũng vào đến vòng hai. Nhưng đến 4 năm sau (2006), không một đại diện châu Á nào qua nổi vòng 1 của World Cup 2006. Từ chỗ được coi là thế lực mới nổi, châu Á đã lại quay lại với thân phận quen thuộc của Liên đoàn châu lục kém phát triển nhất trong đại gia đình FIFA.
Khẩu hiệu ''Future is Asia'' - ''Tương lai (bóng đá) là châu Á'' mà AFC tâm đắc đưa ra nhiều năm trước cho đến giờ vẫn chỉ nằm im lìm trên những tấm băng rôn. Vẫn chỉ là ''future - tương lai'' thôi chứ ''present - hiện tại'' còn xa lắm.
Và dường như Asian Cup 2007 lại kéo cái ''xa'' đó dài ra hơn 1 chút. Để những bất ngờ vẫn có thể xảy ra; để châu Á xoa tay hài lòng về một giải đấu có tính cạnh tranh nhưng lại ngậm ngùi khi ngoảnh mặt quay đi.
Hãy gửi lời chúc đến đội tuyển Việt Nam! Soạn tin nhắn: Ví dụ: Soạn TMQK Viet Nam vo dich, hay tien len cac ban tre! Gửi 998 Mọi lời chúc được đăng tại http://tm.vietnamnet.vn |