Tiger Cup trong quá khứ, đội bóng chiến thắng thường sở hữu những ngôi sao đẳng cấp. Thậm chí, cả những đội bóng tiến sát vinh quang cũng sở hữu những cầu thủ mà tự bản thân anh ta cũng có thể giải quyết được trận đấu chỉ qua vài tình huống.
Vai trò cá nhân
Thái Lan có Kiatisuk. Anh là cầu thủ số 1 của bóng đá Thái và cũng là người xuất sắc nhất của bóng đá khu vực trong khoảng 2 thập niên qua, đến nay vẫn chưa tìm ra được người kế tục tương xứng.
Singapore năm 2006 cũng có một ngôi sao, Mustafic. Cầu thủ người Serbia nhập tịch này đã thể hiện được năng lực vượt trội và rực sáng trong trận chung kết 2 lượt đi và về trước người Thái. Cách Mustafic “bóp nát” Thonglao khi đó được chờ đợi sẽ tỏa sáng nhất ở AFF Cup 2006, không chỉ trên khía cạnh thể lực mà còn ở kỹ năng tổ chức trận đấu.
Chỉ có một lần duy nhất, đội bóng chiến thắng chung cuộc mà không có ngôi sao: Singapore năm 1998.
Nhưng đội bóng thất bại trong trận chung kết, ĐTVN, thì lại có: tiền vệ Hồng Sơn. Sơn “công chúa” với cách ăn mừng bàn thắng với 2 khẩu súng lục “bằng bằng” nhả đạn, rồi giơ tay chào đúng kiểu một sĩ quan quân đội là một hình ảnh khó quên.
Sức mạnh của ĐTVN là tập thể, để bù đắp việc chúng ta không có một thủ lĩnh thực sự |
Cũng chính Sơn đã khẳng định một điều, đôi khi, đội tuyển của bạn không giành chức vô địch, nhưng nếu giới thiệu được một ngôi sao và anh ta biết làm nên những điều khác biệt, đó cũng là một chiến thắng.
AFF Suzuki Cup năm nay, thì sao, ngôi sao nào sẽ tỏa sáng và chiến thắng sẽ mang dấu ấn cá nhân hay là chiến thắng mang dấu ấn của tập thể? Hãy liệt kê và làm phép loại trừ:
Indonesia lúc này đang trông chờ vào sự tỏa sáng của Bambang, từng là một cây săn bàn khét tiếng ở Tiger Cup 2002 (8 bàn). Thế nhưng, càng “nhẵn mặt” với bóng đá khu vực thì Bambang lại càng cho thấy anh không phải là một cầu thủ lớn, và biết tỏa sáng ở những trận đấu quan trọng, kiểu như Gendut hay Kurniawan Yulianto, và càng chưa đủ tầm để làm thủ lĩnh như Widodo hay Bima Sakti.
Myanmar có một cầu thủ lớn, một nhạc trưởng chơi kiểu số “9 rưỡi”, Soe Myat Min, nhưng tiếc là anh lại chơi bóng ở một tập thể khá làng nhàng về trình độ. Mà chẳng có cầu thủ nào được coi là ngôi sao của giải đấu khi đội bóng của anh ta không thể vượt qua vòng bảng (triển vọng của Myanmar chỉ là đứng thứ ba bảng A).
Cũng có thể, quy luật này sẽ còn ứng dụng với cả Indra Putra của Malaysia, một tiền vệ được miêu tả là đã từng đối đầu với Deco (Chelsea) mà vẫn tự tin để chơi bóng.
Vai trò tập thể
Có thể, ở giải lần này sẽ chẳng có cầu thủ nào đạt tới tầm của Kiatisuk, Widodo, Hồng Sơn trước kia nữa, vì chính những đội bóng sở hữu các cầu thủ nói trên, giờ cũng không còn xây dựng đội hình, lối chơi xoay quanh một cá nhân cụ thể nào, hoặc hiểu ngược lại, là họ không còn sản sinh ra những cá nhân đủ tầm để trở thành linh hồn đội bóng.
Thái Lan của Peter Reid không xây dựng lối chơi xoay quanh Thonglao và các cầu thủ Thái Lan cũng không chơi bóng để phục vụ cho chân sút Teerathep Winothai.
Singapore cũng không còn lấy Mustafic làm hạt nhân ở khu trung tuyến khi những cầu thủ như Shi Jayi hay John Wilkinson còn chơi ấn tượng hơn cả “số 15”. Các cá nhân khác như Indra Sahdan (đội trưởng), Alex Duric cũng chỉ là những mắt xích trong lối chơi rất công nghiệp của HLV Avramovic.
Việt Nam của chúng ta lại càng là một đội bóng dựa hoàn toàn vào sức mạnh tập thể. Việc các cá nhân khác nhau thay nhau ghi bàn trong thời gian gần đây là một minh chứng. Chúng ta thiếu những cầu thủ có khả năng tỏa sáng độc lập và chúng ta cũng không sở hữu cầu thủ nào có đủ năng lực để dẫn dắt cả đội bóng.
Chính bởi thế, sẽ rất khó để có cá nhân chiến thắng, mà chỉ có tập thể thắng lợi ở AFF Suzuki Cup 2008. Bên cạnh sự đồng đều, yếu tố đẳng cấp và trình độ, thì vai trò của các HLV xem ra sẽ đặc biệt quan trọng. Vì chính họ và chỉ có họ mới là người xây dựng nên một tập thể đội bóng. Như thế, xem ra, lần này đích thực là cuộc chiến của các ông thày!
(Theo Thể Thao Văn Hóa)