(Bongda24h) - Thứ sáu 1/8/2008, ở một vị trí trang trọng trên trang web chính thức của Arsenal (http://www.arsenal.com) đăng bài báo tựa đề "Adebayor reveals good news about his future" (Tạm dịch: Adebayor tiết lộ những thông tin tốt về tương lai của mình), trong đó có những khẳng định gần như chắc chắn rằng tiền đạo người Togo sẽ sớm kí một bản hợp đồng gia hạn thêm 4 năm với câu lạc bộ chủ quản. Như vậy, một trong những vụ chuyển nhượng ầm ĩ nhất nước Anh mùa hè 2008 đã có lời giải đáp.
Bài dự thi viết "Nếu bạn là chuyên gia"
Nguyễn Văn Đỉnh, Lớp K49XF, Đại học xây dựng Hà Nội
I. Vì sao Adebayor ở lại?
1. Tiền
“Tôi lúc nào cũng muốn ở lại với Arsenal, tôi yêu CLB này. Tôi sẽ ở lại Arsenal, tôi đang rất hạnh phúc ở nơi này", Adebayor sung sướng phát biểu sau khi quyết định gia hạn hợp đồng. Những lời có cánh của tiền đạo người Togo, nếu được thốt ra vào thời điểm cách đây 2 tháng hẳn sẽ làm các cổ động viên Arsenal rất hài lòng nhưng trong hoàn cảnh này lại làm các fan không khỏi thất vọng. Còn nhớ hồi cuối tháng 5, Adebayor đã vòi vĩnh một bản hợp đồng mới với mức lương 120 nghìn bảng/tuần và thậm chí có lúc, anh đã thẳng thừng "tăng lương hoặc là tôi sẽ ra đi" để rồi sau đó những thông tin chuyển nhượng liên quan đến anh không ngừng tuôn ra trên các mặt báo. Một bản hợp đồng có thời hạn 4 năm với mức lương vào khoảng 80 nghìn bảng/tuần tuy chưa đáp ứng đủ yêu cầu của Emmanuel nhưng không vì thế mà Adebayor không hài lòng.
Tiền chính là nguyên nhân khiến Adebayor ở lại |
Ai cũng biết rằng mặc dù đã ghi 30 bàn thắng và kiến tạo 5 bàn trong 49 lần xuất hiện ở mùa giải 2007-2008 nhưng trong con mắt của nhiều người thì Emmanuel vẫn là một tiền đạo chân gỗ và hơn nữa đẳng cấp của anh vẫn luôn khiến người ta cảm thấy nghi ngờ vì có quá nhiều bàn thắng được anh ghi trong những trận đấu nhỏ. Với khung lương đã tăng lên quá nhanh sau những vụ shopping rầm rộ trog mùa hè, sẽ thật khó để AC Milan hay Barcelona trả cho anh nhiều hơn 80 nghìn bảng cho 1 tuần phục vụ, và do đó, với một người bị coi là kẻ hám tiền như Adebayor, Emirates giống như một địa hạt màu mỡ mà anh không thể dễ dàng rời bỏ.
2. Lối chơi
Trên arsenal.com, Sheyi bóng bẩy nói “Mối quan hệ giữa tôi và Arsène Wenger rất tốt", rằng "Đối với tôi ông ấy là một người cha, một HLV đáng kính". Nếu như bỏ qua thái độ vùng vằng không chịu gia hạn hợp đồng và những phát ngôn chống lại Arsenal trong suốt mùa hè này thì những lời anh nói là hoàn toàn có cơ sở. Khi còn chơi cho Monaco, Sheyi chỉ là một tiền đạo hạng xoàng, một cầu thủ vô danh với vẻn vẹn 20 bàn thắng trong... 100 lần ra sân ở 3 mùa bóng, một hiệu suất thua kém hầu hết các tiền đạo hạng trung ở Premiership nhưng Arsène Wenger bằng con mắt tinh tường và cái đầu có sạn đã phát hiện ra anh, đã nhìn thấy trong anh có những tố chất của một tiền đạo săn bàn thiên bẩm và đưa anh về Emirates. Adebayor được chơi ở những giải đấu hàng đầu như Premiership hay Champions League là nhờ công của Wenger, Adebayor đạt đến một trình độ như hiện nay vì anh được rèn giũa bởi đôi bàn tay vàng của 1 chuyên gia đào tạo hàng đầu thế giới.
Adebayor có lẽ hiểu rằng không một môi trường, không một giải đấu nào phù hợp với anh hơn là Arsenal và Premiership trong khi bài học của Anelka và Titi, những người cùng chơi ở giải Pháp, cùng đến London và đạt đến đỉnh cao sự nghiệp để rồi cùng thất bại ở La Liga, vẫn nhãn tiền. Hơn nữa, nếu xét về trình độ và mức độ nổi tiếng thì Adebayor còn lâu mới sánh được với Anelka và Titi khi đó. Le Sulk là nhân tố chính trong chiến tích đăng quang ở giải VĐQG Anh của Gunners năm 1998 với 17 bàn sau 35 lần xuất hiện, Titi thì đơn giản đã là một huyền thoại sống ở London sau 8 năm cống hiến, 3 chức VĐQG, ghi 230 bàn và kiến tạo hơn 80 bàn, trong khi đó, Adebayor chỉ thực sự nổi bật ở một mùa giải nhưng không mang lại cho đội bóng bất kì danh hiệu nào.
Còn rất lâu tiền đạo người Togo mới có thể so sánh được với Henry |
Ở Emirates, Adebayor đã được hỗ trợ quá nhiều bởi các tiền vệ. Sheyi không thuộc mẫu tiền đạo có thể tự tạo cơ hội cho mình và đồng đội như Titi Henry, những bàn thắng mà anh có được đa phần là xuất phát từ đường chuyền dọn cỗ của đồng đội. Ở Emirates, Adebayor luôn là đích đến cuối cùng của những đường chuyền nhưng điều đó sẽ không lặp lại khi anh chuyển đến Milan hay Barca. Chúng ta đã từng thấy một Anelka lạc lõng thế nào ở Bernabeu hay Titi ở Nou Camp chưa bao giờ tìm lại mình, họ là số 1 ở Arsenal nhưng chỉ là số 2 ở nơi khác, Arsenal luôn tạo cho cầu thủ bầu không khí thân thiện của một gia đình, thứ rất khó kiếm tìm ở một nơi nào bên ngoài London.
3. Sự thờ ơ của các đối tác
Những tin đồn về Adebayor thì rất nhiều nhưng tịu chung lại chỉ xoay quanh hai cái tên: AC Milan và Barcelona, những câu lạc bộ khổng lồ mà tên tuổi của nó có thể lôi cuốn bất cứ cầu thủ nào (bằng chứng là Flamini và Hleb đã lần lượt chia tay tổ ấm Emirates để đến với họ). Đã có thời điểm Milan muốn chi 38 triệu EURO cộng thêm Zidane mới Yoann Gourcuff để đổi lấy Emmanuel trong khi Barca vì anh mà đánh đổi Eto'o cộng thêm 10 triệu EURO nhưng cuối cùng, tất cả đều chỉ là những tin đồn. AC Milan đã tập trung quá nhiều tiền bạc, thời gian và trí lực vào vụ Ronaldinho đến nỗi ngủ vùi trong chiến thắng sau khi giành được Ro vẩu. Đồng thời, Flamini, Ronaldinho, Zambrotta, Borriello...là những tân binh đủ chất lượng để Milan yên tâm khởi động mùa giải mới.
Silvio Berlusconi luôn là một ông chủ hà tiện nhưng năm nay đã phá lệ để chi rất nhiều tiền cho thị trường chuyển nhượng, hàng tiền đạo của Rossoneri đã quá ổn với Ronaldinho, Inzaghi, Borriello và Pato, calciomercato đã khép lại với Milan và tất nhiên, Adebayor là một món hàng quá xa xỉ. Đối với Barca, số tiền ngót nghét 100 triệu EURO đổ vào thị trường chuyển nhượng nhắc cho họ rằng phải suy tính nhiều hơn trước khi mua một ai đó, đồng thời, chuyện mua hay không mua Adebayor còn phụ thuộc vào Eto'o, tiền đạo người Cameroon đang có những biểu hiện tích cực cho thấy anh muốn ở lại. Nói một cách thẳng thắn thì mẫu tiền đạo chân gỗ như Adebayor không phù hợp với lối chơi đẹp mắt của Milan cũng như Barca, nhất là khi Arsenal định giá anh lên tới 30 triệu bảng!
Sự ra đi của một loạt trụ cột khiến Wenger phải “xuống nước” với Adebayor |
4. Sự nhượng bộ của Wenger
Lehmann, Flamini, Hleb, Gilberto và sắp tới là Senderos lần lượt rời khỏi London, cuộc tháo chạy hàng loạt những ngôi sao phủ một bóng mây u ám lên Emirates. Wenger, người luôn tự tin thái quá vào chiến lược của mình đã phải suy tính lại và nhượng bộ. Không nhượng bộ sao được khi mà Emmanuel là một trong số ít những người có kinh nghiệm còn gắn bó với Arsenal. Nếu bán anh đi, trong tay ông chỉ còn một mình Persie là đã khẳng định được mình nhưng lại luôn có những vấn đề về sức khỏe trong khi Vela, Walcott, Bendtner còn quá trẻ, Eduardo thì chưa biết bao giờ trở lại. Ở những thời khắc tương tự, GS đã bán đi những tinh túy nhất của mình để rồi Arsenal càng ngày càng lùi sâu trong thất vọng và đây là thời điểm để làm một điều gì đó khác hơn.
II. Adebayor ở lại Emirates, tốt hay không tốt?
Việc Adebayor ở lại Arsenal khiến đa số các cổ động viên không hài lòng. Trong mắt họ, Adebayor là một kẻ phản bội và anh phải ra đi. Những người yêu vẻ đẹp của Gunners thì không thích Emmanuel bởi lối chơi cứng nhắc và xấu xí của anh, do đó, rất khó để anh tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các fan hâm mộ.
Adebayor nhận mức lương 80 nghìn bảng/tuần có nghĩa là khung lương của CLB có nguy cơ bị phá vỡ. Những cận vệ trung thành khác sẽ gây sức ép để được tăng lương, có nghĩa là Wenger đã phá vỡ quy tắc của chính mình, nên nhớ, Arsenal vẫn phải còng lưng trả lãi mỗi năm 20 triệu bảng cho món nợ vay để xây sân Emirates. Hành động vùng vằng và thiếu kiên quyết của Adebayor cũng khiến anh bị đồng đội ghét và chưa chắc anh đã nhận được nhiều hỗ trợ của đồng đội như mùa giải vừa qua. Một cách gián tiếp, tính ổn định của Arsenal có nguy cơ bị phá bỏ!
Liệu quyết định giữ Adebayor ở lại có phải là một ý hay? |