(Bongda24h) - Gallas đã bị tước băng thủ quân ở Arsenal sau khi không hoàn thành trọng trách và vi phạm “luật im lặng”. Những phản ứng sau đó của cầu thủ này cho thấy anh đã không còn hứng thú với sân Emirates. Điều anh quan tâm lúc này là ra đi để cứu vãn sự nghiệp ngay trong kì chuyển nhượng mùa đông sắp tới. Từ bên kia bờ Địa Trung Hải, AC Milan đã lên tiếng và khả năng trung vệ người Pháp trở thành một Rossoneri mới là điều hoàn toàn hiện hữu. Nhưng liệu đây có phải là thương vụ khôn ngoan của HLV Carlo Ancelotti và phó chủ tịch Adriano Galliani?
Bài dự thi: "Nếu bạn là chuyên gia"
Mai Đoàn Phương, Hà Đông – Hà Nội.
Ở Chelsea, Gallas (trái) là một hậu vệ xuất sắc |
Gallas là một hậu về tài năng. Điều đó đã được minh chứng trong màu áo Chelsea cũng như Arsenal. Gắn bó với giải Ngoại hạng Anh từ năm 2001 sau khi chuyển đến The Blues từ Marseille. Dưới thời Ranieri, Gallas phát triển khả năng chơi trung vệ khi đá cặp với Marcel Desailly và sau đó là John Terry và thỉnh thoảng anh cũng chơi ở vị trí hậu vệ phải. William dần trở thành một hậu vệ tuyệt vời, bộ đôi trung vệ giữa anh và Terry ở Chelsea là một trong những hàng thủ khủng khiếp nhất thế giới, đặc biệt là chuỗi 16 trận không để lọt lưới. Những ưu điểm chính của anh là khả năng kèm người và đọc trận đấu, nhưng anh được đánh giá cao nhất ở tốc độ, để có thể kèm những người như Thierry Henry. Cùng với đó là khả năng không chiến và nhạy cảm ghi bàn không kém gì một tiền đạo. Anh luôn là người ghi những bàn thắng quan trọng cho đội bóng vào những thời điểm khó khăn. Điều làm cho William trở thành hoàn hảo là sự vững chắc và những cú xoạc bóng mạnh mẽ của Terry, nhưng với khả năng giống như thế Gallas thích hợp với bất kì đội bóng hàng đầu nào.
Mùa hè 2006, Gallas đến với Arsenal theo bản hợp đồng trao đổi cầu thủ giữa 2 đội bóng thành London, theo đó Ashey Cole đi theo chiều ngược lại. Ở Arsenal, Gallas là thủ lĩnh hàng phòng ngự. Anh cùng với Kolo Toure hợp thành cặp trung vệ xuất sắc của Premier League. Với phong độ tuyệt vời ngay trong mùa giải đầu tiên gắn bó với Arsenal, cộng với mối quan hệ rất tốt với HLV A.Wenger, Gallas đã được tin tưởng giao phó chiếc băng đội trưởng. Nhưng cùng với thành tích kém cỏi của Arsenal trong 2 mùa giải gần đây, Gallas cũng không thể hiện được khả năng lãnh đạo của mình. Anh không có được uy tín cũng như cá tính cần thiết để có thể vực dậy tinh thần của những đồng đội trẻ sau mỗi thất bại. Cũng không là người duy trì được bản lĩnh cần thiết của đội bóng khi đã rất gần những danh hiệu. Cùng với đó, khi đã bước qua tuổi 31, những sai lầm của Gallas xuất hiện với tuần suất ngày càng cao. Ở một giải đấu thiên về tốc độ như Premiership, Gallas ngày càng bộc lộ sự thua thiệt về sức mạnh cũng như sự nhanh nhạy.
Ở Arsenal, anh không hoàn thành nhiệm vụ của một thủ lĩnh |
Mùa giải này Arsenal đã khởi đầu không tốt, những thất bại liên tiếp giáng những đòn nặng nề xuống tham vọng và tinh thần của đội bóng trẻ. Trong hoàn cảnh như thế, thay vì thúc giục và động viên tinh thần những cầu thủ trẻ, đội trưởng của Arsenal lại lên tiếng biện minh cho mình và có những phát biểu không tốt về nội tình đội bóng. Điều này là tối kỵ trong chiến lược cầm quân của các HLV, và Gallas đã phải trả giá bằng chiếc băng đội trưởng sau khi đã vi phạm “luật im lặng”. Đến lúc này, người ta chợt giật mình nhớ lại cách mà Gallas đã dùng để được “đào tẩu” khỏi Chelsea. Chỉ vì không bằng lòng chơi ở vị trí hậu vệ phải (mặc dù anh chơi rất tốt) thay vì vị trí trung vệ ưa thích Gallas đã dọa sẽ đá phản lưới nhà nếu Jose Mourinho đưa anh ra sân. Đó không phải là cá tính mà là cách hành xử thiếu chuyên nghiệp. Một cầu thủ tốt sẽ chấp nhận mọi vị trí miễn là nó có lợi cho đội bóng và theo yêu cầu của HLV.
AC Milan đang thiếu hậu vệ. Họ cần người để thay thế cho Paolo Mandini sẽ treo giày vào cuối mùa. Thậm chí là thay thế “số 3” huyền thoại ngay từ bây giờ bởi Mandini đã không còn giữ được phong độ của mình. Thêm vào đó, những cầu thủ còn lại ở hàng phòng ngự Milan như: Kakha Kaladze, A.Nesta, Zambrotta… cũng đã đều ở tuổi “băm” và không phải lúc nào họ cũng chơi tốt. Trên lý thuyết, mua về một cầu thủ đa năng như Gallas lúc này là hoàn toàn hợp lí. Nhưng nó đi ngược lại tư tưởng trẻ hóa của Milan. Một cầu thủ đang mất phong độ trầm trọng như Gallas liệu có đảm bảo sự chắc chắn cho hàng phòng ngự Rossoneri ở một đấu trường khắc nghiệt như Serie A, và cả Champions League những mùa bóng tiếp sau? Chính sức ì của những lão tướng đã khiến Milan phải từ bỏ cuộc đua Scudetto vài mùa giải gần đây từ khá sớm, Gallas chắc chắn cũng không thoát khỏi quy luật lão hóa ấy. Nếu muốn mua Gallas như một giải pháp tình thế, bổ sung cho một vài mùa giải thì lại quá lãng phí. Hợp đồng của Gallas vẫn còn thời hạn 3 năm nữa, ở Arsenal anh đang nhận mức lương cao ngất 4triệu euro/năm. Vì vậy, để có được và “nuôi” được trung vệ người Pháp, Milan sẽ phải bỏ ra một khoản rất lớn. Liệu có hợp lí chăng?
Có hợp lí không khi AC Milan “ôm rơm” vào lúc này? |
Hơn nữa, thay thế Mandini có nghĩa là cầu thủ ấy ngoài tài năng phải có thêm những tác động tích cực lên đồng đội. Khả năng lãnh đạo của Gallas là một dấu hỏi lớn. Tâm lí của anh cũng không khá hơn là bao. Hãy nhìn màn trình diễn tồi tệ của anh trong trận Arsenal tiếp Dinamo Kiev, trận đấu mà Cesc Fabregas mang băng đội trưởng. Khi bị tâm lí, Gallas chơi bóng như thể một kẻ nghiệp dư. Một cầu thủ như vậy liệu có phù hợp với đẳng cấp của Rossoneri?
Với sự có mặt của Beckham vào tháng 1 tới, Milan đã “già” lắm rồi. Thế nên, các Milanista đang mong mỏi hơn bao giờ hết những bản hợp đồng trẻ trung và “xắt ra miếng”. Những Sergio Ramos, Philip Mexes… có lẽ phù hợp hơn với Milan hiện tại và tương lai. Nên chăng Milan hãy suy xét cẩn trọng thay vì làm “anh hùng” họ sẽ phải “đổ vỏ” cho kẻ khác?