(Bongda24h) - Với những đội bóng giàu có khác như Chelsea, MU hay Real, họ sẵn sàng dùng "doping" tiền để giữ chân hoặc chiêu mộ các ngôi sao hàng đầu. Nhưng với Milan, họ lại có cách làm khác, rất riêng biệt.
Không phải ngẫu nhiên mà các tifosi gọi AC Milan là một đội bóng "gia đình". Rossoneri không chỉ cưu mang các lão tướng tuổi "băm" hay đang trồi sụt ở bên kia sườn dốc sự nghiệp rồi coi họ như những thành viên trong một nhà, họ còn là đội bóng gồm rất nhiều những anh em thân thích, thậm chí là ruột thịt.
Chỗ của Seedorf em là những trận đấu từ thiện
Làm cách nào để các cầu thủ của mình cảm thấy mãn nguyện với đội bóng đang đầu quân? Đó có thể là câu hỏi hóc búa với MU trong thương vụ Ronaldo, với Chelsea trong trường hợp Lampard hay Real với "kẻ nổi loạn" Robinho, nhưng với Milan đó lại là một câu hỏi quá dễ để trả lời.
Triết lý sống bất hủ của Rossoneri là "Muốn cầu thủ ngôi sao của mình hết lòng với CLB, hãy trọng dụng anh em, người thân của họ." Chedric Seedorf là cái tên mới nhất xuất hiện trong triết lý hành xử ấy của Milan.
Với nhiều người hâm mộ thì Chedric Seedorf là một cái tên quá xa lạ. Người ta chỉ lờ mờ đoán được anh có quan hệ gì đó với Clarence Seedorf. Quả thực Chedric và Clarence chính là hai anh em ruột. Họ đều trưởng thành từ lò đạo tào trẻ của Ajax. Nhưng khác với ông anh tên tuổi, Chedric Seedorf đã từng trải qua rất nhiều CLB, trong đó có Real và Inter (khoảng thời gian 1999-2001, nhưng cũng không được ra sân lần nào), rồi phải lặn lội qua các giả đấu gần như nghiệp dư ở Serie C1 hay giải hạng hai của Bỉ, trước khi về với gã khổng lồ thành Milano.
Trước khả năng "nổi loạn" của Seedorf khi Ronaldinho đầu quân cho các Milanista, BLĐ Rossoneri đã nhanh chóng làm dịu cơn phẫn nộ của anh, nhất là sau khi được "dạm hỏi" nhường lại chiếc áo số 10 cho Ronnie.
Trước khi đến Milan, Harvey Esajas làm việc cho một rạp xiếc ở Tây Ban Nha
Đây không phải lần đầu tiên Milan áp dụng chính sách "lôi kéo" để làm vừa lòng Seedorf. Quay về với thời điểm năm 2004, "người bạn chí cốt" hồi còn ở Ajax của anh, Harvey Esajas, cũng được Milan kí hợp đồng, mặc dù cầu thủ này cũng chẳng thể có nổi một lần ra sân ở Serie A.
Năm 2004, Esajas đã xa rời sân cỏ đúng 3 năm và trọng lượng của anh chàng này lên tới hơn 100kg. Nhưng trong một chuyến thăm nhà Clarence Seedorf, Esajas hồn nhiên bày tỏ ước vọng quay trở lại sân đấu. Sợ người bạn của mình thất vọng, Seedorf lập tức gặp HLV Carlo Ancelotti và nói nửa đùa nửa thật về khả năng chiêu mộ một trung vệ dạng CNTD. Ancelotti tỏ ra hoài nghi nhưng vẫn để Esajas có cơ hội tập luyện ở trung tâm thể thao Milanello. Sau 3 tháng, Esajas giảm được 15kg và được Milan kí hợp đồng chính thức.
Nhưng "vịt không thể hóa thành thiên nga", Esajas chỉ có đúng một lần vào sân thay người ở Coppa Italia năm 2005, trong trận đấu với Palermo, khi Massimo Ambrosini phải rời sân. Và sau đó là quãng thời gian kết thúc sự nghiệp tại giải đấu Serie C.
Kaka và em trai Digao
Đến năm 2007, trước nguy cơ bị Real Madrid "thó" mất Kaka, Milan một lần nữa cho thấy sự lợi hại trong chính sách "đối nhân xử thế" của mình. Họ khiến Kaka không thể mãn nguyện hơn khi được trực tiếp chăm lo cho cậu em trai "bé bóng" cao 1,94m của mình, Rodrigo Izecson dos Santos Leite (tên của Kaka là Ricardo Izecson dos Santos Leite).
Sau một năm ngồi trên băng ghế dự bị, trung vệ Digao được Milan cho CLB Bỉ - Standard de Liège - mượn. Sẽ rất khó để Digao trở thành một nhân vật tầm cỡ như người anh Kaka của mình. Bởi suy cho cùng anh chỉ là một “món nợ“ mà Milan cưu mang.
Không biết sẽ có thêm bao nhiêu bản hợp đồng giống như Esajas, Digao và Chedric được Milan kí kết. Nhưng rõ ràng Milan là một CLB rất đặc biệt. Đối với họ, chỉ có các cầu thủ phụ Milan, không đời nào Milan phụ lại các cầu thủ!
- Hải Phong