Không hiểu chuyện gì đang xảy ra trong làng cầu Việt Nam khi giá trị các cầu thủ đang được vô tình hay cố ý “thổi” lung tung trên mặt báo. Hết chuyện cầu thủ 3 tỷ Hữu Thắng thì nay đến chuyện 6,5 tỷ để có được Mai Tiến Thành. Quá dư tiền để làm những điều như vậy ư?
Ngân sách để duy trì một đội bóng hạng Nhất vào khoảng 10 tỷ đồng, còn đối với một đội bóng chuyên nghiệp là khoảng 14 tỷ vậy mà hôm kia, T&T Hà Nội dám tuyên bố bỏ ra 6,5 tỷ để có được Mai Tiến Thành, thậm chí, còn “bay bổng” hơn khi dám chấp nhận số tiền cả triệu USD để có được Lê Công Vinh.
Nhiều tiền đến mức ấy thì ở Việt Nam này không thiếu. Như một nữ doanh nhân dám bỏ gần 20 tỷ để mua một bức tranh nhưng thực ra, số tiền ấy được dùng làm từ thiện. Bức tranh không đáng giá ngần ấy, quan trọng là tấm lòng.
Hoặc có một chương trình quảng cáo liên quan về một sự kiện từ thiện khác, hành động tặng chăn ấm cho đồng bào các tỉnh miền núi. Tổng số tiền làm từ thiện là chỉ vào khoảng 2 tỷ đồng nhưng số tiền làm quảng cáo cho sự kiện ấy, là 10 tỷ đồng. Có người nói, 10 tỷ ấy là phí nhưng cũng có ý kiến khác cho rằng 10 tỷ ấy cũng khơi dậy tinh thần từ thiện cho nhiều người khác. Có bỏ tiền quảng cáo như thế, cũng là đa mục đích, nhiều thứ tốt đẹp.
Câu trả lời: Một trò cười. Vì 6,5 tỷ ấy chỉ làm cho cái nền bóng đá chuyên nghiệp nửa vời của Việt Nam thêm phần rối loạn, làm cho thị trường chuyển nhượng vốn sơ khai và thiếu luật lệ của Việt Nam thêm phần nhố nhăng, làm cho giá trị tầm thường của các cầu thủ Việt Nam trở nên xa rời cuộc sống của cộng động hơn.
Người ta bỏ ra 6,5 tỷ để tuyển dụng một cầu thủ quá đơn giản, đơn giản đến mức không nghĩ gì đến những xung đột khác đối với các giá trị thực tế. Một giám đốc giỏi, ăn học bao nhiêu năm bên trời Tây, về làm điều hành cho một công ty đa quốc gia, lương tháng cũng chỉ vài ngàn USD, nhưng vị giám đốc ấy còn tạo ra biết bao giá trị to lớn cho công ty của mình. Vậy mà giá trị của anh ta chẳng thể ngang bằng với một cầu thủ chỉ biết đá bóng và chưa biết có đem lại lợi lộc gì cho đội bóng sắp đầu quân hay không.
Khoảng cách giữa cầu thủ 6,5 tỷ với một giám đốc giỏi đã chênh lệch như thế, giữa cầu thủ ấy và một người lao động tốt nghiệp đại học khác còn khủng khiếp hơn. Thật sẽ xấu hổ nếu so sánh cầu thủ ấy với một vị giáo sư nào đó.
Thì cứ cho cầu thủ là một nghề đặc biệt nhưng ngay cả trong môi trường đặc biệt bóng đá thì cái giá trị ấy cũng khiến người ta cười nhạo. Mai Tiến Thành thực ra chỉ là một cầu thủ bình thường, không quá xuất sắc, không có suất đá chính tại đội tuyển quốc gia và cũng chẳng có gì bộc lộ tiềm năng ghê gớm thế mà anh ta vẫn được nhìn nhận một cách trọng đại như thế.
Lỗi không phải ở Tiến Thành vì nghe đâu, anh này cũng chẳng nghe ai đề nghị như vậy. Lỗi vì con mắt và nhận thức của người ra giá.
Màn tấu hài
Thật ra, người ta không ngờ nghệch đến mức quăng tiền qua cửa sổ để bị dư luận… nghi ngờ. Người ta vẫn bảo đấy là cú tiếp thị hình ảnh cho T&T HN, là một pha “làm bàn” ngoạn mục trong lĩnh vực PR. Có chết gì đâu kia chứ, cứ nói cho báo chí viết đăng tùm lum lên rồi… từ chối thôi. Mất gì đâu?
Nói cách khác, chưa chuyện gì kết thúc có đầu có đuôi, mọi việc chỉ là thứ được người ta cố ý tiết lộ cho báo chí. Trong thời buổi nhạy về thông tin, cỡ mức giá ấy, tự nhiên sẽ trở thành sự kiện. Được - mất chưa rõ, chỉ thấy T&T lại nổi như một đại gia.
Chúng tôi nhiều lần nói chuyện với bầu Thắng của GĐT.LA, một người được xem là “tử tế” với bóng đá Việt Nam. Ông Thắng khẳng định giá trị cầu thủ Việt Nam chưa đến mức trên 1 tỷ đồng. Ông Thắng còn nói, bỏ ra nhiều tỷ để mua một cầu thủ cũng được nhưng điều đó chỉ làm cho các giá trị vốn chẳng có gì thật của bóng đá Việt Nam càng trở nên lố bịch hơn. Không sẵn sàng trả tiền chuyển nhượng cao nhưng ở GĐT.LA, sẽ có nhiều đãi ngộ để cầu thủ gắn bó với CLB lâu hơn. Thực tế chứng minh rằng GĐT.LA là một trong những nơi mà cầu thủ yên tâm và thích đến chơi bóng nhất dù họ chẳng ồn ào trên thị trường chuyển nhượng kể từ sau khi mua Minh Phương - một tài năng thật sự - với giá chưa đến 400 triệu đồng.
Vậy nên, cái giá 6,5 tỷ đồng cho một cầu thủ càng nhìn càng giống một màn tấu hài hơn là một giá trị nghiêm túc cần được tham khảo. Không phải cứ khi cần người là muốn đưa bao nhiêu tiền ra cũng được. Không phải cứ muốn nổi tiếng thì cứ đưa ra những con số hài hước như thế. Cho đến bây giờ, có mấy ai biết bầu Đức bỏ bao nhiêu để có Kiatisak, có bao giờ siêu sao người Thái Lan nói về tiền khi đề cập đến ngôi nhà HA.GL của mình. Vậy tại sao HA.GL vẫn là một “đại gia”, vẫn thắng lớn về tiếp thị và thành công trong kinh doanh?
Bóng đá Việt Nam đã hưởng lợi rất nhiều từ những mô hình vững chắc, chuyên nghiệp, ổn định của HA.GL, GĐT.LA. Được thơm lây rất nhiều với sự có mặt của Kiatisak dù chẳng ai biết các đội bóng ấy đã bỏ ra bao nhiêu tiền.
Thôi thì cũng ráng chờ đến cuối mùa để xem “con ngựa bất kham” trên thị trường chuyển nhượng T&T Hà Nội sẽ đạt được thành công gì và có được nền tảng gì trong làng bóng non trẻ này vậy.
(Theo SGGP)